|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuỗi cửa hàng mĩ phẩm lớn nhất Nhật Bản sắp vào Việt Nam

15:56 | 16/12/2019
Chia sẻ
Cửa hàng Matsumoto Kiyoshi đầu tiên ở TP HCM dự kiến khai trương vào tháng 3/2020. Đây là hệ thống bán lẻ mĩ phẩm lớn nhất Nhật Bản với hơn 1.650 cửa hàng.

Tập đoàn Matsumoto Kiyoshi Holdings vừa tổ chức lễ ký kết hợp tác thành lập liên doanh tại Việt Nam với vốn đầu tư 31,5 tỷ đồng. Trong đó, tập đoàn Nhật Bản góp 51% vốn, 49% vốn còn lại do đối tác phía Việt Nam là Lotus Group nắm giữ.

Đây sẽ là hệ thống bán lẻ dược phẩm, mỹ phẩm đầu tiên của Nhật Bản chính thức đầu tư vào Việt Nam.

Thành lập năm 1932, đây là doanh nghiệp bán lẻ dược, mỹ phẩm lớn nhất Nhật Bản về cả doanh thu và số lượng điểm bán. Hệ thống này có hơn 1.650 cửa hàng tại đất nước mặt trời mọc, doanh thu năm tài chính 2018 là 5,8 tỷ USD.

Việt Nam sẽ là thị trường thứ 3 bên ngoài Nhật Bản trong chiến lược mở rộng của đại gia Nhật sau 34 cửa hàng ở Thái Lan và 5 cửa hàng tại Đài Loan.

Chủ tịch Kiyoo Matsumoto cho biết từ năm 2017, tập đoàn bắt đầu phân tích dữ liệu của khách hàng Việt Nam đến mua sắm tại các cửa hàng của hãng khi du lịch Nhật Bản.

Đại diện hãng tiết lộ đã có 389.000 khách hàng Việt Nam đến mua sắm tại các cửa hàng của chuỗi. Tốc độ tăng trưởng số lượng khách hàng Việt ghé thăm cửa hàng 2 năm vừa qua là hơn 150%. 

Chuỗi cửa hàng mĩ phẩm lớn nhất Nhật Bản sắp vào Việt Nam - Ảnh 1.

Một cửa hàng Matsumoto Kiyoshi tại Nhật Bản. Ảnh: japantravel.com.

"Tầng lớp khách hàng trung lưu tại Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng. Bên cạnh đó, khách hàng Việt cũng có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm Nhật Bản", ông Hiroki Miyaoka, Tổng giám đốc Matsumoto Kiyoshi Việt Nam, nói về lý do thương hiệu Nhật gia nhập thị trường.

Cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam dự kiến khai trương tại một trung tâm thương mại ở quận 1, TP.HCM vào tháng 3/2020. Trong thời gian đầu, cửa hàng sẽ kinh doanh mỹ phẩm và thực phẩm chức năng hướng đến phân khúc khách hàng chính là nữ giới, chưa bán các sản phẩm thuốc.

Ngoài sản phẩm xuất xứ Nhật Bản, đại diện hãng cho biết cũng sẽ kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc từ một số nước khác được khách hàng Việt ưa chuộng. Mục tiêu của công ty là tạo ra mô hình kinh doanh phù hợp nhất với Việt Nam thay vì áp dụng 100% mô hình tại Nhật Bản hay Thái Lan, Đài Loan.

Chuỗi bán lẻ dược, mỹ phẩm Nhật Bản kỳ vọng sẽ có 10-15 cửa hàng ở Việt Nam trong 3-5 năm tới. Theo ông Hiroki Miyaoka, mục tiêu trong dài hạn của doanh nghiệp là trở thành hệ thống bán lẻ dược, mỹ phẩm lớn nhất Việt Nam.

Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Mintel của Anh, thị trường mỹ phẩm Việt Nam có quy mô khoảng 2,3 tỷ USD tính đến cuối năm 2018 nhưng chủ yếu hoạt động theo mô hình bán lẻ truyền thống và đang thiếu vắng các chuỗi bán lẻ hiện đại.

Mới đây, một ông lớn bán lẻ của Việt Nam là FPT Retail đang bắt đầu mở chuỗi cửa hàng F.Beauty kinh doanh mỹ phẩm nhập ngoại hướng tới phân khúc cao cấp. Các cửa hàng F.Beauty đặt tại Hà Nội bắt đầu tuyển dụng số lượng lớn nhân sự từ cuối tháng 11.

Đầu năm nay, một đại gia trong ngành bán lẻ mỹ phẩm thế giới là Watsons thuộc sở hữu của tỷ phú Hong Kong Lý Gia Thành cũng gia nhập thị trường Việt Nam với cửa hàng đầu tiên tại Bitexco, quận 1, TP.HCM. Watsons hiện có hơn 7.2000 cửa hàng trên khắp thế giới.

Việt Đức