|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lãnh đạo Heineken kiến nghị bỏ '3 tại chỗ', nếu duy trì đến hết năm có thể tốn hàng trăm tỷ đồng

15:14 | 26/09/2021
Chia sẻ
Lãnh đạo Heineken cũng chia sẻ một trong những thách thức hiện nay với các doanh nghiệp là sự gián đoạn trong việc phân phối sản phẩm đến khách hàng chủ yếu là do các cơ quan, ban ngành không có sự rõ ràng, nhất quán trong cách giải thích hàng hóa thiết yếu.

Tại Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp ở TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Thanh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam – Đà Nẵng cho biết mô hình "3 tại chỗ" cũng như các biện pháp hạn chế đi lại như hiện nay gây khó khăn cho các doanh nghiệp, theo Báo Giao Thông.

"Chi phí cho việc "3 tại chỗ" rất cao. Nếu tiếp tục duy trì, dự báo đến cuối năm nay, công ty sẽ phải chi ra 100 tỷ đồng. Tôi kiến nghị bỏ "3 tại chỗ" trong thời gian tới để doanh nghiệp tự triển khai các biện pháp, mô hình sản xuất của mình nếu đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch theo hướng dẫn của Chính phủ", ông Phúc nói.

Lãnh đạo công ty Bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng: 'Nếu duy trì mô hình 3 tại chỗ tới cuối năm, doanh nghiệp có thể mất 100 tỷ đồng' - Ảnh 1.

Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng. (Ảnh: Heineken Việt Nam).

Theo lãnh đạo Heineken, trong tình hình mới, doanh nghiệp nhận thấy một số cơ hội và dấu hiệu phục hồi nhưng không thể thực hiện do hạn chế đi lại. 

Ngoài ra, khi thực hiện "3 tại chỗ", dù đáp ứng rất nhiều điều kiện cho người lao động nhưng lại không thể bù đắp được những vấn đề khác thuộc về tâm, sinh lý. Việc sống xa nhà trong thời gian dài gây ảnh hưởng nhất định tới sức khỏe, tâm lý người lao động.

"Chuỗi công việc tại nhà máy bia ngoài kỹ sư làm việc trực tiếp thì có một công đoạn về vệ sinh và phải thuê công ty bên ngoài. Công ty này nằm ngoài khu công nghiệp, và suốt tuần nay không thể xin giấy đi đường. Bộ phận này không vào làm việc được thì toàn bộ công đoạn tại nhà máy sẽ bị ách tắc".

Ông Phúc cũng chia sẻ thêm rằng một trong những thách thức hiện nay với các doanh nghiệp là sự gián đoạn trong việc phân phối sản phẩm đến khách hàng chủ yếu là do các cơ quan, ban ngành không có sự rõ ràng, nhất quán trong cách giải thích hàng hóa thiết yếu.

Tại hội nghị, ông Dương Tiến Lâm, Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam – TP Đà Nẵng cũng cho rằng việc xin phép ra vào thành phố rất phức tạp. "Công văn mới Sở Y tế ban hành về việc hướng dẫn đi lại làm doanh nghiệp rất lúng túng khi xin phép ra vào thành phố".

Ngoài ra, ông Lâm cho biết có nhân viên của chính công ty mình đến UBND phường nộp đơn xin xác nhận của địa phương, xin công văn cho phép đi lại theo hướng dẫn nhưng cán bộ phường không ký.

"Đề nghị thành phố cho phép các doanh nghiệp, cá nhân làm thủ tục ra vào TP qua kênh online để đơn giản thủ tục, tránh chồng chéo các quy định khác", ông Lâm cho hay.

Quốc Anh