'Công chúa Huawei' Mạnh Vãn Châu được trả tự do
Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu đã đạt được thỏa thuận với các công tố viên Mỹ để giải quyết những cáo buộc gian lận chống lại bà. Sau khi một thẩm phán Canada đưa ra quyết định, bà Mạnh Vãn Châu có thể rời nước này sau gần ba năm, theo Asia Nikkei.
Bà Mạnh đã xuất hiện trong một phiên điều trần online tại tòa án liên bang Brooklyn. Bà không nhận tội trước các cáo buộc gian lận và đồng ý hoãn cuộc truy tố đến ngày 1/12/2022. Điều đó có nghĩa Bộ Tư pháp Mỹ sẽ tạm đình chỉ truy tố cho đến năm sau, và nếu bà Mạnh tuân thủ các điều kiện do tòa án đưa ra, những cáo buộc sẽ được giảm xuống.
"Khi đồng ý thỏa thuẫn hoãn truy tố, bà Mạnh đã nhận trách nhiệm về vai trò chính trong việc thực hiện một kế hoạch lừa đảo một tổ chức tài chính toàn cầu", Quyền Luật sư Mỹ, Nicole Boeckmann cho biết.
"Việc bà Mạnh thừa nhận hành vi của mình là điểm mấu chốt cho các cáo buộc của chính phủ trong việc truy tố vụ gian lận tài chính này - bà Mạnh và các nhân viên Huawei đã phối hợp để đánh lừa các tổ chức tài chính toàn cầu, chính phủ Mỹ và người dân về các hoạt động của Huawei ở Iran", luật sư Boeckmann nói thêm.
Một trong những luật sư của bà Mạnh, ông William Taylor cho biết "rất vui mừng" vì đã đạt được thỏa thuận hoãn truy tố.
"Theo các điều khoản của thỏa thuận này, bà Mạnh sẽ không bị truy tố thêm tại Mỹ và thủ tục dẫn độ ở Canada sẽ hết hiệu lực. Bà ấy không thừa nhận tất tội trạng và chúng tôi hoàn toàn mong đợi bản cáo trạng sẽ được bác bỏ sau 14 tháng. Giờ đây, bà ấy sẽ được tự do trở về nhà với gia đình", ông William Taylor chia sẻ.
Ngày 24/9, bà Mạnh xuất hiện trong một phiên điều trần tại Tòa án Tối cao British Columbia ở Vancouver, nơi thẩm phán Canada đã ký sắc lệnh mới và các luật sư của bà Mạnh yêu cầu trả lại những thiết bị điện tử đã bị tịch thu trước đó.
Điều này sẽ góp phần giải quyết tranh chấp lớn giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ ngày càng xấu đi. Bà Mạnh Vãn Châu là con gái lớn của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi. Phiên tòa dẫn độ bà bắt đầu xảy ra giữa cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi ông Donald Trump còn làm tổng thống.
Con gái nhà sáng lập Huawei bị bắt tại sân bay Quốc tế Vancouver vào năm 2018 theo yêu cầu cáo trạng của Mỹ, cho rằng bà đã qua mặt ngân hàng HSBC để giao dịch với Iran. Bà Mạnh Vãn Châu sau đó đã bị quản thúc tại một trong những dinh thự trị giá hàng triệu USD ở Vancouver và phải đeo một vòng đeo mắt cá chân có gắn định vị theo dõi GPS.
Sau đó, bà lên tiếng rằng bản thân vô tội và đấu tranh để không bị dẫn độ sang Mỹ tại Tòa án Tối cao British Columbia. Các phiên điều trần kết thúc vào tháng 8 và dự kiến sẽ có phán quyết vào ngày 21/10.
Việc bà Mạnh Vãn Châu có được tự do hay không sau phiên tòa online ở Brooklyn cũng có khả năng ảnh hưởng đến việc trả tự do cho hai người Canada ở Trung Quốc. Michael Spavor và Michael Kovrig đã bị bắt ở Trung Quốc vì cáo buộc gián điệp ngay sau khi bà Mạnh bị tạm giữ. Spavor đã bị kết án 11 năm tù vào tháng 8.
Đã có các cuộc biểu tình trước tòa án Vancouver trong các phiên điều trần của bà Mạnh, đòi trả tự do cho hai người Canada. Căng thẳng đang leo thang giữa Mỹ, Trung Quốc và Canada về trường hợp của con gái nhà sáng lập Huawei.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đề cử Thea Kendler, một luật sư về vụ án hình sự chống lại bà Mạnh và Huawei, cho một vị trí quan trọng trong Bộ Thương mại để kiểm soát tình hình xuất khẩu sang Trung Quốc. Washington đã đưa Huawei và hàng chục công ty Trung Quốc vào danh sách đen, hạn chế bán các sản phẩm công nghệ Mỹ cho các công ty này.