Philippines áp trần giá gạo nhằm kiềm chế tăng giá báo động
Đây là biện pháp nhằm bình ổn giá của mặt hàng chủ lực của quốc gia Đông Nam Á này khi giá bán lẻ tăng ở mức “báo động” do ảnh hưởng của các sự kiện trong và ngoài nước.
Cụ thể, Philippines ấn định giá trần cho gạo xay xát thông thường ở mức 41 peso/1 kg (tương đương khoảng 0,72 USD/1kg). Trong khi đó, giá của gạo xay xát kỹ được ấn định ở mức 45 peso/1 kg (tương đương khoảng 0,79 USD/kg). Các mức giá trần này có hiệu lực cho đến khi có quyết định tiếp theo của tổng thống. Bộ Nông nghiệp Philippines cho biết các mức giá trần nói trên đều thấp hơn so với mức giá bán trên thị trường trong nước tính đến ngày 30/8.
Thông báo của Văn phòng tổng thống cho biết quyết định áp giá trần được đưa ra sau khi ghi nhận tình trạng thao túng giá bất hợp pháp đang diễn ra tràn lan ở Philippines, như nạn đầu cơ tích trữ của các thương nhân và sự câu kết giữa các doanh nghiệp sản xuất và chế biến gạo.
Bên cạnh đó, những sự kiện trên thế giới như lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và sự biến động của giá dầu cũng khiến giá bán lẻ gạo ở quốc gia Đông Nam Á tăng ở mức “báo động”. Hồi tháng 8 vừa qua, giá gạo bán lẻ ở trong nước vẫn tiếp tục tăng. Giá bán một số loại gạo trên thị trường xunh quanh thủ đô Manila đã tăng lên tới 25%.
Trước đó, hồi đầu tuần, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã chỉ thị các cơ quan chức năng tăng cường nỗ lực để dẹp nạn tích trữ gạo đồng thời tăng cường các biện pháp để kiềm chế lạm phát chủ yếu do giá gạo tăng mạnh. Trong tháng 7/2023, lạm phát ở Philippines lên tới 4,2% - mức cao nhất kể từ năm 2019.
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr áp mức trần giá gạo trong nước kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 6/2022. Trang mạng tờ Nikkei Asia ngày 1/9 dẫn lời chuyên gia kinh tế cao cấp Nicholas Antonio Mapa, thuộc chi nhánh Manila của ngân hàng đa quốc gia ING, cho rằng quyết định áp trần giá gạo nói trên không phải là giải pháp lâu dài để “hạ nhiệt” giá gạo cũng như giá lương thực thực phẩm tăng mạnh. Chuyên gia Mapa lập luận rằng biện pháp này có thể gây ra những vấn đề về cung cầu, có thể dẫn đến tình trạng giao dịch ngầm hoặc thị trường chợ đen.
Theo ông Leonardo Lanzona – chuyên gia kinh tế tại Đại học Ateneo De Manila (hilippines), quyết định áp giá trần nói trên có thể gây thiệt hại to lớn đối với cả nông dân và thương lái của nước này. Chuyên gia này lập luận rằng những lần áp giá trần trước đây đã gây thiệt hại to lớn hơn đối với chính phủ. Trong khi đó, giá trần cũng làm sụt giảm sản lượng sản xuất, theo đó làm giảm nguồn cung trên thị trường.
Philippines là một trong những nước nhập khẩu ngũ cốc lớn nhất trên thế giới. Trong nửa cuối năm 2023, Nguồn cung gạo của Philippines ước tính sẽ đạt 10,15 triệu tấn, trong đó, 7,2 tấn là sản lượng thu hoạch trong nước. Theo Nikkei Asia, khoảng 90% lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong năm 2022 đến từ Việt Nam.