Triều Tiên phớt lờ Mỹ, tìm cách củng cố quan hệ với Trung Quốc
Washington dưới thời chính quyền Biden đang gặp khó trong việc giao tiếp với Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Triều Tiên lại cam kết củng cố liên kết với Trung Quốc để hình thành mối quan hệ thân thiết đến mức "cả thế giới phải ghen tị".
Ông Ri Ryong-nam, đại sứ mới của Triều Tiên tại Trung Quốc đã truyền đạt thông điệp trên từ nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới ông Song Tao, Giám đốc Ban Liên lạc Quốc tế của Trung Quốc.
Theo Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jennifer Psaki, trong suốt một tháng qua chính quyền Biden đã cố gắng liên lạc với Triều Tiên qua nhiều kênh khác nhau nhưng không nhận được hồi đáp.
Ngược lại, ông Ri lại nhanh chóng bày tỏ mong muốn hợp tác của Triều Tiên với Trung Quốc chỉ vài ngày sau khi chính thức nhậm chức đại sứ.
Trong buổi gặp mặt tại Bắc Kinh, ông Ri và ông Song trao đổi thông điệp giữa hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Trung Quốc. Ngoài lời nhắn từ ông Kim Jong-un, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Triều Tiên là "kho báu chung" của cả hai dân tộc, South China Morning Post (SCMP) cho biết.
Trung Quốc là đồng minh hiệp ước duy nhất của Triều Tiên và là đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Năm 2019, Trung Quốc chiếm đến 95% tổng kim ngạch thương mại của Triều Tiên, theo trang web North Korea in the World. Sự phụ thuộc kinh tế nặng nề này là hệ quả của các lệnh trừng phạt Liên Hợp Quốc áp đặt lên Triều Tiên, khiến nước này không thể hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế toàn cầu.
Năm 2020, Bình Nhưỡng đóng cửa hoàn toàn biên giới để ngăn COVID-19 thâm nhập. Quyết định này dẫn dến việc hoạt động thương mại giữa Triều Tiên và người láng giềng Trung Quốc gần như biến mất.
Theo dữ liệu từ hải quan Trung Quốc, xuất khẩu hàng tháng của Trung Quốc sang Triều Tiên đã giảm từ hơn 250 triệu USD vào tháng 11/2019 xuống vỏn vẹn 3.000 USD vào tháng trước.
Tuy nhiên theo hình ảnh vệ tinh được phân tích bởi nhóm nghiên cứu NKPro, các dự án xây dựng dọc theo một số cửa khẩu thương mại biên giới Trung-Triều vẫn được tiến hành trong suốt năm 2020. Dấu hiệu này cho thấy cả hai nước đều sẵn sàng nối lại thương mại sau đại dịch.
Các chuyên gia cũng cho rằng việc bổ nhiệm cựu bộ trưởng thương mại Ri Ryong-nam làm đại sứ là cách Bình Nhưỡng báo hiệu rằng Triều Tiên Tiên rất coi trọng thương mại với Trung Quốc.
Đáng chú ý, thông điệp ông Tập gửi tới ông Kim ngày 22/3 không đề cập đến việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, vốn là một trong những mục tiêu quan trọng của Bắc Kinh. Chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên từ lâu đã là mối lo đối với nhiều cường quốc bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ.
Quyết định tiến hành loạt thử nghiệm vũ khí quan trọng vào năm 2017 của ông Kim Jong-un đã khiến mối quan hệ Trung-Triều xấu đi. Kết quả là ngay trong năm đó, Trung Quốc ủng hộ các lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc nhắm vào Triều Tiên và truyền thông nhà nước của hai quốc gia láng giềng liên tục công kích lẫn nhau.
Tuy nhiên, quan hệ hai nước sớm nồng ấm trở lại khi ông Kim đến Bắc Kinh năm 2018. Năm sau, ông Tập tổ chức hội nghị thượng đỉnh với ông Kim tại Bình Nhưỡng, đánh dấu lần đầu tiên sau 14 năm một lãnh đạo của Trung Quốc tới thăm thủ đô Triều Tiên.
Trong giai đoạn quan hệ Mỹ-Trung xuống dốc năm 2019 và 2020, ông Tập và ông Kim đã trao đổi tổng cộng 18 bức thư và lời nhắn, theo báo cáo hồi tháng 2 của NKPro.
"Tài sản chiến lược"
Ông Anthony Rinna, biên tập viên cấp cao của nhóm nghiên cứu Sino-NK nhận xét việc ông Tập bỏ qua vấn đề "phi hạt nhân hóa" trong thông điệp mới nhất tới ông Kim có thể cho thấy Bắc Kinh không còn quá lo ngại chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên như trước nữa.
Ông Rinna nói: "Các hành động khiêu khích của Triều Tiên năm 2017 có thể đã củng cố quan điểm của Bắc Kinh coi Triều Tiên là một món nợ chiến lược và một sự mất mặt do Trung Quốc có vẻ không thể kiểm soát nổi hành vi của Bình Nhưỡng".
"Nhưng nếu Bắc Kinh quyết định rằng nếu không thể kéo Hàn Quốc vào quỹ đạo của mình, hoặc ít nhất là vô hiệu hóa Seoul, khi đó Triều Tiên có thể sẽ được coi như là một tài sản chiến lược, dẫn đến nhu cầu hỗ trợ nước láng giềng này".
Nhưng một nhà phân tích giấu tên tại viện nghiên cứu ở Hàn Quốc thì cho rằng Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên mà chỉ là đang sử dụng chiến lược khác trước.
"Trung Quốc muốn đàm phán giải quyết các vấn đề hạt nhân của Triều Tiên bằng cách cùng lúc tạm ngừng cả hoạt động hạt nhân của Triều Tiên lẫn các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ".
"Đây là cách khả dĩ duy nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Nhưng tôi không biết chính quyền Biden có sẵn lòng chấp nhận phương án của Trung Quốc hay không".