|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lao động ùn ùn về quê, doanh nghiệp dệt may, da giày kiệt quệ tài chính, nhân lực

20:31 | 08/10/2021
Chia sẻ
Thời gian giãn cách xã hội, doanh nghiệp dệt may, da giày đã phải tiêu tốn nhiều chi phí để duy trì sản xuất, đến khi mở cửa trở lại áp lực thiếu nhân lực lại đè nặng ngành hàng dù đối tác đã sẵn sàng phục hồi quan hệ, tiếp nối đơn hàng.

Tốn 2,2 tỷ đồng/tuần để thực hiện "3 tại chỗ"

Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS), ngành dệt may, da giày là hai ngành dùng nhiều lao động nhất trong các ngành kinh tế của Việt Nam.

Trong đó, dệt may có khoảng 2 triệu lao động, chiếm 25% lao động toàn ngành chế biến chế tạo, da giàyày cũng sử dụng 1,4 triệu lao động, chiếm 18,2%. 

Ngoài ra có gần 1,5 triệu người kinh doanh dịch vụ thương mại liên quan đến dệt may, da giày. Đây cũng là ngành có kim ngạch xuất khẩu rất lớn, dệt may gần 40 tỷ USD/năm, da giày 20 tỷ USD/năm.

"Tuy nhiên khi dịch COVID-19 xảy ra, chưa bao giờ chuỗi cung ứng của hai ngành đối mặt với thách thức vô cùng lớn như vậy. Năm 2020 là năm đầu tiên hai ngành tăng trưởng âm sau vài chục năm liên tục tăng rất cao.

Những tháng đầu năm 2021 hy vọng sản xuất phục hồi nhưng từ tháng 8 dịch quay lại với diễn biến phức tạp và kéo dài", ông Cẩm cho hay.

Theo đó, các tỉnh, thành phố phải giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, 16 với quy mô mức độ khác nhau khiến nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày phải tạm dừng sản xuất, người lao động mất việc làm.

Đáng chú ý, để duy trì hoạt động nhiều doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" nhưng chi phí rất cao, nguy cơ lây nhiễm dịch rất cao. Bên cạnh đó, phương án phòng chống dịch giữa các địa phương không thống nhất, nơi đóng, nơi mở cũng là nguyên nhân gây ách tắc vận chuyển

Tâm lý lo sợ nhiễm bệnh cùng đời sống khó khăn khi không đi làm đã khiến hàng triệu lao động ở Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM, các tỉnh phía Nam... đã về quê, trong đó có doanh nghiệp dệt may, da giày. Với dệt may, da giày một lần nữa có nguy cơ đứt gãy không phải do yếu tố cung cầu bên ngoài mà do khan hiếm lao động.

"Đây chính là bài toán khó cho doanh nghiệp dệt may, da giày khi bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất theo chủ trương mới của Chính phủ, nghĩa là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch thay cho chủ trương không có COVID-19", ông Cẩm nói.

Bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quan hệ lao động, cho biết đối với các doanh nghiệp, để vận hàng trong dịch với hình thức "3 tại chỗ" trung bình khiến một doanh nghiệp khoảng 1.000 lao động tiêu tốn 2,2 tỷ đồng/tuần.

Trong khi đó, tiến độ hoàn thành đơn hàng lại khó khăn khi có đến 68% số doanh nghiệp cho biết họ bị nhãn hàng phạt do doanh nghiệp giao hàng chậm; 12% doanh nghiệp bị đối tác hủy đơn, phải đền hợp đồng; 21% doanh nghiệp cho biết bị nhãn hàng chủ động hủy, nhưng không bắt doanh nghiệp đền bù; 13% nhãn hàng hủy đơn chưa ký.

"Có những doanh nghiệp bị khách hàng hủy đơn hàng giữa chừng, rút đơn hàng hoặc đồng ý giao chậm nhưng phải giảm giá 15%...", bà Chi cho hay.

Chia sẻ cụ thể về những khó khăn, bà Nguyễn Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký VITAS, cho hay khó khăn đầu tiên cần kể đến là doanh nghiệp vẫn còn khó mở cửa sản xuất bởi chính sách khác nhau ở các tỉnh thành, như ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) vẫn thực hiện "3 tại chỗ", TP HCM vẫn hạn chế di chuyển tại các tỉnh thành cận kề.

Thứ hai là khó khăn về thiếu nguồn nhân lực xanh. Theo bà Mai, thực tế khi trao đổi với những doanh nghiệp có giải pháp quan tâm đến người lao động, họ cho biết đó là điều kiện dễ phục hồi hơn ví dụ như Dệt may Thành Công đã phục hồi lao động được 86% hay Việt Tiến khoảng 80%.

Bên cạnh đó, với 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc bao phủ tiêm chủng vắc xin vẫn là khó khăn. Thêm nữa là câu chuyện thời gian giãn cách kéo dài, nhân lực trở lại hay không vẫn là một vấn đề. Thứ ba là khó khăn về tài chính, nhiều doanh nghiệp dòng tiền đã cạn đáy.

Bà Phan Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Lefaso, cho hay việc mở cửa sản xuất quá phức tạp và lưu thông giữa các tỉnh đã gây sự cản trở quá lớn, do đó, vấn đề là làm sao có sự thông suốt để các doanh nghiệp hoạt động trở lại.

"Ba tháng giãn gây nhiều tổn thất cho doanh nghiệp, đến khi mở cửa trở lại vẫn tiếp tục gặp rào cản. Hiện nay một số doanh nghiệp bức xúc quá đành mở cửa rồi chịu phạt sau, đây là thực tế của ngành hàng vì nếu tiếp tục đóng cửa doanh nghiệp sẽ phá sản.

