Trà Thái Nguyên làm thương hiệu được không?
Ngành chè và bài toán xuất khẩu |
Chỉ cách Hà Nội 1 giờ di chuyển bằng ô tô, trong những năm gần đây Thái Nguyên được biết đến nhiều nhờ sự xuất hiện của Samsung. Tuy nhiên, ngoài hàng điện tử, Thái Nguyên đã nổi tiếng từ rất lâu nhờ một sản phẩm địa phương đặc sắc khác: chè (trà).
Người Việt Nam khi nói đến chè, ngay lập tức địa danh được nghĩ tới sẽ là Thái Nguyên trong câu “chè Thái, gái Tuyên”. Nhưng tại sao vùng xuất khẩu chè nhiều nhất nước lại là Lâm Đồng? Tại sao trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, những đồi chè và cây chè cổ thụ thường được khách tham quan ghé đến lại ở Mộc Châu, Lai Châu?
Giá rẻ vì manh mún
Vùng đất trung du và vùng núi phía Bắc có khí hậu mát mẻ trên địa hình đồi núi chập chùng đã là nơi lý tưởng để Thái Nguyên trồng ra những loại chè ngon nhất nước. Những cây chè trung du có tuổi đời lên đến hàng trăm năm cho ra những ấm trà thơm ngát sóng sánh màu mật ong. Hai bên con đường uốn lượn vào Hồ Núi Cốc là những vườn chè của địa danh Tân Cương nổi tiếng. Nếu đã từng đắm mình trong những đồi chè bạt ngàn xanh mơn mởn của Lâm Đồng, Pleiku, Mộc Châu, du khách sẽ không khỏi thất vọng trước sự manh mún của những vườn chè ở đây. Tuy Thái Nguyên có diện tích trồng chè lớn thứ 2 cả nước với trên 20.000ha, nhưng nghề truyền thống này nằm trong tay hơn 60.000 hộ dân đã gây nên sự manh mún đáng tiếc này.
Giá chè Thái Nguyên tiêu thụ trong nước luôn cao hơn các vùng chè khác và tương đối ổn định. Việc thâm canh và chuyển đổi cơ cấu giống chè trong những năm qua đã làm tăng 50% giá trị sản phẩm trên cùng diện tích canh tác. Tuy nhiên, việc này đồng nghĩa với việc thu hẹp diện tích giống chè đặc trưng của vùng.
“Những cây chè trung du trồng bằng hạt sẽ cho ra loại chè đinh ngon nhất. Chè đinh có giá bán cao gấp 5-6 lần loại chè khác. Tuy nhiên, vì chè trung du mất nhiều thời gian chăm sóc hơn, năng suất thấp hơn nên nhiều diện tích đã chuyển qua trồng các giống mới như chè cành, với năng suất tăng gấp đôi”, chị Hoàng Tân, người kế thừa của nhãn hiệu Tâm Trà có truyền thống 3 đời trồng chè ở Tân Cương, Thái Nguyên giải thích. Chè ngon phải được hái bằng tay và được chọn lựa kỹ bởi những nghệ nhân lành nghề, điều đó không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, phần lớn chè được sản xuất tại Thái Nguyên cũng đang được làm theo phương pháp thủ công hoặc bán thủ công. Tại những cơ sở sao sấy chè hộ gia đình có mặt khắp nơi trên đất Thái Nguyên,
những công đoạn quan trọng nhất trong khâu sàng sấy, quyết định chất lượng của trà khô, như đo nhiệt độ và độ ẩm, vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào kinh nghiệm của những nghệ nhân sao chè. Điều này một mặt không đảm bảo sự đồng đều trong chất lượng chè mỗi lần sao sấy, mặt khác chính là lực cản để chè đạt được những tiêu chuẩn cao hơn để có giá bán tốt hơn trong cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
Có chưa đến 5% diện tích trồng chè ở Thái Nguyên ứng dụng tiêu chuẩn VietGAP và hoàn toàn chưa có sự đầu tư cho tiêu chuẩn GlobalGAP. Ngành đóng gói, vốn thường là khâu tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị, cũng chưa mấy phát triển ở nơi đây. Điều này giải thích cho nỗi day dứt của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường khi so sánh giá bán 3-5 triệu đồng mỗi ký của chè đinh Thái Nguyên, so với 120 triệu đồng của loại chè đinh thượng hạng của Trung Quốc.
Tìm cơ may của thương hiệu quốc gia
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2017 lượng chè xuất khẩu đạt 139.800 tấn với kim ngạch 228 triệu USD. Chè Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới về sản lượng sản xuất và thứ 6 trong thị trường xuất khẩu trà thế giới.
