|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu TAR mất hơn 1/3 giá trị từ đỉnh, Trung An chưa thể công bố báo cáo soát xét 6 tháng

08:10 | 11/10/2023
Chia sẻ
Phiên 10/10, cổ phiếu TAR của CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đảo chiều từ giảm sàn lên tăng kịch trần. Nếu so với mức đỉnh đã thiết lập hồi đầu tháng 8, thị giá TAR mất khoảng 37%.

Cổ phiếu TAR diễn biến tiêu cực hơn khi Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo về việc chuyển cổ phiếu TAR từ diện cảnh báo sang diện bị kiểm soát kể từ ngày 12/10 do chậm nộp báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất bán niên 2023 đã được soát xét, quá hạn 30 ngày so với quy định. Trước đó, mã chứng khoán này đã có dấu hiệu đi xuống.

Thông tin liên quan khác, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây cũng chỉ ra nhiều vi phạm trong hoạt động, công bố thông tin, giao dịch với công ty con, công ty liên kết của Trung An và ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc, kiêm Phó Chủ tịch HĐQT.

Sau khi HNX ra quyết định, phía Trung An chưa có giải trình về việc chậm công bố báo cáo tài chính soát xét hay phương án khắc phục việc cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát.

Theo báo cáo tài chính quý II/2023 tự lập, luỹ kế 6 tháng đầu năm, Trung An ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.513 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế là 606 triệu đồng, cùng kỳ lãi gần 51 tỷ đồng và chỉ mới thực hiện được 1% kế hoạch lợi nhuận 50 tỷ đồng cả năm 2023.

(*) là tổng hợp từ báo cáo chưa kiểm toán. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính đã kiểm toán của công ty). 

Bức kinh doanh của công ty nửa đầu năm đang đối lập với kỳ vọng của cổ đông trong bối cảnh giá gạo tăng mạnh. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 tổ chức cuối tháng 6, cổ đông có đặt câu hỏi về việc giá lúa gạo tăng, xuất khẩu lúa gạo cũng tăng, doanh thu tăng vậy tại sao lợi nhuận của Trung An giảm mạnh. Đồng thời kế hoạch kinh doanh năm 2023 cũng rất thấp.

Ban lãnh đạo Trung An cho biết trong quá trình thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty nhận thấy thực trạng giá lúa gạo tăng nhưng giá lúa của nông dân bán ra cũng tăng mạnh theo, khiến chi phí sản xuất, giá thành tăng cao. Lãi suất ngân hàng từ năm ngoái đến nay cũng rất cao.

Dù Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng để áp dụng vào thực tế vẫn sẽ có độ trễ nhất định. Ngoài ra, tình hình kinh tế khó khăn, biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Các yếu tố trên đã phần nào bào mòn lợi nhuận.

Về phần giá cổ phiếu, kể từ đầu năm, TAR của Trung An cũng như nhóm cổ phiếu ngành gạo bứt tốc và đạt đỉnh đầu tháng 8, trong bối cảnh giá xuất khẩu gạo tăng vọt. Tuy nhiên sau đó, nhóm cổ phiếu này đã điều chỉnh, trở về nền giá đầu năm.

Diễn biến giá cổ phiếu nhóm ngành gạo từ đầu năm đến nay. (Nguồn: TradingView).

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu gạo trong 9 tháng năm 2023 đạt 3,66 tỷ USD, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2022. Con số này đã vượt giá trị xuất khẩu gạo cao nhất từng đạt được năm 2011 là 3,65 tỷ USD.

Xuất khẩu gạo đạt giá trị cao là do giá gạo xuất khẩu bình quân từ đầu năm đến nay luôn ở mức cao, đạt 553 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, có thời điểm giá gạo Việt Nam xuất khẩu lên đến gần 650 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong 9 tháng đầu năm đã đạt mức cao nhất trong hơn 14 năm qua.

Thời gian gần đây, giá gạo xuất khẩu có xu hướng chững lại sau động thái của một số nước nhập khẩu nhằm kiềm chế lạm phát, tập trung vào chính sách phát triển sản xuất trong nước để tăng cường dự trữ, tồn kho và tìm kiếm các nguồn cung cấp lương thực thay thế cho gạo nhưng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn đứng đầu thế giới. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, trong 3 tháng cuối năm, dự kiến sẽ thu hoạch gần 10 triệu tấn lúa mùa và vụ thu đông, tương đương với hơn 5 triệu tấn gạo. Với sản lượng này, ngoài việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, vẫn còn dư khoảng 1,5 triệu tấn gạo có thể xuất khẩu. Cơ hội xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm vẫn còn rất lớn khi các nước vẫn đang tăng cường nhập khẩu gạo để dự trữ.

Minh Hằng