Trào lưu ‘nông trại thẳng đứng’ lên ngôi tại Nhật Bản
“Nông trại thẳng đứng” này sử dụng các công nghệ trồng rau thẳng đứng mới nhất và cũng là một phần của xu hướng đang thịnh hành ở đất nước Đông Á này, nơi các trang trại phải đối mặt với mối đe dọa kép từ dân số già và di cư đến thành phố sinh sống.
Với việc độ tuổi trung bình của người nông dân Nhật là 67 tuổi và ngày càng hiếm người kế cận, Nhật Bản buộc phải trở thành nước tiên phong trong lĩnh vực “nông trại thẳng đứng” – trồng rau trong các tòa nhà cao tầng và áp dụng công nghệ hiện đại để thay thế con người.
Các hãng công nghệ nổi tiếng toàn cầu như Panasonic, Toshiba và Fujitsu đều đã thử sức tại lĩnh vực mới này, chuyển đổi dây chuyền sản xuất với mức độ thành công khác nhau. Nằm trong số những công ty nhanh chóng thu lợi nhuận, nhà máy của Spread tại Kyoto trồng được 11 triệu cây xà lách mỗi năm.
Nơi đây là một khu vực vô trùng rộng lớn, các loại rau đều được trồng trên kệ cao vài mét. Nhiệm vụ vận chuyển các kệ rau ở khắp nhà máy đên khu vực có ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm lý tưởng để tăng trưởng đều do máy móc đảm nhiệm.
Quy trình sản xuất này không sử dụng đất hay thuốc trừ sâu và chỉ cần thuê một nhóm nhân công để thu hoạch vào cuối kỳ.
Một số quốc gia khác cũng ứng dụng kỹ thuật trồng rau thẳng đứng – điển hình là Đan Mạch và Mỹ - song xét theo tình hình thực tế thì Nhật Bản lại khác biệt hơn cả.
Cuộc khủng hoảng dân số ở "xứ sở Mặt Trời mọc" đồng nghĩa với việc lực lượng nông dân đang thu hẹp dần, với câu hỏi được đặt ra là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ tự cung cấp thực phẩm bằng cách nào. (Tham quan một cơ sở trồng rau thẳng đứng ở Tokyo. Nguồn: Wired)
Ông Shinji Inada, Giám đốc Spread trả lời hãng thông tấn AFP rằng: “Do thiếu nhân lực và sụt giảm trong sản xuất nông nghiệp, tôi cảm thấy chúng ta cần một hệ thống mới”.
Spread đã đầu tư không ít thời gian và tiền bạc để có thể biến quy trình sản xuất rau xà lách được gần như tự động hoàn toàn, trừ khâu thu hoạch.
Ông Inada đánh giá mô hình trồng rau thẳng đứng này đem lại lợi ích trong việc sản xuất số lượng lớn cũng như cho năng suất ổn định quanh năm, không hề bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nhiệt độ. Ngoài ra, rau trồng trong “nông trại thẳng đứng” cũng được bảo quản lâu hơn, hạn chế thiệt hại cho người trồng.
Nền nông nghiệp bền vững
Ông Inada cho biết ban đầu công ty Spread cũng gặp phải một số khó khăn trong việc bán sản phẩm, song giờ đây họ đã trở thành một thương hiệu tên tuổi với chất lượng ổn định và giá cạnh tranh. Xà lách của Spread được bán khắp các siêu thị ở Kyoto và thủ đô Tokyo.
Spread đang xây thêm nhà máy mới gần Tokyo và dự định mở rộng sang thị trường những quốc gia nơi khí hậu không phù hợp cho nông nghiệp. “Chúng tôi có thể dễ dàng xuất khẩu hệ thống sản xuất cho các nước khí hậu quá nóng hoặc quá lạnh để trồng xà lách”.
Nhưng hệ thống này có thân thiện với môi trường hay không? Ông Shinji Inada cho rằng mô hình canh tác này có nhiều ưu điểm hơn nhược điểm. Nó cho phép trồng 8 vụ xà lách trong một năm, bất kể thời tiết.
Spread cũng tiêu thụ ít nước hơn các phương pháp nông nghiệp truyền thống. Ông chủ của Spread chia sẻ: “Tôi tin rằng chúng tôi đang đóng góp cho một nền nông nghiệp bền vững”.
Nhật Bản hiện có gần 200 nhà máy trồng xà lách sử dụng ánh sáng nhân tạo song chủ yếu ở quy mô nhỏ. Theo hãng cố vấn Innoplex, số lượng “nông trại thẳng đứng” sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025.
Chẳng bỏ lỡ xu hướng, các công ty lớn khác cũng đang nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp thông minh này.
Điển hình, Mitsubishi Gas Chemical đang xây dựng một nhà máy ở phía Đông Bắc Fukushima với dự kiến sản lượng lên đến 32.000 cây xà lách mỗi ngày. Không chỉ xà lách, cà chua và dâu tây trồng bằng máy tính dưới ánh sáng nhân tạo cũng sẽ sớm xuất hiện trên bàn ăn của người Nhật Bản.