|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hơn 56% doanh nghiệp sẽ tuyển lao động ngay khi quay trở lại hoạt động bình thường, ngành nào nhu cầu cao nhất?

08:54 | 07/10/2021
Chia sẻ
Dù phải đối mặt với cơn bão COVID-19 lần thứ 4, song nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn cố gắng duy trì hoạt động và nguồn nhân lực của mình. Các vị trị được tuyển dụng hàng đầu lần lượt là phòng kinh doanh, bán hàng (29%); phòng CNTT (21%),...

Ngày 6/10, Tập đoàn Navigos Group phát hành báo cáo “Thị trường lao động trong làn sóng COVID thứ tư năm 2021: Thực trạng và Hướng đi”. Báo cáo được phân tích dựa trên ý kiến của 400 doanh nghiệp (DN) và 1.200 người tìm việc tham gia khảo sát trong tháng 8.

49,9% DN không cắt giảm nhân sự, giữ nguyên mức lương, phúc lợi

Khảo sát của Navigos cho thấy, khoảng 49,9% DN không cắt giảm nhân sự và giữ nguyên lương, phúc lợi như trước khi đại dịch xảy ra. Đồng thời, có khoảng 11,6% DN tiếp tục gia tăng tuyển dụng trong thời điểm này.

Mặt khác, 3% doanh nghiệp đã tạm thời dừng hoạt động; 9,4% doanh nghiệp đã chọn cắt giảm nhân sự và cắt giảm lương, 7,3% đã cắt giảm nhân sự nhưng vẫn giữ nguyên lương, phúc lợi trước khi đại dịch xảy ra, và 18,9% chọn cắt giảm lương và phúc lợi nhằm giảm chi phí cho nguồn nhân lực hằng tháng cũng như thu nhỏ lại quy mô doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thống kê của khảo sát cũng cho thấy vẫn có những doanh nghiệp duy trì ổn định, thích ứng với bối cảnh toàn cầu. So sánh số liệu với báo cáo được công bố vào năm 2020 bởi VietnamWorks, một điểm sáng chính là tỷ lệ doanh nghiệp “Không cắt giảm nhân sự và giữ nguyên lương, phúc lợi như trước khi đại dịch xảy ra” hiện tại đang chiếm 49,9%, so với mức 43,2% năm 2020.

Hơn 56% doanh nghiệp sẽ tuyển lao động ngay khi quay trở lại hoạt động bình thường, ngành nào nhu cầu cao nhất? - Ảnh 1.

Dù phải đối mặt với cơn bão COVID-19 lần thứ 4, song nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn cố gắng duy trì hoạt động và nguồn nhân lực của mình. (Ảnh minh họa: TTXVN).

Đáng chú ý, CNTT là ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất. Mức độ tăng trưởng về tuyển dụng tại các DN trong thời gian này tại Hà Nội có tỷ lệ cao hơn TP HCM, lần lượt là 50% và 45,2%.

Các DN trong lĩnh vực CNTT có quy mô từ 101 - 300 nhân lực có sự tăng trưởng lớn nhất về tuyển dụng nhân sự. Bên cạnh đó, các DN tại Hà Nội có quy mô 10 - 50 nhân lực và 101 - 300 nhân lực còn chú trọng tăng tuyển nhân sự cho các vị trí kinh doanh, bán hàng.

Trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nhiều DN có xu hướng giữ chân các nhân sự có thâm niên hoặc các nhân sự đang giữ các vị trí cấp trung và cấp cao. Các vị trí cắt giảm tập trung vào nhân sự là thực tập sinh và sinh viên mới ra trường, tỷ lệ cắt giảm các vị trí này là 40,5%. Đối với các nhân viên có ít kinh nghiệm, tỷ lệ này lên đến 42,3%.

56,7% DN có nhu cầu tuyển dụng sau khi hoạt động bình thường

Số liệu khảo sát cho thấy, có 56,7% DN sẽ tuyển dụng sau khi trở lại hoạt động bình thường.

Một điểm đáng chú ý, có 50% DN tham gia khảo sát sẽ tuyển nhân viên hoàn toàn mới và chưa có kinh nghiệm. Đây là cơ hội quý giá cho các ứng viên đang đi tìm việc.

Bên cạnh đó, vẫn có khoảng gần 37% DN tham gia khảo sát ưu tiên tuyển những người đã từng làm việc ở công ty sau đó mới tuyển người mới và 16,2% DN sẽ tuyển những người đã từng làm việc tại công ty ngay trước khi dịch bệnh xảy ra.

Các vị trị được tuyển dụng hàng đầu lần lượt là phòng kinh doanh, bán hàng (29%); phòng CNTT (21%), phòng marketing (10,5%), chăm sóc khách hàng (8%), tài chính kế toán (5,4%).

Dữ liệu từ báo cáo cũng cho thấy hơn 87% người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID. Khi được hỏi về tình trạng hiện nay, có đến 41,5% người lao động cho biết họ đã thôi việc và chưa có việc làm mới.

Về lý do thôi việc, hơn 30% ứng viên cho biết họ nằm trong diện bị cắt giảm nhân sự của công ty. Tiếp theo, lý do người lao động nghỉ việc do bị cắt giảm lương và chế độ phúc lợi chiếm gần 25%.

Theo một thống kê khác trong bản báo cáo, lý do khiến người lao động chưa muốn chuyển việc trong thời điểm này chủ yếu là không tìm được công việc phù hợp để ứng tuyển với 67% ý kiến từ người tham gia khảo sát. 30% cho biết họ đã gửi hồ sơ cá nhân (CV) nhưng chưa được nhà tuyển dụng liên hệ.

22% cho biết các công ty không tuyển dụng trong thời gian này nên các cơ hội việc làm lại càng khan hiếm. 20,1% người cho rằng vị trí mà các công ty đang tuyển dụng không phù hợp với khả năng và định hướng nghề nghiệp của họ.

Sau khi nền kinh tế hồi phục, các chuyên gia Navigo cho rằng, nhiều ngành sẽ bắt đầu tiến vào giai đoạn hồi phục, chính là lúc doanh nghiệp săn đón nhân tài với chính sách phúc lợi và mức lương khác nhau. Do đó, doanh nghiệp nên tận dụng điểm này để đưa ra những chiến lược mới để thu hút nhân tài khi thị trường lao động bắt đầu khôi phục.

Về phía người lao động, thị trường việc làm và tuyển dụng trong thời gian tới được dự báo sẽ là cuộc cạnh tranh mạnh mẽ của các ứng viên trên đường đua tìm kiếm việc làm. Vì vậy, người lao động cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ngay từ bây giờ, hãy tích lũy cho mình những kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Phương Trang