|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giữ chân lao động hậu giãn cách: Liệu Việt Nam có làm được điều này như cách các tập đoàn Mỹ, Trung đang làm?

08:02 | 11/10/2021
Chia sẻ
TP HCM và các trung tâm công nghiệp lớn ở phía nam như Bình Dương, Đồng Nai, Long An đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động trầm trọng hậu giãn cách xã hội. Một số chính sách giữ chân từ các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ là gợi ý cho doanh nghiệp địa phương.

Nghịch lý hậu sóng COVID-19 tại Việt Nam

Hiện tại, TP HCM và các tỉnh khu vực phía nam đang dần chuyển sang trạng thái bình thường mới, từng bước khôi phục hoạt động kinh tế. TP HCM còn tính toán trở về "bình thường" sau ngày 15/10 nếu tình hình dịch bệnh ổn định hơn.

Khảo sát gần đây của Navigos cho thấy, khoảng 49,9% doanh nghiệp không cắt giảm nhân sự và giữ nguyên lương cũng như phúc lợi như trước khi làn sóng COVID thứ 4 bùng phát. Hơn nữa, khoảng 11,6% doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng.

Ngoài ra, khoảng 56,7% doanh nghiệp sẽ tuyển thêm lao động khi trở lại bình thường. Trong khi đó, hơn 87% người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19, với khoảng 41,5% người tham gia đã thôi việc và chưa có việc làm mới.

Tại cuộc họp báo ngày 4/10, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB - XH) TP HCM cho hay, theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, khoảng 42.700 người có nhu cầu tìm việc, trong khi số lượng lao động mà doanh nghiệp cần là 43.600 - 56.800 người.

Hoặc ở Bình Dương, một trung tâm công nghiệp lớn khác của miền Nam, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH nói tỉnh này có nguy cơ thiếu hụt 40.000 - 50.000 lao động.

Giữa bức tranh tuyển dụng tươi sáng như trên, liên tục từ ngày 30/9 đến nay, làn sóng người lao động, mưu sinh ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An,…lại ồ ạt đổ về quê.

Ước tính đến sáng ngày 7/10, tổng số người từ các tỉnh thành lớn tràn về An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trắng và Cà Mau đạt khoảng 168.000 người. Ngoài ra, người lao động cũng lũ lượt trở về Tây Nguyên, các tỉnh miền trung và khu vực phía bắc.

Gợi ý cho TP HCM: Các nước khác thu hút lao động hậu giãn cách bằng cách nào? - Ảnh 1.

Sau nhiều tháng bị COVID-19 bủa vây, người lao động ngoại tỉnh dường như không còn muốn bám trụ lại TP HCM hay Bình Dương, Đồng Nai. Điều này đặt hàng nghìn doanh nghiệp vào thế khó: thiếu hụt lao động ngay tại thời điểm nhiều hoạt động sản xuất vừa khởi sắc, đơn hàng phải gấp rút giao kịp tiến độ.

Không chỉ doanh nghiệp nội mà các nhà bán lẻ quốc tế có chuỗi cung ứng tại Việt Nam cũng đứng trước rủi ro nghiêm trọng. Một số còn đang xem xét đưa cơ sở sản xuất tại Việt Nam sang khu vực khác, chẳng hạn như quay trở lại Trung Quốc sau thời gian cất công rời bỏ thị trường tỷ dân.

CNBC từng đưa tin, ông Roger Rawlins, CEO của hãng thời trang thể thao Designer Brands, cho biết ông đã trò chuyện cùng một CEO khác trong ngành. Người này cho biết, do dịch bệnh ở Việt Nam mà 6 năm xây dựng chuỗi cung ứng bỗng bị xóa sạch trong 6 ngày.

Hậu giãn cách, các nhà máy trong nước có thể thể mất 5 - 6 tháng để vào guồng trở lại, trong đó có 4 - 5 tuần chậm trễ trong việc nhận nguyên liệu thô và 8 tuần khác để xử lý những đơn hàng tồn đọng, chuyên gia phân tích Camilo Lyon của hãng BTIG cảnh báo.

Gợi ý cho TP HCM: Các nước khác thu hút lao động hậu giãn cách ra sao? - Ảnh 2.

Hàng chục nghìn người từ TP HCM và các tỉnh thành phía nam đổ xô về Sóc Trăng. (Ảnh: Thanh Hoàng/ Zing).

Gợi ý cho Việt Nam thu hút lao động hậu COVID-19

Hai siêu cường kinh tế Mỹ - Trung cũng rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan tương tự như Việt Nam. Tính đến tháng 7 năm nay, Mỹ tuyển dụng tổng cộng hơn 10,9 triệu đầu việc, một mức cao kỷ lục từ trước đến nay, và doanh nghiệp trên toàn quốc phải chật vật tìm kiếm công nhân.

