|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Philippines áp giá trần gạo có thể ảnh hưởng đến nông dân và người tiêu dùng nội địa

15:58 | 02/09/2023
Chia sẻ
Giới chuyên gia cho rằng mặc dù việc áp giá trần đối với gạo có thể kiểm soát giá bán lẻ hiện nay, nhưng điều này sẽ có những tác động khác nhau, ngay cả khi được thực thi tốt.

Theo Phiippines Star, các nhà kinh doanh và giới chuyên gia trong ngành nông nghiệp đánh giá, mức trần giá gạo được Tổng thống Marcos phê duyệt có thể giúp hạn chế chi phí lương thực gia tăng, nhưng nó cũng được coi là có tác động bất lợi đối với nông dân do giá gạo thu mua sẽ thấp hơn, cũng như đối với người tiêu dùng vì điều này có thể hạn chế hơn nữa nguồn cung gạo.

Tại Sắc lệnh 39 mà Tổng thống  Marcos mới phê chuẩn, mức giá trần đối với gạo xay xát thường là 41 Peso/kg (tương đương khoảng 0,7 USD/kg); và 45 Peso/kg (tương đương 0,8 USD/kg) đối với gạo xay xát kỹ.

Việc áp đặt trần giá đối với mặt hàng gạo được Tổng thống Philippines quyết định hôm 1/9 sau khi Bộ Nông nghiệp (DA) và Bộ Thương mại và Công nghiệp (DTI) của quốc gia này có báo cáo rằng, đã xảy ra tình trạng bắt tay thao túng giá bất hợp pháp của các thương nhân trong nước, làm giá bán lẻ gạo nội địa của quốc gia này tăng vọt.

Bên cạnh đó, lệnh cấm xuất khẩu  gạo của Ấn Độ và sự biến động của giá dầu cũng khiến giá bán lẻ gạo tại Philippines tăng ở mức báo động. Hồi tháng 8 vừa qua, giá gạo bán lẻ ở trong nước vẫn tiếp tục tăng. Giá bán một số loại gạo trên thị trường xunh quanh thủ đô Manila đã tăng lên tới 25%.

Theo khảo sát của DA tại thành phố Manila tính đến ngày hôm qua (1/9), giá bán lẻ gạo xay kỹ tại địa phương dao động trong khoảng 47-57 Peso/kg và 42-55 Peso/kg đối với gạo xay thông thường tại địa phương.

Đối với hàng nhập khẩu, gạo xay kỹ ở mức 43-52 Peso/kg trong khi gạo xay xát thường nhập khẩu không có sẵn trên thị trường.

Ông Roehlano Briones, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Phát triển Philippines, cho biết mặc dù điều này có thể kiểm soát giá bán lẻ hiện nay, nhưng mức trần giá bắt buộc sẽ có những tác động khác nhau, ngay cả khi được thực thi tốt.

Ông nói: “Điều này cũng sẽ không tốt cho người tiêu dùng vì sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt, gạo giả, phân loại lại các loại gạo,…Ngoài ra, giá tại các ruộng sẽ không thể tăng”.

Giá trần được đưa ra vào thời điểm nông dân trồng lúa sắp thu hoạch vụ mùa mưa, thường được thực hiện vào tháng 9 đến tháng 12.

Chuyên gia kinh tế trưởng Michael Ricafort của ngân hàng Rizal Commercial Banking Corp. cho biết giá gạo cả ở cấp độ mua tại ruộng và bán lẻ đã tăng mạnh vào đầu tháng 8 sau ảnh hưởng của cơn bão gây ra vào cuối tháng 7.

Ông cho biết giá thóc tại ruộng đã tăng vọt lên tới 30-34 Peso/kg.

Một số ý kiến cho rằng thay vì nhắm vào các nhà bán lẻ nhỏ, chính quyền nên truy lùng những người tích trữ gạo để thao túng giá trên thị trường.

Hồi đầu tuần trước, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã chỉ thị các cơ quan chức năng siết chặt việc kiểm soát nạn tích trữ gạo đồng thời tăng cường các biện pháp để kiềm chế lạm phát chủ yếu do giá gạo tăng mạnh. Trong tháng 7, lạm phát ở Philippines lên tới 4,2% - mức cao nhất kể từ năm 2019.

Trong khi đó, ông Jayson Cainglet, đại diện một tổ chức nông dân Samahang Industriya ng Agrikultura ủng hộ Sắc lệnh 39. 

“Chúng tôi đánh giá cao việc Tổng thống Marcos đã ban hành lệnh 39, quy định mức trần giá gạo. Không có lý do gì để tăng giá trong những tuần qua vì trong nước không có tình trạng thiếu gạo”, ông Cainglet nói.

Trong khi đó, nhóm nông dân Kilusang Magbubukid ng Pilipinas (KMP) hôm 1/9 cho biết mức trần giá 41 Peso/kg và 45 Peso/kg đối với gạo thường và gạo xay kỹ vẫn ở mức cao trong bối cảnh giá ngũ cốc tăng đột biến.

“Giả sử thương lái mua thóc với giá 22 Peso/kg, nếu cộng chi phí, bao gồm cả xay xát, vận chuyển sau đó nhân với 70%. Tổng chi phí bổ sung sẽ là 15,4 Peso và thêm 22 Peso, giá bán lẻ gạo xay kỹ chỉ là P37,4 chứ không phải 45 Peso/kg”, Chủ tịch KMP Danilo Ramos cho biết, đồng thời lưu ý rằng mức chênh lệch vẫn là 7,6 Peso/kg.

 

 

H.Mĩ