Trái phiếu doanh nghiệp: sôi động phát hành
Các công ty đại chúng niêm yết trên sàn đang tận dụng môi trường lãi suất thấp để đẩy mạnh hoạt động tăng vốn qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (Ảnh: Mai Lương/ TBKTSG) |
Ba nhóm đối tượng phát hành chính
Thị trường TPDN chín tháng đầu năm nay ghi nhận diễn biến sôi động hơn so với cùng kỳ năm trước. Trên thị trường sơ cấp, các đợt phát hành thuộc về ba nhóm đối tượng chính: các ngân hàng thương mại, các công ty chứng khoán và các công ty đại chúng đang niêm yết trên sàn.
Đối với các ngân hàng thương mại, hoạt động phát hành trái phiếu chủ yếu nhằm mục đích tăng vốn, cải thiện hệ số CAR, đáp ứng các yêu cầu của chuẩn Basel II. Kỳ hạn cho các loại trái phiếu này thường dài, từ 5-10 năm. Tiêu biểu cho các đợt phát hành này trong ba quí đầu năm là: ACB phát hành 2.000 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn năm năm với lãi suất kỳ đầu tiên là 8,5%/năm; BIDV phát hành 2.700 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm, lãi suất trong năm năm đầu tiên là 7,5%/năm; mới đây nhất, Vietcombank nhận được giấy phép của Ủy ban Chứng khoán cho phép phát hành 2.000 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm với thời gian đăng ký mua từ ngày 26-10 đến 25-11-2016.
Phát hành trái phiếu hiện được coi là phương án nhanh nhất để các ngân hàng tăng vốn tự có cấp 2, đồng thời việc phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền cũng là nền tảng để tăng vốn điều lệ trong tương lai. Tuy nhiên, theo quy định về các chỉ tiêu an toàn, tổng giá trị vốn cấp 2 tối đa chỉ được bằng 100% tổng giá trị vốn cấp 1, đồng thời tổng giá trị trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu ưu đãi và các công cụ nợ khác cũng chỉ tối đa bằng 50% vốn cấp 1. Do vậy, nhiều ngân hàng cũng đã hết dư địa phát hành trái phiếu và nếu muốn phát hành thêm thì buộc phải tăng vốn điều lệ. Điều này khiến số lượng ngân hàng phát hành trái phiếu hiện chưa thật sự nhiều.
Dự báo thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới, tập trung ở các kỳ hạn 1-2 năm đối với các công ty chứng khoán, 3-7 năm đối với các doanh nghiệp và 5-10 năm đối với các ngân hàng thương mại. Lãi suất phát hành nhiều khả năng sẽ duy trì mức chênh lệch như trong chín tháng đầu năm nay. |
Đối với các công ty chứng khoán, việc phát hành trái phiếu chủ yếu rơi vào kỳ hạn ngắn 1-2 năm với mục tiêu bổ sung nguồn vốn cho vay margin như: SHS phát hành thành công 300 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ đợt 1 hồi tháng 4 vừa qua và dự định sẽ tiếp tục phát hành thêm 400 tỉ đồng trong thời gian tới; Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự định phát hành 300 tỉ đồng trái phiếu; Chứng khoán IB dự kiến phát hành 250 tỉ đồng; Chứng khoán Rồng Việt phát hành 300 tỉ đồng... Bổ sung nguồn cho vay ký quỹ từ kênh trái phiếu giúp các công ty chứng khoán chủ động về nguồn vốn hơn, không phải phụ thuộc nhiều vào ngân hàng, từ đó có thêm lợi thế trong việc thu hút khách hàng, cải thiện thị phần môi giới.
Nhóm các công ty đại chúng niêm yết trên sàn cũng đang tận dụng môi trường lãi suất thấp để đẩy mạnh hoạt động tăng vốn qua việc phát hành TPDN. Vingroup (VIC) vẫn là cái tên đáng chú ý nhất trên thị trường TPDN khi những năm qua liên tục có các đợt phát hành thành công với quy mô lớn. Hồi đầu năm nay, với sự bảo lãnh của CGFI, VIC đã huy động thành công 3.000 tỉ đồng trái phiếu trong nước, với kỳ hạn năm năm và 10 năm, lãi suất lần lượt là 7,75%/năm và 8,5%/năm. Các đợt phát hành TPDN khác có quy mô nhỏ hơn là: Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) huy động 500 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi từ Keppel Land, SBT phát hành 1.000 tỉ đồng trái phiếu cho TPBank và VIB; BHS phát hành 500 tỉ đồng trái phiếu cho OCB... Khi phát hành trái phiếu, các doanh nghiệp có được nhiều lợi ích như cổ phiếu không bị pha loãng, chỉ số ROA và ROE không bị ảnh hưởng, trong khi lại có thêm nguồn vốn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, về lãi suất, nhìn chung trái phiếu do các doanh nghiệp này phát hành còn cao, dao động từ 150-400 điểm so với bình quân lãi suất tiền gửi 12 tháng của bốn ngân hàng thương mại gốc quốc doanh.
Sẽ tiếp tục sôi động
Các yếu tố cung cầu tác động lên thị trường TPDN thời gian tới khá cân bằng.
Về phía cung, kinh tế vĩ mô ổn định, mặt bằng lãi suất có chiều hướng giảm là cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp tục phát hành trái phiếu nhằm giảm chi phí vốn, chuẩn bị và dự phòng nguồn cho giai đoạn tiếp theo khi nền kinh tế bước vào chu kỳ tăng trưởng mới. Đối với nhóm các ngân hàng thương mại, các yêu cầu về hệ số CAR theo chuẩn Basel II và giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (giảm xuống mức 50% trong năm 2017 và 40% trong năm 2018) sẽ tiếp tục thúc đẩy nhóm này gia tăng hoạt động phát hành trái phiếu tăng vốn. Tuy nhiên, khi các tỷ lệ giữa vốn cấp 1 và vốn vấp 2 đã “đụng trần” thì việc trước tiên phải làm vẫn là phải tăng vốn điều lệ.
Về phía cầu, hành lang pháp lý dần được hoàn thiện theo hướng yêu cầu tổ chức phát hành phải minh bạch thông tin hơn hay các giải pháp tăng tính thanh khoản cho thị trường thứ cấp (quy mô thị trường TPDN thứ cấp hiện mới chiếm khoảng 1,5% GDP, tương đương hơn 42.000 tỉ đồng) sẽ khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào thị trường nhiều hơn. Ngoài ra, Nghị định 88 về thành lập và hoạt động của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã được Chính phủ ban hành năm 2014 và trong thời gian tới có thể có từ 1-2 tổ chức định mức xếp hạng tín nhiệm được thành lập cũng sẽ là một nhân tố giúp thúc đẩy cầu trên thị trường TPDN. Thêm vào đó, nếu thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục dư thừa như hiện nay trong khi tín dụng không tăng trưởng nhanh như kỳ vọng thì kênh TPDN sẽ có nhiều cơ hội để thu hút sự quan tâm của các tổ chức tín dụng khi kênh trái phiếu Chính phủ đã phát hành hết hạn mức.
Với các yêu tố cung cầu như trên, dự báo thị trường TPDN sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới, tập trung ở các kỳ hạn 1-2 năm đối với các công ty chứng khoán, 3-7 năm đối với các doanh nghiệp và 5-10 năm đối với các ngân hàng thương mại. Lãi suất phát hành nhiều khả năng sẽ duy trì mức chênh lệch như trong chín tháng đầu năm nay (cao hơn bình quân lãi suất tiền gửi 12 tháng từ 100-400 điểm).