|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế mới mở cửa được vài ngày, làn sóng hồi hương đã dồn dập, DN nguy cơ thiếu lao động trầm trọng

17:16 | 06/10/2021
Chia sẻ
Số lượng lớn công nhân lao động di chuyển về quê hầu hết tập trung tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai - những nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Điều này báo hiệu nguy cơ thiếu hụt lao động số lượng lớn trong thời điểm sắp tới.
Bài toán mở cửa kinh tế: Làn sóng hồi hương vẫn chưa dừng, doanh nghiệp loay hoay 'săn đón' lao động - Ảnh 1.

Hàng chục nghìn người từ TP HCM và các tỉnh thành phía Nam đổ về Sóc Trăng. (Ảnh: Thanh Hoàng/Zing).

Sau thời gian dài giãn cách xã hội, TP HCM cùng nhiều tỉnh thành phía Nam đã chính thức chuyển sang trạng thái "bình thường mới", điều chỉnh các biện pháp nhằm kiểm soát dịch hiệu quả và phục hồi nền kinh tế.

Tuy nhiên, ngay khi các biện pháp giãn cách xã hội diện rộng được áp dụng đã tạo ra một làn sóng di chuyển lao động lớn chưa từng có. Hàng nghìn người dân đã đi xe máy tập trung về các cửa ngõ, chốt kiểm soát để rời thành phố, trở về quê.

Số lượng lớn công nhân lao động di chuyển về quê hầu hết tập trung tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai,... - những nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Điều này báo hiệu nguy cơ thiếu hụt lao động số lượng lớn trong thời điểm sắp tới, bởi chủ yếu nguồn lao động tại các địa phương này đều là lao động nhập cư.

Trước đó báo cáo của Cục Thống kê TP HCM cho biết chỉ số lao động làm việc tại các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 9 giảm 63,3% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức giảm khá sâu kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Bài toán mở cửa kinh tế: Làn sóng hồi hương vẫn chưa dừng, doanh nghiệp loay hoay 'săn đón' lao động - Ảnh 2.

(Nguồn: Phương Trang tổng hợp).

Doanh nghiệp loay hoay săn đón lao động 

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP HCM chiều 4/10, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo, cho biết sau ba ngày thực hiện Chỉ thị 18, thành phố có 5.279 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại.

Về việc đáp ứng nguồn lao động trên địa bàn TP, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) Nguyễn Văn Lâm cho biết, theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP, có khoảng hơn 42.700 người có nhu cầu tìm việc làm, trong khi nhu cầu lao động của các doanh nghiệp là từ 43.600 – 56.800.

Còn tại Bình Dương, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH cho biết, Bình Dương có thể thiếu hụt 40.000-50.000 lao động. Bình Dương hiện có khoảng 1,2 triệu lao động làm việc tại hơn 50.000 doanh nghiệp. Thời gian qua, chỉ có khoảng 250.000 lao động làm việc “3 tại chỗ”, như vậy khoảng 950.000 người phải ngừng việc.

Khi dịch được kiểm soát và kinh tế dần mở cửa trở lại, nhiều doanh nghiệp đã bắt tay vào sản xuất kinh doanh để phục hồi. Song, khó khăn dễ nhận thấy nhất chính là tình trạng thiếu hụt lao động. Vấn đề này có thể trở nên trầm trọng hơn bởi không ai dám chắc sắp tới sẽ không còn những đoàn người lũ lượt rời thành phố, về quê.

Bài toán mở cửa kinh tế: Làn sóng hồi hương vẫn chưa dừng, doanh nghiệp loay hoay 'săn đón' lao động - Ảnh 4.

Do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp phải tạm đóng cửa, nhà máy hoạt động chỉ với một phần công suất khiến cho chỉ số sử dụng lao động của các tỉnh thành phía Nam giảm sâu. (Nguồn: Báo cáo Kinh tế Việt Nam dưới tác động COVID-19).

