Du khách Trung Quốc trở thành mỏ vàng của viện thẩm mĩ, bệnh viện ở Nhật Bản
Vài năm trước, khách du lịch Trung Quốc tham gia vào bakugai (cơn cuồng mua sắm) ở quận Ginza thuộc thành phố Tokyo đã trở thành đề tài nóng hổi của báo giới.
Nhưng dường như phong trào ấy đã lùi vào dĩ vãng, khi ngày càng nhiều khách du lịch Trung Quốc tìm các dịch vụ và trải nghiệm độc đáo của Nhật Bản. Và một trong những lĩnh vực nổi bật nhất là dịch vụ y tế.
Số du khách chữa bệnh ở Nhật Bản tăng theo cấp số nhân
Li Xinjj, phó chủ tịch của Hibikojyo, một công ty y tế có trụ sở tại Tokyo và lập văn phòng tại một số thành phố ở Trung Quốc, bao gồm cả Bắc Kinh và Thượng Hải, nói rằng vài năm qua, khá nhiều người Trung Quốc sang Nhật Bản để điều trị và khám sức khỏe.
"Đó là vì các bệnh viện ở Nhật Bản sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân nước ngoài và đã nới lỏng các tiêu chí nhập viện, như là chấp nhận nhiều bệnh nhân ung thư trung bình và cấp tính hơn", ông nói.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo họ chỉ cấp 70 thị thực điều trị y tế vào năm 2011, khi chính phủ lần đầu tiên công bố hạng mục thị thực đặc biệt này. Tới năm 2018, con số đã tăng lên 1.650, và 84% số người nhận thị thực là bệnh nhân Trung Quốc.
Du khách nước ngoài vào Nhật Bản bằng visa du lịch có thể sử dụng dịch vụ y tế, trừ việc điều trị dài hạn hoặc phãu thuật cần thời gian trên 3 tháng hoặc cần điều trị thêm - những điều kiện mà chính phủ cho phép đối với visa y tế.
Trong bối cảnh Thế vận hội Tokyo 2020 và Thế vận hội Người khuyết tật 2020 đang tới gần, chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu thu hút 40 triệu du khách nước ngoài vào năm tới.
Nếu Nhật Bản đạt mục tiêu đó và 4% du khách cần điều trị y tế trong quá trình tham quan, con số bệnh nhân sẽ lên tới 1,6 triệu, theo dự tính của Hệ thống Hỗ trợ y tế Nhật Bản cho du khách nước ngoài. Khoảng 70% số họ sẽ là người Trung Quốc.
Mỏ vàng của các bệnh viên khi bệnh nhân nội địa giảm
Viện thẩm mĩ Jiyugaoka ở thành phố Tokyo bắt đầu khai thác uy tín quốc tế của họ từ 7 năm trước trong bối cảnh số lượng khách nội địa giảm dần.
"Năm 2010, chúng tôi hầu như không có bệnh nhân nước ngoài. Song năm ngoái chúng tôi tiếp đón hơn 1.200 bệnh nhân từ đại lục", Yoshiaki Furuyama, giám đốc điều hành Viện thẩm mĩ Jiyugaoka, phát biểu.
Giới chuyên gia cũng nhận định với The Japan Times rằng danh tiếng quốc tế của Nhật Bản về chăm sóc y tế cũng tăng trong thời gian qua.
Chỉ số Chăm sóc Sức khỏe 2019 do công ty dữ liệu toàn cầu Numbeo công bố cho thấy Nhật Bản xếp thứ ba trong số 84 quốc gia về chất lượng tổng thể, con người và chi phí trong hệ thống y tế. Trung Quốc xếp thứ 46 trong bảng xếp hạng.
Do sự phát triển kinh tế không đều trong nước, người dân ở sâu trong nội địa hoặc vùng nông thôn Trung Quốc không có điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao. Thay vì xếp hàng dài trong những bệnh viện đông đúc ở các thành phố lớn, người giàu Trung Quốc ra nước ngoài để tìm dịch vụ y tế tốt hơn.
Đối với nhiều bệnh nhân Trung Quốc, điểm hấp dẫn nhất trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và dịch vụ y tế ở Nhật Bản là chất lượng.
Nhật Bản xếp thứ nhất về tỉ lệ bệnh nhân ung thư phổi và dạ dày sống sót sau 5 năm trong khoảng thời gian từ năm 2010 tới 2014, dựa trên dữ liệu của 37,5 triệu bệnh nhân từ 71 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo một báo cáo mà tạp chí y khoa The Lancet (Anh) công bố vào năm 2018.
Với viễn cảnh điều trị hiệu quả hơn và khả năng phục hồi cao hơn, người dân Trung Quốc sẵn sàng chi thêm tiền để tới Nhật Bản chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe.