Huawei mất 30 tỷ USD mỗi năm ở mảng thiết bị cầm tay bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ
Ông Eric Xu Zhijun, Chủ tịch luân phiên của Huawei tỏ thái độ cứng rắn trước những lời đe dọa về các lệnh trừng phạt mới của Mỹ trong một cuộc họp báo hôm 24/9 ở Bắc Kinh, theo SCMP.
Tại đây, ông cũng nói rằng lệnh cấm vận hiện tại đang gây thiệt hại ít nhất 30 tỷ USD trong doanh thu hàng năm ở mảng thiết bị cầm tay của hãng, nhưng công ty đã học cách "sống chung với lũ" kể từ tháng 5 năm 2019, theo SCMP.
"Cho dù các lệnh trừng phạt có nhiều lên đi nữa, thì chúng tôi đã quen với việc làm và sống với cái gọi là "danh sách đen" của Mỹ", ông Xu nói.
Lời phát biểu của ông Eric Xu được đưa ra một ngày sau khi bà Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết Washington sẽ có thêm hành động cấm vận các công ty viễn thông Trung Quốc nếu cần thiết.
Cựu tổng thống Donald Trump đã thêm Huawei vào "danh sách đen" vào tháng 5 năm 2019, cấm gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc làm ăn với các công ty Mỹ mà không có sự chấp thuận của chính phủ. Chính quyền ông Trump đã siết chặt trừng phạt vào tháng 9 năm 2020 với một lệnh cấm nhằm cắt đứt hoàn toàn nguồn cung chip của Huawei, giáng một đòn chí mạng vào mảng kinh doanh điện thoại thông minh cốt lõi của hãng, vốn phụ thuộc nhiều vào các con chip tiên tiến được sản xuất bằng công nghệ Mỹ.
Doanh thu của Huawei trong nửa đầu năm nay đã giảm 29,4% so với một năm trước, xuống còn 320 tỷ nhân dân tệ (49,5 tỷ USD). Doanh thu từ mảng kinh doanh tiêu dùng, chủ yếu là bán điện thoại thông minh, giảm gần một nửa xuống còn 21 tỷ USD.
Ông Eric Xu cho biết sẽ mất nhiều năm trước khi Huawei có thể bù đắp khoản thâm hụt từ 30 tỷ đến 40 tỷ USD bằng các mảng kinh doanh mới, bao gồm các ứng dụng 5G trong khai thác mỏ và sân bay. Mảng kinh doanh điện thoại thông minh của Huawei đạt doanh thu khoảng 50 tỷ USD vào năm ngoái.
Huawei đã mạo hiểm chen chân vào các lĩnh vực mới, kể đến như linh kiện xe hơi thông minh, vốn ít đòi hỏi phải cần các con chip mới nhất. Huawei đã tiến hành tìm hiểu kỹ càng về vấn đề nguồn cung trước khi bắt đầu hoạt động kinh doanh.
Ông Eric Xu cho biết: "Nếu không có nguồn cung ổn định, chúng tôi sẽ không bắt tay vào làm. Có một câu thành ngữ cổ của người Trung Quốc đại ý rằng: "Phía trước luôn có một con đường".
Trong một nỗ lực cứu vãn, Huawei đã đầu tư vào các nhà sản xuất chế tạo chip nội địa trong suốt hai năm qua. Tuy nhiên, ông Eric Xu cho rằng sẽ mất một thời gian nữa thì Trung Quốc mới có thể tự chủ hoàn toàn trong ngành công nghiệp chất bán dẫn, bất chấp những tiến bộ đã đạt được trong vài năm qua.
"Nếu Huawei có thể giải quyết tất cả các vấn đề về nguồn cung, thì khả năng tự cung tự cấp có thể đạt được, nhưng vẫn sẽ là một chặng đường dài phía trước, mục tiêu của Huawei trong năm 2021 đơn giản là "tồn tại", ông Xu chia sẻ.