Mới đây nhất, chia sẻ với Báo Chính phủ, Hiệp hội Dệt may nhận định, 3 tháng cuối năm 2021 sẽ là khoảng thời gian "cực kỳ khó khăn" đối với ngành dệt may. Ngành này sẽ phải đối diện với nguy cơ cao nhất là việc đứt gãy chuỗi cung ứng do đối tác chuyển đơn hàng đi nơi khác và nguy cơ thiếu lao động do người lao động đang có xu hướng về quê tránh dịch, không dễ quay trở lại ngay.

Tại kịch bản tích cực nhất, Việt Nam khống chế được dịch bệnh và thực hiện "bình thường mới" từ đầu tháng 10/2021, Hiệp hội Dệt may dự báo, xuất khẩu năm nay dự kiến đạt khoảng 37,5-38 tỷ USD. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, còn địa phương, khu công nghiệp bị phong tỏa thì xuất khẩu cả năm dự kiến chỉ đạt khoảng 36-36,5 tỷ USD.

Kịch bản kém tích cực nhất, xuất khẩu dệt may sẽ chỉ đạt 33,5-34 tỷ USD nếu không kiểm soát được dịch bệnh, tiếp tục phong tỏa, giãn cách đến đầu tháng 12.

"Thâm hụt lao động từ nay đến cuối năm sẽ vào khoảng từ 35-37%. Mặc dù TP HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam đang dần mở cửa trở lại trong tháng 10 nhưng vẫn rất khó để công nhân quay trở lại làm việc, vì chỉ còn vài tháng sẽ đến Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

Chưa kể đến việc nhiều địa phương đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là rào cản trong việc tìm nguồn lao động thay thế. Đây là thách thức rất lớn với cộng đồng doanh nghiệp khi chưa có phương án tối ưu để tuyển lao động trong điều kiện 'bình thường mới'", ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhìn nhận.

TP HCM và bài toán mở cửa: Làn sóng hồi hương vẫn chưa dừng, doanh nghiệp loay hoay 'săn đón' lao động - Ảnh 4.

Vấn đề lớn hiện nay với nhiều doanh nghiệp ngành chế biến gỗ chính là thiếu hụt nguồn lao động. (Ảnh minh họa: TTXVN).

Trong khi đó, tại buổi tọa đàm "Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch" chiều 1/10, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP, Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Nam Thái Sơn cho biết, đầu tháng 9, khảo sát một nhóm khoảng 300 doanh nghiệp chỉ có khoảng 40% lao động mong muốn trở lại làm việc sau khi TP HCM mở cửa, như vậy, số lao động mong muốn trở lại làm việc là không cao.

Tại tọa đàm “Kế hoạch phục hồi kinh tế thành phố trong giai đoạn bình thường mới”, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (Hawa) thông tin, việc tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” thời gian qua chỉ cho phép duy trì từ 30 - 50% số lượng lao động, do đó, những lao động không tham gia sản xuất “3 tại chỗ” đã nghỉ việc hoặc trở về quê. 

Nhiều thành viên của Hawa xác định vẫn duy trì “3 tại chỗ” đến ngày 15/10 cùng với tăng cường y tế tại chỗ để chủ động sàng lọc nguồn lao động “xanh” và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Vấn đề lớn hiện nay với nhiều doanh nghiệp ngành chế biến gỗ chính là thiếu hụt nguồn lao động.

Trao đổi với Nikkei Asia, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, TS Lê Đăng Doanh nhận định: "Các công ty có thể sẽ phải đợi để phục hồi (hoàn toàn) nguồn nhân lực có kỹ năng cho đến quý II/2022". Theo ông, đại dịch COVID-19 đã đặt ra thách thức lớn cho hệ thống quản lý của Việt Nam, đồng thời cũng bộc lộ điểm mạnh và điểm yếu".

Nhìn chung, 3 tháng cuối năm được xem là cơ hội để doanh nghiệp có thể giữ chân khách hàng và thị trường, bù đắp những thiệt hại trong thời gian qua. Vì vậy, việc khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh đang là nhu cầu cấp thiết của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và các tỉnh thành miền Nam nói chung.

Phương Trang