180 nhà xuất khẩu chè đa dạng về hình thức, từ doanh nghiệp nhà nước như Vinatea, công ty liên doanh hoặc nước ngoài, đến các công ty tư nhân. Tuy nhiên, giống như các loại nông sản khác, giá chè Việt Nam thuộc hàng thấp trên thị trường, chỉ bằng 60% giá bình quân của thế giới (giá chè xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2018 đạt 1.559 USD/tấn).
Bên cạnh đó, chè của Việt Nam còn nghèo nàn về chủng loại (chủ yếu là chè đen, chè xanh và chè nguyên liệu), chất lượng, mẫu mã còn chưa hấp dẫn khiến chè Việt Nam thiếu sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp sản xuất chè được định hướng đạt các chứng nhận quốc tế như Organic, Rainforest Alliance, Fairtrade... và từng bước tiếp cận các thị trường có giá trị gia tăng cao cho sản phẩm như Mỹ, Nhật và EU. Tuy nhiên, chè Việt Nam hiện mới chỉ được xuất khẩu chủ yếu dưới dạng nguyên liệu, thương hiệu vẫn còn hạn chế và chủ yếu xuất sang Trung Đông, Đài Loan và Nga.
Đầu tư vào ngành chè tại Thái Nguyên cũng còn rất hạn chế. Trong số 60 doanh nghiệp và hợp tác xã trong chuỗi giá trị ngành chè, chỉ có 15% doanh nghiệp xuất khẩu. Các hộ kinh doanh nhỏ lẻ thủ công chủ yếu bán cho thị trường trong nước, vốn không quá khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật. Chỉ có 10% sản lượng được xuất khẩu, tỉ trọng và giá trị xuất khẩu chè Thái Nguyên ngày càng đi xuống trong những năm gần đây, đến mức giá trị xuất khẩu chè năm 2017 giảm chỉ còn một nửa so với năm 2015 và tỉ trọng rất thấp trong tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh.
Ông Nguyễn Xuân Cường từng góp ý: “Cần nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ cho khâu tổ chức chế biến để cho ra sản phẩm với chuỗi giá trị dài, hướng tới không chỉ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu, làm sao đạt được giá trị cao nhất trong chuỗi giá trị ngành chè”. Sự đầu tư này không chỉ bao gồm công nghệ mà còn cần tiêu chuẩn hóa ngành chè, đồng bộ chất lượng sản phẩm và đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho những nhà máy lớn.
Nghiên cứu từ Research and Markets cho thấy, thị trường chè toàn cầu đạt 24,3 tỉ USD trong năm 2016, dự kiến sẽ đạt 37,5 tỉ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng 5%/năm trong giai đoạn 2017-2025. Mức tăng trưởng của ngành chè ngày càng cao do lối sống thay đổi và tăng nhận thức của người tiêu dùng về việc uống chè có lợi cho sức khỏe. Đây là cơ hội rất tốt cho ngành công nghiệp sản xuất chè của Việt Nam nói chung và chè Thái Nguyên nói riêng.
Sự thành công của ngành rượu vang California là một bài học tốt cho chè Thái Nguyên. Từ một người đi sau, ngành rượu vang California đã có một bước tiến dài, vượt mặt nước Pháp truyền thống nhờ việc chuẩn hóa các khâu làm rượu, trong khi các vùng của Pháp vẫn còn phương pháp thủ công. Chè Thái Nguyên đã có bàn đạp là 1 trong 8 quà tặng Việt Nam đạt kỷ lục châu Á và mẫu trà Đinh Phương Phẩm của Công ty Chè Tân Cương Hoàng Bình đạt giải đặc biệt tại cuộc thi trà Bắc Mỹ.
Chỉ cần chuẩn hóa toàn bộ quy trình sản xuất là chè Thái Nguyên có thể tiến bước rất xa trên thị trường thế giới.
Thuận lợi lớn nhất là thương hiệu chè Thái Nguyên đã thành công trong việc được bảo hộ tập thể tại 3 thị trường lớn Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan. Các chỉ dẫn địa lý Tân Cương, Thái Nguyên cũng được bảo hộ trên thị trường toàn quốc.
Bước đầu, Ban Quản lý dự án phát triển chè Thái Nguyên đang triển khai dự án “ứng dụng dòng chế phẩm bảo vệ thực vật Anisaf SH và chế phẩm vi sinh xử lý phế thải đồng ruộng Vixura trong sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại Thái Nguyên. Việc sản xuất theo chuỗi giá trị đã nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đáp ứng được tiêu chuẩn cao của các nước nhập khẩu chè lớn trên thế giới.
Những hạn chế của ngành mở ra vô vàn cơ hội cho những nhà đầu tư thích nhâm nhi ly nước trà màu vàng trong như mật ong, vừa uống vào hơi đắng nhưng hậu vị lưu mãi vị ngọt thanh này.