Ngoài ra, tâm lý người lao động họ đang lo ngại về vấn đề an toàn và sự di chuyển. Chúng ta phải làm như thế nào để đảm bảo tâm lý cho người lao động khi quay lại sản xuất”, bà Xuân nhấn mạnh.

Gần 90% người lao động dệt may, da giày muốn trở lại làm việc tại nhà máy cũ

Mặc dù doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi duy trì sản xuất trong thời gian dịch bệnh nhưng theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quan hệ lao động, có đến 89% người lao động di cư trong ngành dệt may, da giày mong muốn quay trở lại công việc cũ cũng như nhà máy sau thời gian về quê.

Cụ thể, theo kết quả khảo sát nhanh, có đến 77% (cả người lao động đang làm việc và cả người đã ngưng việc) bị tác động tiêu cực đến tinh thần. Đặc biệt, các trường hợp công nhân bị F0 tại Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM có biểu hiện tâm lý nặng.

Trên 60% người lao động di cư muốn về quê hoặc đã về quê, chủ yếu trong thời gian ngắn để để phục hồi sức khỏe và cuộc sống cho bản thân, con cái vì họ đã kiệt quệ về tâm lý, sức khỏe và kinh tế trong thời gian giãn cách.

Tuy nhiên, đến 89% người lao động di cư và 96% người lao động địa phương muốn quay lại công việc và công ty cũ.

"Do đó, nếu không có biện pháp hỗ trợ tích cực từ doanh nghiệp cũng như các địa phương, sẽ phải mất từ 3 - 5 tháng để người lao động di cư trở lại nhà máy. 

Và có khoảng 9,3% người lao động di cư dự tính sẽ tìm việc ở quê và không quay lại", Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quan hệ lao động nhấn mạnh.

Lao động ùn ùn về quê, doanh nghiệp dệt may, da giày kiệt quệ tài chính, nhân lực phải cấp bách tìm hướng phục hồi - Ảnh 2.

Khảo sát nhanh do Vitas, Lefaso và nhóm Hợp tác công tư PPP thực hiện. (Ảnh chụp màn hình)

Đặc biệt, vẫn có một tín hiệu tích cực là với một số nhãn hàng lâu năm cho biết họ có thể hỗ trợ một phần hoặc hoàn toàn phí vận chuyển hàng không.

Hay với nhãn hàng có hơn 300 nhà máy tại Việt Nam, đại diện đơn vị chia sẻ trong cuộc khảo sát rằng Việt Nam vẫn có lợi thế rõ ràng như tốc độ, hiệu suất, năng lực, lao động trẻ và có trình độ, cũng như vị trí chiến lược, lộ tuyến vận chuyển thuận lợi tới Mỹ và EU.

"Đợt dịch này không làm mất đi các lợi thế ấy nên các doanh nghiệp vẫn tiếp tục làm ăn ở Việt Nam nhưng nó sẽ làm nhiều công ty phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình", bà Chi nhấn mạnh.

Doanh nghiệp cần được gỡ điểm nghẽn ngay lập tức

Phó Tổng Thư ký Vitas cho rằng Chính phủ cần có chính sách đưa lao động ngành dệt may, da giày vào đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin để nhà máy mới có lao động xanh.

Đồng bộ các chính sách từ Chính phủ, doanh nghiệp đến chính quyền địa phương, tạo điều kiện hoạt động trở lại làm việc như chích vắc xin, sắp xếp phương tiện trở về thành phố thuận tiện, sắp xếp khu nhà trọ xanh để người lao động an tâm quay trở lại. 

Ngoài ra, các ngân hàng cũng như nhãn hàng hãy cùng đồng hành chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp trong việc chi trả lương cho người lao động trong thời gian này.

Trong khi đó, bà Lê Thị Thanh Xuân nêu ý kiến rằng các doanh nghiệp cần rút ra những bài học sau đại dịch COVID-19 lân này cũng như tính chủ động của các doanh nghiệp phải được nâng lên rất nhiều.

"Các doanh nghiệp phải xây dựng quỹ phòng ngừa rủi ro bởi bất kỳ tình huống nào cũng có thể xảy ra, nếu không có sẽ xảy ra phá sản rất nhanh chóng. 

Ngoài ra phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà máy và khách hàng để cùng chia sẻ kiến thức, cơ sở vật chất khôi phục hoạt động sản xuất của nhà máy cũng như các hãn hàng nên tiếp tục duy trì đặt hàng tại Việt Nam, giúp ngành sản xuất dệt may, da giày tiếp tục phát triển", đại diện Lefaso chia sẻ.

Ngoài ra, theo TS. Đỗ Quỳnh Chi hiện nay cần phải tăng cường tiêm vắc xin cho khu vực miền Bắc và miền Trung, người lao động di cư về quê. Thứ hai là giảm thuế phí và nhãn hàng cần chia sẻ chi phí, cần có thương lượng giữa Hiệp hội với nhãn hàng để chia sẻ chi phí chậm trễ hàng, chi phí xét nghiệm, tạm ứng tiền trả lương cho người lao động.

Thứ ba là nới lỏng biện pháp chống dịch, lưu thông giữa các tỉnh và cho phép người lao động đã tiêm ít nhất ột mũi vắc xin được làm việc bình thường.

Đồng thời cần những chính sách giãn nợ và cho doanh nghiệp vay ưu đãi, đặc biệt vay để trả lương cho người lao động vì thời gian thanh toán đơn hàng sẽ kéo dài. Ngoài ra, nhãn hàng cần đảm bảo thời hạn thanh toán bình thường để doanh nghiệp trả lương cho người lao động.

Như Huỳnh

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.