|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Trung An (TAR) đặt mục tiêu lãi đột biến 600 tỷ năm 2022 nhờ chuyển nhượng đất?

07:49 | 18/01/2022
Chia sẻ
Dù chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2021 song con số lợi nhuận mục tiêu năm 2022 của Trung An đã gấp 6 lần kế hoạch 2021 và là cột mốc cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty.
Trung An (TAR) đặt mục tiêu lãi đột biến 600 tỷ năm 2022 nhờ chuyển nhượng đất? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Báo Nông nghiệp Việt Nam.

HĐQT của CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Mã: TAR) vừa thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 với doanh thu thuần 3.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng, gấp gần 6 lần so với mục tiêu 2021.

Theo kết quả ước tính, Trung An cho biết dự kiến doanh thu quý IV đạt 750 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 45 tỷ, cao hơn 570% so với cùng kỳ năm trước, và đây cũng là mức lợi nhuận cao kỷ lục tính theo quý trong suốt hơn 20 năm hoạt động của công ty.

Tức cả năm 2021, doanh nghiệp đạt khoảng 2.707 tỷ đồng doanh thu, tuy nhiên công ty lại không công bố cụ thể 45 tỷ là lợi nhuận ròng, trước thuế hay lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh.

Tính riêng doanh thu mục tiêu 2022 đã tăng khoảng 29% so với 2021. Giai đoạn từ 2020 đổ về trước, lợi nhuận ròng của Trung An chưa bao giờ vượt 100 tỷ.

Bên cạnh đó, HĐQT giao Ban giám đốc tiến hành định giá khu đất diện tích gần 10.905 m2 tại Lô 96, khu phố 4, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, thuộc sở hữu của TAR. Việc định giá chuyển nhượng tài sản này phải hoàn thành trước 30/6/2022.

Vào cuối tháng 9/2021, HĐQT của công ty đã thông qua nghị quyết chuyển nhượng lô đất trên với mức giá không thấp hơn 300 tỷ đồng.

Nhiều khả năng việc Trung An có lãi đột biến năm 2022 có thể đến từ khoản thu nhập bất thường trong việc chuyển nhượng lô đất ở Cần Thơ.

Ngoài lô đát ở quận Ninh Kiều, Trung An còn có hai mảnh đất 2.515,4 m2 ở quận Thốt Nốt và 12.640 m2 ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Trung An (TAR) đặt mục tiêu lãi đột biến 600 tỷ năm 2022 nhờ chuyển nhượng đất? - Ảnh 2.

Nguồn: Bản cáo bạch của Trung An.

Đáng chú ý, HĐQT cũng thông qua việc xin ý kiến cổ đông thay đổi hoặc bỏ các nhóm ngành bị hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài, nhằm mục đích tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 0 lên 49%.

Hoàng Kiều