|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trong chiến tranh thương mại, Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng cũng lắm rủi ro

16:11 | 05/07/2019
Chia sẻ
Việt Nam vẫn thường được coi là quốc gia hưởng lợi rõ ràng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên theo phân tích trên tờ Bloomberg và SCMP, danh hiệu này gần đây đã bị đem ra “thử lửa”, khiến nhiều người nghi ngờ về những lợi ích thực sự mà Việt Nam nhận được so với những tác động tiêu cực phải chịu.

Từ tuyên bố của Tổng thống Trump đến quyết định của Bộ Thương mại Mỹ

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump khi trả lời phỏng vấn Fox Business Network đã cáo buộc Việt Nam gây tác động tiêu cực đến Mỹ trong giao thương hai nước. (Ông cũng nói thêm rằng Việt Nam nhập khá nhiều than từ bang West Virginia và điều này làm ông cảm thấy vui).

Quan điểm này của ông Trump trái ngược hoàn toàn so với một năm trước đây khi ông ca ngợi Việt Nam, coi mô hình kinh tế Việt Nam là một hình mẫu mà Triều Tiên nên đi theo.

Trump

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau bên lề Hội nghị G20 tại Nhật Bản cuối tháng 6. Ảnh: VGP.

Ít ngày sau, tại Hội nghị G-20 tổ chức tại Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có trao đổi với Tổng thống Trump về "những trọng tâm hợp tác giữa hai nước, trong đó đặc biệt liên quan tới thương mại, năng lượng", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết.

Bà Hằng nói thêm: Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải thiện cán cân thương mại giữa hai nước, thúc đẩy nhập khẩu các mặt hàng Mỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu.

Theo phân tích của Bloomberg, Việt Nam có chính sách định hướng công nghiệp hóa, chi phí nhân công thấp và thặng dư thương mại lớn tương tự như Trung Quốc những năm trước. 

Ngoài ra, Việt Nam còn có quan hệ hữu hảo với Mỹ trong hơn hai thập niên qua. Dù vậy, tham gia cuộc chơi chiến tranh thương mại có nhiều lợi ích cũng như chi phí. Việt Nam nỗ lực đặt mình vào vị trí trung tâm của chuỗi xuất khẩu, chiến lược này tiềm ẩn rủi ro khi nhu cầu thế giới suy yếu. 

Vội vã mở rộng năng lực sản xuất có thể tạo ra những áp lực lớn, chẳng hạn như quá nhiều nhà máy tập trung ở một khu vực nhỏ hẹp, chuyển dịch dân cư qui mô lớn, quá tải hạ tầng, … Chưa kể, tình trạng chi phí nhân công rẻ sẽ không thể kéo dài mãi.

Sau phát biểu về thương mại của ông Trump, Bộ Thương mại Mỹ hôm 2/7 lại tuyên bố áp mức thuế lên tới 456% vào thép nhập khẩu từ Việt Nam có xuất xứ từ Đài Loan, Hàn Quốc. Theo lập luận của Bộ Thương mại Mỹ, các doanh nghiệp từ Đài Loan và Hàn Quốc đang tránh thuế của Mỹ bằng cách đi vòng qua Việt Nam.

Chính sách này của Mỹ đã nhằm vào đúng điểm yếu của Việt Nam. Trong một số trường hợp, các doanh nghiệp nước ngoài chỉ đưa hàng đến Việt Nam để thực hiện khâu xử lí, lắp ráp cuối cùng trước khi chuyển đến thị trường thực sự là Mỹ.

Theo Bloomberg, đây chính là thực trạng của chuỗi cung ứng toàn cầu. Tất cả mọi thứ đều liên kết với nhau. Nhiều khả năng trong tương lai, định nghĩa về hàng "Sản xuất tại Trung Quốc" (Made in China) của ông Trump có thể thay đổi và khi đó Việt Nam có nguy cơ trở thành mục tiêu mới.

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ ngày 4/7, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh cũng phần nào ghi nhận sự thay đổi trong chính sách của Mỹ: "Trước kia Mỹ chấp nhận nhưng hiện nay không chấp nhận vì cho rằng quá trình nhập thép cán nóng từ các quốc gia khác về Việt Nam chuyển đổi không đáng kể nên áp thuế tới hơn 400%".

Điều gì xảy ra khi Mỹ mở rộng mục tiêu đánh thuế?

