Triều Tiên lần đầu thử tên lửa dưới thời Tổng thống Biden
Theo đưa tin từ CNBC, Bình Nhưỡng đã phóng ít nhất một tên lửa vào cuối tuần trước. Song, các quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ không nêu chi tiết loại tên lửa đã được phóng, vị trí thử cũng như tỷ lệ thành công của vụ thử tên lửa. Tại cuộc họp báo ngày 23/3, thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby đã từ chối bình luận về vụ việc.
CNBC cho biết, vụ thử tên lửa diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng phớt lờ lời kêu gọi thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa của Washington và ngay sau khi Mỹ - Hàn tập trận chung với quy mô lớn trên bán đảo Triều Tiên.
"Chúng tôi hiểu rõ khó khăn của tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Mặc dù các đời chính phủ Mỹ, gồm cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa, đều có những kỳ vọng lớn lao nhưng nhiều lần đều phải thất vọng với Triều Tiên trên phương diện ngoại giao", một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay.
Vị quan chức trên còn nói Washington đã tham khảo ý kiến của một số cựu quan chức chính quyền ông Trump nhằm có thêm cái nhìn sâu sắc về Triều Tiên.
Trung tá về hưu Daniel Davis, một thành viên cấp cao của tổ chức Defense Priorities, nhận định: "Vụ thử tên lửa mới không mang tính đe dọa mà chỉ nhằm thu hút sự chú ý của chính quyền Tổng thống Biden".
"Mỹ - Triều có cơ hội thương lượng về tiến trình phi hạt nhân, đổi lại Washington phải thu hồi một số lệnh trừng phạt. Song, trừ khi chính quyền ông Biden sẵn sàng đánh đổi và bình thường hóa quan hệ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn sẽ tiếp tục phát triển và thử nghiệm vũ khí", ông Davis tiếp tục.
Ông Harry Kazianis - giám đốc cấp cao về nghiên cứu Triều Tiên tại Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia Mỹ, mô tả hành động của Triều Tiên như một thông điệp gửi tới chính quyền mới của ông Biden.
"Thông qua vụ thử tên lửa mới, Bình Nhưỡng đang báo hiệu cho chính quyền Tổng thống Biden rằng sức mạnh quân sự của Triều Tiên sẽ tiếp tục gia tăng mỗi ngày", ông Kazianis nhấn mạnh.
Tuần trước, một quan chức hàng đầu của Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng sẽ không đáp lại lời mời tái khởi động đàm phán phi hạt nhân cho đến khi Mỹ từ bỏ "các chính sách thù địch".
"Lập trường của chúng tôi là, nếu Mỹ không từ bỏ chính sách thù địch với Triều Tiên, hai bên sẽ không có bất kỳ tiếp xúc và đối thoại nào", Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui cho hay.
Cũng trong tuần trước, người em gái quyền lực của ông Kim Jong-un đã đưa ra lời cảnh báo tới Mỹ khi Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lloyd Austin bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên dưới thời ông Biden. Hai nhà lãnh đạo đã đến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm củng cố liên minh của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương.
"Nhân cơ hội này, chúng tôi muốn cảnh cáo chính quyền của Tổng thống Biden, những người đang cố gắng gieo rắc mùi thuốc súng trên đất nước của chúng tôi", bà Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tuyên bố.
"Nếu Mỹ muốn ngủ yên trong 4 năm tới, thì tốt hơn hết họ nên kiềm chế để không gây rắc rối và khiến chúng tôi bất bình", bà Kim Yo-jong tiếp tục.
Cuối ngày 23/3, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki chia sẻ với các phóng viên rằng chính quyền ông Biden không "có bình luận hay phản hồi trực tiếp nào" liên quan đến vụ thử tên lửa của Triều Tiên.
"Mục tiêu của chúng tôi là luôn tập trung vào ngoại giao và tiến trình phi hạt nhân hóa ở Triền Tiên", bà Psaki nhấn mạnh. "Trọng tâm của chúng tôi lúc này là làm việc và phối hợp cùng các đối tác cũng như đồng minh trên nhiều lĩnh vực, bao gồm vấn đề an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Dưới thời ông Kim Jong-un, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân quy mô nhất, phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên và đe dọa phóng tên lửa vào vùng biển gần lãnh thổ Guam của Mỹ.
Kể từ năm 2011, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã phóng hơn 100 tên lửa và tiến hành 4 vụ thử vũ khí hạt nhân, nhiều hơn những gì mà cha ông, Kim Jong Il và ông nội, Kim Il Sung, đã làm trong 27 năm trước đó.