|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VCCI: 90,8% doanh nghiệp giảm quy mô lao động, chỉ có thể cầm cự tối đa 6 tháng nữa

09:05 | 27/09/2021
Chia sẻ
Chủ tịch VCCI cho biết, trong 4 tháng trở lại đây tổng cầu nền kinh tế suy giảm, sản xuất, giao thương đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, lao động mất việc làm,… nhiều đơn hàng bị mất, nhiều lĩnh vực kinh tế hoạt động dưới 60% công suất.

Sáng 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các địa phương nhằm tìm ra các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN trong bối cảnh dịch COVID-19.

Hơn 10% DN cả nước rút khỏi thị trường, 91% DN giảm quy mô lao động

Báo cáo tại buổi gặp mặt, Chủ tịch VCCI, ông Phạm Tấn Công cho biết, chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, đã có trên 85.000 DN, tức trên 10% số DN cả nước rút khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng trên 10.000 DN, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020.

Với ảnh hưởng của dịch bệnh, của giãn cách xã hội kéo dài, trong 4 tháng trở lại đây tổng cầu nền kinh tế suy giảm, sản xuất, giao thương đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, lao động mất việc làm, chi phí sản xuất, kinh doanh tăng vọt… nhiều đơn hàng bị mất, nhiều lĩnh vực kinh tế hoạt động dưới 60% công suất.

Tất cả các thành phần kinh tế, các ngành nghề đều bị ảnh hưởng tiêu cực, trong đó nghiêm trọng nhất là các lĩnh vực du lịch, chế biến thủy sản, giao thông vận tải.

VCCI: 90,8% doanh nghiệp giảm quy mô lao động, chỉ có thể thêm tối đa 6 tháng - Ảnh 1.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công. (Ảnh: TTXVN).

Cụ thể, với các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản, hiện nay tại các tỉnh thành phía Nam chỉ có khoảng 30% số DN còn hoạt động nhờ đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”, nhưng cũng vô cùng khó khăn vì chi phí tăng vọt và chỉ có thể huy động 30-50% số lao động, công suất giảm chỉ còn 40-50%.

Với các DN ngành gỗ, đã có trên 50% số DN ngành này tại khu vực Đông Nam Bộ dừng sản xuất và đang đối diện nguy cơ phá sản.

Với ngành lữ hành, lưu trú và ăn uống chịu tác động vô cùng nghiêm trọng, kéo dài từ năm 2019 đến nay. Công suất phòng trung bình cả nước chỉ đạt 15%, nhiều nơi dưới 10%, nhiều cơ sở phải đóng cửa.

Theo phản ánh từ các hiệp hội DN của các ngành hàng liên quan đến xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động, chỉ có từ 15-20% các nhà máy sản xuất cầm chừng do theo được “3 tại chỗ”, còn lại đến 80-85% số nhà máy phải ngừng ngừng sản xuất.

Về lao động, theo khảo sát của VCCI trung bình có 90,8% DN đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Nói cách khác, cứ khoảng 10 DN thì có 9 DN phải chấp nhận cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất kinh doanh kém khả quan trong thời gian dịch bệnh bùng phát.

Tình trạng người lao động mất việc làm do ảnh hưởng từ dịch bệnh phổ biến nhất ở các tỉnh Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung với lần lượt 95%, 93% và 92% DN đang hoạt động ở các vùng này báo cáo phải cho người lao động thôi việc.

DN chỉ có thể cầm cự thêm 6 tháng nữa

Đại diện cho cộng đồng DN, người đứng đầu VCCI khuyến cáo sức chịu đựng của DN nội địa trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài chỉ có thể cầm cự thêm tối đa khoảng 6 tháng nữa. Trong đó thấp nhất là lĩnh vực nông lâm, thủy sản (trung bình 4,7 tháng), thông tin truyền thông (4,9 tháng) và xây dựng (5,3 tháng).

Đợt bùng dịch thứ 4 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, hiện đã ngấm sâu, lan rộng và không thể trở về trạng thái Zero COVID, trên cơ sở đó, ông Phạm Tấn Công cho rằng, nếu giãn cách xã hội mãi thì các DN sẽ sụp đổ.

“Tình hình đã thay đổi, chúng ta cần có tư duy duy mới, quan điểm mới, chiến lược mới, cách làm mới về chống dịch”, ông Công nêu quan điểm.

Trên quan điểm sống chung với dịch bệnh, Chủ tịch VCCI đề xuất hai chủ trương mới.

Thứ nhất, cần nhìn nhận các DN là một chủ thể trong ứng phó COVID-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các DN.

Thứ hai, mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của DN trong điều kiện sống chung với dịch.

Theo Chủ tịch VCCI, để triển khai công tác phòng chống dịch đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”, cộng đồng DN nhất trí cao với 6 nguyên tắc mà Thủ tướng đã nêu trong Kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 ngày 23/9.

Đồng thời, ông Công nhấn mạnh nguyên tắc số 5 và 6, đó là thứ nhất, vắc xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết.

“Nói ngắn gọn, vắc xin là chìa khoá, việc mở cửa kinh tế phải đồng bộ với độ phủ về vắc xin. Thứ hai, sản xuất phải an toàn. Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc mở cửa lại nền kinh tế nếu không tuân thủ hai nguyên tắc này, thì hậu quả là khó lường”, Chủ tịch VCCI nhận định.

Phương Trang