Tại Trung Quốc, năm ngoái là lần đầu tiên trong một thập kỷ mà số lượng lao động nhập cư tại đất nước tỷ dân sụt giảm, từ hơn 290,6 triệu người xuống còn 285,6 triệu người. Ngày càng nhiều công nhân quyết định ở lại quê hương, số khác nhiều người lo sợ sẽ nhiễm COVID-19 ở các thành phố lớn nên vẫn chưa quay trở lại làm việc.

Gợi ý cho TP HCM: Các nước khác thu hút lao động hậu giãn cách bằng cách nào? - Ảnh 3.

CEO Tim Cook của Apple trò chuyện cùng một công nhân tại nhà máy của đối tác ở Trung Quốc. (Ảnh: Reuters).

Để giải quyết thực trạng thiếu lao động, các công ty thuộc đủ quy mô đang cố gắng thu hút nhân công bằng cách trả lương cao hơn. Đơn cử, McDonald's, Chipotle,..là một số tên tuổi lớn tại Mỹ đã tăng lương cho nhân viên.

Thậm chí, Foxconn (tức Hon Hai Precision) - đối tác lắp ráp lớn của Apple, còn nâng tiền thưởng cho nhân viên mới tại một cơ sở ở thành phố Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam) lên hơn 9.000 nhân dân tệ nếu công nhân làm việc liên tục trong 90 ngày.

Trong một văn bản gần đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có cùng ý kiến. Theo đó, cơ quan này khuyến khích công đoàn cơ sở bàn bạc với doanh nghiệp ban hành các chính sách giữ chân lao động tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai như trả lượng tạm nghỉ việc, hỗ trợ tài chính, tăng lương thưởng và phúc lợi khi doanh nghiệp đi vào sản xuất có hiệu quả.

Dù vậy, chỉ điều chỉnh mức lương thưởng là chưa đủ. Tại một số doanh nghiệp quốc tế, nhà tuyển dụng còn tạo điều kiện cho lao động nữ, những người có xu hướng đáng tin và trung thành với công ty hơn, Havard Business Review (HBR) cho hay.

Cụ thể, nhà tuyển dụng có thể cung cấp thêm các dịch vụ chăm sóc trẻ em vào ban ngày/sau giờ học, cũng như dịch vụ đưa/đón học sinh để giúp nhân viên nữ thuận tiện sắp xếp lịch làm việc.

Tuy việc này khá tốn kém, nhưng so với doanh thu bị hao hụt vì thiếu lao động thì cái giá mà doanh nghiệp phải trả có thể sẽ đắt hơn, đặc biệt là trong giai đoạn "tìm đỏ mắt" không có công nhân như hiện nay.

Hơn nữa, khi người lao động còn e sợ ảnh hưởng của COVID-19 đến sức khỏe thì họ sẽ còn do dự quay trở lại làm việc, như trong trường hợp của Trung Quốc. Do đó, HBR gợi ý chủ doanh nghiệp có thể tăng cường các dịch vụ y tế cho nhân viên, như hợp tác với nhà cung ứng để xây dựng trung tâm xét nghiệm và tiêm chủng nội bộ,…

Gợi ý cho TP HCM: Các nước khác thu hút lao động hậu giãn cách bằng cách nào? - Ảnh 4.

Ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn. (Ảnh: Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn).

Chia sẻ với VOV, ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, có chung quan điểm.

Ông Việt Anh cho hay: "Sống trong môi trường dịch bệnh, nhiều lao động sẽ muốn về quê, nhất là lao động tự do. Có đến 70-80% lao động tự do tại TP HCM từ các tỉnh, thành khác đến, họ không được mua bảo hiểm, việc tiếp cận công nghệ cũng chậm, việc tiêm vắc xin cũng đi sau các nhóm lao động khác".

"Cộng đồng doanh nghiệp phải truyền thông thường xuyên với người lao động, mời họ trở lại bằng các thông tin cụ thể cũng như chuẩn bị sẵn các biện pháp an toàn phòng chống dịch (xét nghiệm, tủ thuốc F0…) để họ an tâm trở lại làm việc.

Theo tôi, mỗi khu công nghiệp cần có một bệnh viện dã chiến mini để công nhân trong môi trường nhiễm bệnh có thể được điều trị. Việc được điều trị khiến họ an tâm hơn rất nhiều", vị phó chủ tịch nhấn mạnh.

Yên Khê