|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trong nguy có cơ, dịch COVID-19 giúp các công ty sản xuất thịt heo Trung Quốc xoay vần

14:22 | 19/03/2020
Chia sẻ
Dịch virus corona (COVID-19) khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhưng lại chừa ra một nhóm doanh nghiệp hưởng lợi lớn: các nhà sản xuất thịt heo.
Trong nguy có cơ, dịch COVID-19 giúp các công ty sản xuất thịt heo Trung Quốc xoay vần  - Ảnh 1.

Dịch COVID-19 khiến hoạt động logistics và giao thông vận tải gián đoạn, tác động đến nguồn cung thịt heo và kéo lạm phát tại Trung Quốc lên cao. (Ảnh: Reuters)

Sản lượng thịt heo giảm, doanh thu tăng bất chấp

Theo Nikkei Asian Review, nhờ giá thực phẩm tăng trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan trên diện rộng, các công ty như Muyuan Foods đang chứng kiến doanh thu tăng vọt dù sản lượng thấp.

Tuy nhiên, giá thịt heo đi lên làm gia tăng nguy cơ lạm phát trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang suy yếu, khiến Bắc Kinh rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Muyuan (có trụ sở tại Hà Nam) cho biết công ty đã bán được 1.395 triệu con heo sống trong hai tháng đầu năm nay, giảm hơn 31% so với cùng kì năm ngoái nhưng doanh thu lại tăng gấp 2,56 lần lên 4,62 tỉ nhân dân tệ (tương đương 661,5 triệu USD).

Nhờ giá thịt heo tăng, doanh thu của các hãng sản xuất thịt heo khác cũng tăng mạnh dù sản lượng giảm. Giá thịt heo tháng 2 của Muyuan (niêm yết tại Thâm Quyến) là 32,5 nhân dân tệ/kg, trong khi cùng kì năm ngoái là 9,6 nhân dân tệ/kg.

Trong nguy có cơ, dịch COVID-19 giúp các công ty sản xuất thịt heo Trung Quốc xoay vần  - Ảnh 2.

Việt hoá: Yên Khê

Trong nguy có cơ: Dịch COVID-19 kéo giá thịt heo tăng mạnh

Theo Nikkei, sản lượng thịt heo chung của Trung Quốc vốn đã phải chịu áp lực lớn do dịch tả heo châu Phi (ASF) bùng phát vào năm ngoái. Dịch COVID-19 chỉ góp phần làm trầm trọng thêm tình hình thực tế.

"Hoạt động kinh doanh thịt heo bình thường tại các tỉnh thành đã bị ảnh hưởng ở một mức độ nhất định kể từ tháng 2, vì ngành logistics và giao thông vận tải bị gián đoạn do dịch COVID-19", theo thông tin từ New Hope Liuhe - một công ty con của tập đoàn nông nghiệp New Hope Group.

Nikkei đưa tin, chỉ trong hai tháng đầu năm 2020, New Hope Group đã ghi nhận doanh thu 1,931 tỉ nhân dân tệ.

Trong số 12 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Thâm Quyến hoặc Thượng Hải đã tiết lộ dữ liệu sản lượng và doanh thu tháng tính đến ngày 17/3, 11 công ty đã chứng kiến doanh thu tăng trong hai tháng đầu năm nay.

Vận may bất ngờ này thậm chí còn đáng chú ý hơn ở các công ty nhỏ như Ningbo Techbank.

Trong hai tháng đầu năm 2020, sản lượng thịt heo của công ty có trụ sở tại Chiết Giang giảm 44% so với cùng kì năm ngoái, tức chỉ bằng 1/5 sản lượng của Muyuan, nhưng doanh thu của Ningbo Techbank lại tăng 4,6 lần lên 889 triệu nhân dân tệ.

Đối với Ningbo Techbank, giá thịt heo liên tục tăng đã giúp công ty xoay vần mạnh mẽ. Hôm 29/2, công ty đã đưa ra thông báo dự báo lợi nhuận ròng năm 2019 có thể đạt hơn 120 triệu nhân dân tệ, trong khi năm 2018 lỗ ròng 571 triệu nhân dân tệ.

"Lí do chính giúp công ty xoay vần trong năm 2019 là nhờ doanh thu và lợi nhuận trong mảng kinh doanh heo sống tăng đáng kể", hội đồng quản trị Ningbo Techbank tuyên bố.

Jiangxi Zhengbang Technology cũng đã nâng dự báo doanh thu, theo đó ước tính doanh thu năm 2019 của công ty sẽ tăng 15% so với năm 2018, trong khi lợi nhuận ròng sẽ tăng 9 lần lên ngưỡng 1,7 tỉ nhân dân tệ.

Jiangxi Zhengbang Technology đang tận dụng cơ hội này để chuẩn bị cho việc mở rộng năng lực sản xuất, điều này được phản ánh qua mức tăng 46% trong tổng tài sản lên 31 tỉ nhân dân tệ vào cuối năm ngoái.

Wens Foodstuff Group, một trong các "tay chơi" lớn nhất ngành, cũng dự đoán lợi nhuận ròng năm 2019 sẽ tăng 3,5 lần lên 13,9 tỉ nhân dân tệ.

Hai nhà phân tích Yang Tianming và Feng He của Huatai Securities, dự đoán lợi nhuận ròng của Wens Foodstuff Group sẽ tăng 2,3 lần lên 32,387 tỉ nhân dân tệ trong năm nay.

Trong khi các công ty sản xuất thịt heo tại Trung Quốc đang ăn mừng giải "độc đắc", các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh dường như ít phấn khích hơn.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của Trung Quốc đã tăng 5,2% so với cùng kì năm trước, thấp hơn một chút so với mức 5,4% trong tháng 1 nhưng nhìn chung cao hơn nhiều so với mức 1,5% vào cùng kì năm ngoái.

Trong nguy có cơ, dịch COVID-19 giúp các công ty sản xuất thịt heo Trung Quốc xoay vần  - Ảnh 3.

Việt hoá: Yên Khê

Vì thịt heo là nguồn protein chính trong khẩu phần của các hộ gia đình Trung Quốc điển hình, nên giá sản phẩm này ảnh hưởng trực tiếp ảnh hưởng đến mức giá chung. Trong tháng 2, chỉ riêng giá thịt heo đã đóng góp 3,19 điểm cho chỉ số CPI.

"Dưới bất kì góc độ nào, chúng tôi tin rằng chỉ số CPI hiện đang quá cao, khiến các nhà hoạch định chính sách khó kiểm soát tình hình", ông Kevin Lai - nhà kinh tế trưởng tại Daiwa Capital Markets (có trụ sở tại Hong Kong), nhận định.

Yên Khê

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.