|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trong khi Nga sa lầy ở Ukraine, Mỹ gia tăng ảnh hưởng ở châu Á

10:34 | 05/04/2022
Chia sẻ
Trong khi cả thế giới đang tập trung vào điểm nóng Ukraine, có thể đây là thời điểm thích hợp để Mỹ gia tăng ảnh hưởng tại Châu Á.

Bước qua tháng thứ hai, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu của cuộc xung đột Ukraine ngày càng gia tăng. Thị trường năng lượng, nông nghiệp, trái phiếu, kim loại quý - tất cả đều bị xáo trộn khi những diễn biến tiếp theo tại Ukraine ngày càng khó lường.

Nhưng ngoài kinh tế, các vấn đề địa chính trị dài hạn đang xuất hiện, khi các quốc gia buộc phải chọn phe ủng hộ hoặc chống lại Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trung Quốc

Chủ tịch Tập Cận Bình duy trì quan điểm nghiêng về Tổng thống Putin. Bắc Kinh sẽ không lên án cuộc xung đột ở Liên Hợp Quốc, không tuân theo các lệnh trừng phạt của phương Tây, và sẽ cung cấp cho Moscow hỗ trợ tài chính và khả năng tiếp cận vốn.

Nhưng khi Chủ tịch Trung Quốc nhận thấy sự ủng hộ của Phương Tây dành cho Ukraine, ông có thể bắt đầu suy nghĩ lại về tình bạn “không có giới hạn” của mình với Tổng thống Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. (Ảnh: AP).

Trung Quốc cũng sẽ xem xét các tác động của cuộc xung đột Ukraine đối với kế hoạch dài hạn liên quan đến đảo Đài Loan. Việc chứng kiến các quốc gia Phương Tây ủng hộ về tài chính, vũ khí và sự kháng cự quyết liệt của Ukraine sẽ khiến Bắc Kinh phải dè chừng khi tiếp cận vấn đề Đài Loan. 

Trung Quốc dường như đang muốn trở thành trung gian hòa giải giữa Tổng thống Putin và Phương Tây. Bắc Kinh sẽ không tham gia lên án Nga nhưng các chính sách của Trung Quốc sẽ có chừng mực và kiên nhẫn hơn. 

Về lâu dài, vùng Siberia rộng lớn của Nga với đầy dầu mỏ, khí đốt, gỗ, đất canh tác, nước ngọt, khoáng sản chiến lược sẽ vẫy gọi Bắc Kinh. Theo Bloomberg, một nước Nga yếu hơn có thể là một nước Nga tốt hơn cho người Trung Quốc.

Tóm lại: Hiện tại, Trung Quốc không quan tâm đến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, chuỗi cung ứng toàn cầu bị phá vỡ hay giảm tăng trưởng chung trên toàn thế giới. Những nỗi lo trên còn đặc biệt đúng trong năm bầu cử của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó ông Tập Cận Bình hy vọng sẽ giành được nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba.

Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ

Khu vực lân cận đang ngày càng trở nên nguy hiểm đối với Trung Quốc. Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai của Châu Á, đã hăng hái liên kết với Phương Tây để chống lại Nga, tham gia các biện pháp trừng phạt trước sự ngạc nhiên của nhiều nhà quan sát. 

Công chúng Nhật Bản đang hết sức ủng hộ Ukraine, trao cho chính phủ bảo thủ của Thủ tướng Fumio Kishida cơ hội để thắt chặt quan hệ an ninh với Mỹ. Trong khi quân đội Nhật Bản vẫn là lực lượng tự vệ, Tokyo sẽ cung cấp hỗ trợ nhân đạo và hỗ trợ ngoại giao đáng kể cho Ukraine.

Người Nhật cũng quan tâm đến những vùng tranh chấp lãnh thổ với Nga trong khi cuộc chiến Ukraine đang diễn ra. Bốn hòn đảo mà người Nhật gọi là Lãnh thổ phía Bắc (Nga gọi là quần đảo Kuril) đã bị Moscow nắm giữ kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc, và tranh chấp vẫn còn gay gắt 8 thập kỷ sau. 

Về mặt lịch sử, Nhật Bản vẫn là một thế lực vững chắc về mặt kinh tế và ngoại giao chống lại Moscow của Phương Tây.

Hòn đảo thuộc quần đảo mà người Nhật gọi là Lãnh thổ phía Bắc (Nga gọi là quần đảo Kuril). (Ảnh: TASS).

Tại Hàn Quốc, cuộc bầu cử tháng trước đã đưa đảng bảo thủ trở lại nắm quyền và Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol đã liên hệ với nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky để có một cuộc họp sau khi giao tranh kết thúc. Ông Yoon cũng đã bắt đầu xây dựng mối quan hệ bớt căng thẳng với Nhật Bản, điều mà Washington đã hy vọng từ lâu. 

Seoul ngày càng lo ngại về tuyên bố của Triều Tiên về việc phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào cuối tháng 3. Ý tưởng biến Bộ tứ Kim cương (liên kết ngoại giao của Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ) thành Bộ tứ bao gồm cả Hàn Quốc đang được định hình.

Ngoại lệ lớn nhất có lẽ là Ấn Độ, khi mà quốc gia này có quan hệ lâu đời với Nga, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự. Ấn Độ đã từ chối lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Tổng thống Putin.

Ấn Độ cho đến nay đã chọn trung lập trong cuộc xung đột. Washington, ý thức được sự cần thiết phải giữ Ấn Độ là một phần của liên minh chống Trung Quốc, cho đến nay đã cho New Delhi giữ vị trí trung lập. 

Nếu chiến tranh kéo dài, áp lực gia tăng từ Mỹ và các nền dân chủ Phương Tây khác có thể làm thay đổi lập trường của Ấn Độ. Liệu sức ép từ Phương Tây có gây ra rạn nứt đến động lực của Bộ tứ kim cương hay không là một nỗi lo lớn đối với các nhà hoạch định chính sách.

Mỹ và Châu có thể sẽ âm thầm làm việc với cả Ấn Độ và Trung Quốc để khiến họ thay đổi thái độ đối với Nga. Câu hỏi thực sự là hai quốc gia trên sẽ phản ứng như thế nào khi các lệnh trừng phạt toàn cầu đối với Nga được mở rộng sang các nước làm ăn với Moscow.

Một cuộc chiến tranh nóng đang hoành hành ở Ukraine, nhưng cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc quan trọng hơn đối với lợi ích lâu dài của Mỹ.

Minh Quang