Theo Bloomberg, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ trong những năm qua tăng lên chủ yếu nhờ vào những mặt hàng mà Trung Quốc bị Mỹ áp thuế cao.

Tỉ trọng hàng Việt Nam trong cơ cấu nhập khẩu của Mỹ tăng so với Trung Quốc ở nhiều nhóm sản phẩm, nhiều nhất là điện thoại và linh kiện điện thoại, dệt may, nội thất, sản phẩm gỗ và giày dép. Nếu phía Mỹ mở rộng phạm vi xuất xứ bị áp thuế đối với các sản phẩm này, Việt Nam có thể phải chịu rủi ro.

1000x-1

Xuất khẩu dệt may từ Việt Nam sang Mỹ tăng lên. Ảnh minh họa: Bloomberg/Getty Image.

Những thông tin kém tích cực này đến với Việt Nam đúng lúc tăng trưởng kinh tế thế giới đang giảm tốc, ảnh hưởng tới ngành sản xuất.

Chưa kể, nền kinh tế trong nước hiện có nhiều điểm nghẽn. Theo phân tích của Ngân hàng Thế giới, động lực xuất khẩu của Việt Nam tập trung tại 10 trong tổng số 63 tỉnh thành chứ không dàn đều, mật độ tập trung cao nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. 

Sự mất cân đối này tạo ra những "nút thắt cổ chai" về hạ tầng và các thách thức về hậu cần (logistics) khác.

Trung Quốc vẫn vẫn chiếm "miếng bánh" to nhất

Tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) thì trích dẫn nghiên cứu của ngân hàng Bank of America Merill Lynch (BoA) cho thấy: Trong 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng nhanh hơn nhiều so với kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ.

Trùng quan điểm với Bloomberg, BoA nhận định nguyên nhân là Việt Nam dựa chủ yếu vào việc tái xuất khẩu hàng hóa nhập từ Trung Quốc hoặc chỉ thực hiện khâu lắp ráp cuối cùng trước khi xuất khẩu.

SCMP dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 20,4 tỉ USD trong khi nhập khẩu là 21 tỉ USD, tương ứng với thâm hụt thương mại 600 triệu USD.

Riêng tháng 4, Việt Nam có thặng dư thương mại với Mỹ 3,2 tỉ USD trong khi thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc lên tới 3,7 tỉ USD; tăng so với mức 1,5 tỉ USD của tháng 2 và 3,4 tỉ USD trong tháng 3.

"Trong thời gian từ tháng 4/2018 đến tháng 4/2019, xuất khẩu các mặt hàng máy tính, điện thoại, linh kiện điện tử và may mặc của Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất, tính theo giá trị bằng USD. Đồng thời, nhập khẩu các mặt hàng máy tính, đồ điện tử và máy móc của Việt Nam cũng tăng mạnh trong giai đoạn này", báo cáo của BoA chỉ ra.

Có hai cách giải thích cho hiện tượng trên.

"Thứ nhất, Việt Nam phải nhập khẩu một khối lượng lớn nguyên vật liệu từ Trung Quốc vì không ai có thể xây dựng một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ đầu đến cuối chỉ trong 6 tháng. Do vậy, những gì Việt Nam làm hiện nay chỉ là công đoạn lắp ráp cuối cùng" và tạo ra rất ít giá trị tăng thêm, báo cáo của BoA chỉ ra.

Cách giải thích thứ hai là nhiều hàng xuất khẩu của Việt Nam thực chất là hàng nhập từ Trung Quốc rồi xuất lại sang Mỹ để tránh thuế. Trong trường hợp này, không có giá trị tăng thêm nào được tạo ra tại Việt Nam.

Và cho dù là giải thích theo cách nào thì Trung Quốc vẫn là nước hưởng lợi chủ yếu từ phần lớn giá trị tăng thêm của hàng xuất khẩu sang Mỹ.

Báo cáo của BoA cũng chỉ ra rằng để có thể thực sự thay thế vai trò xuất khẩu của Trung Quốc, các nước khác phải tạo ra các lợi thế về sản xuất chứ không chỉ mãi dựa vào nhân công giá rẻ.

"Trung Quốc tạo ra "phép màu xuất khẩu" ban đầu chủ yếu dựa vào lợi thế về chi phí lao động thấp. Tuy nhiên sau đó các nhà làm chính sách đã phải lập kế hoạch bài bản để tạo ra và thu hút các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu", báo cáo cho biết.

Kiên Dương, Song Ngọc