Cơ hội đến nhiều, doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn áp lực trước chi phí tài chính cao
Việt Nam và Thái Lan tiếp tục hưởng lợi từ việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo
Ngày 20/7, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ, mặt hàng chiếm đến 80% tổng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa trước áp lực lạm phát gia tăng mạnh tại quốc gia này. Sau Ấn Độ, UAE, Nga cũng lần lượt thông báo ngừng xuất khẩu gạo.
Trong báo cáo ngành gạo, CTCP Chứng khoán Mirae Asset cho rằng việc Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo tẻ tạm thời đang hỗ trợ tốt cho hai quốc gia xếp sau là Thái Lan và Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu về cả lượng, kim ngạch và giá bán, đồng thời có thể mở rộng thị trường và cải thiện thị phần.
Ngay khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, nhiều quốc gia như Indonesia, Philippines... vốn phụ thuộc đáng kể vào nguồn gạo nhập khẩu đã tăng cường tìm kiếm nguồn cung gạo để bổ sung cho nguồn hàng dự trữ trong nước.
Mirae Asset dẫn một số dự báo cho rằng Ấn Độ có thể dỡ lệnh cấm trong quý IV/2023 hoặc quý I/2024 khi điều kiện thời tiết thuận lợi. Cho đến khi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm, xuất khẩu gạo của Việt Nam và Thái Lan vẫn tiếp tục hưởng lợi. Bộ Nông Nghiệp Mỹ dự báo sản lượng gạo xuất khẩu năm 2023 của Thái Lan đạt 8,5 triệu tấn, 11% so với năm 2022; Việt Nam có thể đạt 7,5 triệu tấn, tăng 6%.
Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước đạt gần 3,2 tỷ USD, tăng 36% cùng kỳ. Cuối tháng 8, giá gạo 5% tấm đang gần 650 USD/tấn, quanh vùng đỉnh giá 15 năm.
Bộ NN&PTNT cũng nhận định sản lượng lúa gạo sản xuất chắc chắn sẽ vượt mức mục tiêu sản xuất 43 triệu tấn. Dư địa gạo cho xuất khẩu 5 tháng cuối lại trong năm 2023 còn khoảng 2,6 triệu tấn với mục tiêu cả năm xuất khẩu 7,5 triệu tấn.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng dự báo việc thiếu hụt nguồn cung do tác động từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của các nước, lạm phát và biến đổi khí hậu El Nino... sẽ tiếp tục tác động lên hoạt động xuất khẩu gạo của những tháng cuối năm 2023.
Mirae Asset dự báo bình quân giá gạo cả năm 2023 có thể ở mức 553 USD/tấn, tăng gần 14% so với năm 2022. Đây là mức giá bán bình quân cao nhất trong 15 năm trở lại đây.
Chi phí tài chính cao ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp
Bối cảnh thuận lợi của ngành gạo có thể đem đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp mảng lương thực cải thiện kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, chi phí tài chính đang là một gánh nặng đối với doanh nghiệp.
Mirae Assetdự phóng năm 2023, doanh thu của CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Mã: TAR) đạt 4.487 tỷ đồng tăng 18% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt gần 65 tỷ đồng giảm 14% so với cùng kỳ, chủ yếu do chi phí tài chính lên đến 117 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2022.
Trung An đã giao xong đơn hàng 11.347 tấn gạo sang Hàn Quốc, đồng thời chốt thêm đơn hàng 16.667 tấn gạo với giá 674 USD/ tấn giao trong tháng 7, mức giá khá cao so với các nước trong khu vực. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp, Trung An thắng gói thầu xuất khẩu gạo sang thị trườngHàn Quốc.
Ngoài ra, việc Trung Quốc - thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Trung An tăng cường mua vào cũng đặt ra kỳ vọng doanh nghiệp này sẽ tăng trưởng mạnh về doanh thu.
Với CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG)nửa đầu năm 2023 có xu hướng vay nợ ngắn hạn để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, lãi suất vay vốn ở mức khá thấp và chủ yếu là các khoản vay tín chấp.
Mirae Asset dự báo năm 2023 doanh thu và lãi ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ có thể đạt 13.654 tỷ và 451 tỷ đồng, tăng 17% và 9% so với năm 2022. Riêng doanh thu mảng lương thực và gạo kỳ vọng đạt 8.802 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2022.
Cả doanh thu tài chính và chi phí tài chính của Lộc Trời trong năm 2023 dự kiến lần lượt tăng 26% và 28%. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp có thể giảm từ 18,4% xuống 15,2%.
Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng phản ánh việc các thương nhân ngành gạo gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn.
VFA cũng kiến nghị với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét có cơ chế hỗ trợ về vốn cho thương nhân nhằm tăng cường nguồn lực tài chính phục vụ hoạt động thu mua lúa gạo, đảm bảo nguồn tồn kho dự trữ lưu thông.