|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam không để đại dịch kìm chân và là điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư

16:01 | 26/09/2021
Chia sẻ
Theo nguyên Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, việc điều chỉnh chiến lược chống dịch từ không COVID sang thích ứng an toàn, linh hoạt là cơ sở vững chắc để khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tại hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 được tổ chức sáng ngày 26/9, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, hội nghị hôm nay sẽ gửi thông điệp tới toàn thể người dân cùng cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước rằng: Việt Nam sẽ không để đại dịch kìm chân. 

Virus sẽ không thể buộc Việt Nam phải đóng cửa nền kinh tế, Việt Nam đã, đang và sẽ là điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư.

Tổng hợp những kiến nghị, đề xuất từ cộng đồng doanh nghiệp và sự phản ánh từ thực tiễn phòng, chống dịch của nhiều địa phương trên cả nước, ông Lộc cho rằng, việc điều chỉnh chiến lược chống dịch từ không COVID sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID hay theo cách nói của thế giới là "sống chung với COVID" là rất đúng đắn, kịp thời. 

Cùng với đó, sự quyết đoán của Thủ tướng Chính phủ  trong việc điều chỉnh chiến lược vắc xin; gia tăng nguồn cung và đẩy mạnh tốc độ tiêm; tiêm đúng, tiêm trúng các nhóm đối tượng ưu tiên nhất… đã mang lại những kết quả khích lệ và các chỉ số đều thể hiện xu hướng rất tích cực trong những tuần gần đây.

Đây cũng là cơ sở vững chắc để Chính phủ quyết định khởi động quy trình nới lỏng giãn cách, khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh đã bị ngưng trệ kéo dài, đặc biệt ở Tp Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. 

Đây chính là "thời gian vàng" để giải cứu doanh nghiệp. Sức chống chịu của các doanh nghiệp và nền kinh tế... đang tiến tới ngưỡng giới hạn và mở cửa là "cỗ máy trợ thở" lớn nhất cho các doanh nghiệp. 

"Mở cửa chậm hơn là chúng ta sẽ phải trả giá đắt hơn rất nhiều và khi các doanh nghiệp đã quá kiệt quệ, phải ra đi sẽ khó bề trở lại và các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ chuyển hướng đầu tư", ông Lộc khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Lộc, mở cửa không có nghĩa là chủ quan, là mất an toàn. Ngược lại, chính vì đã an toàn và có cơ sở để duy trì và nâng cao hơn nữa sự an toàn này nên cần đặt ra vấn đề mở cửa. 

Việc Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia soạn thảo "Hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" chính là để bảo đảm an toàn, vì có an toàn mới mở cửa nền kinh tế và các hoạt động dân sinh. 

Đây cũng có thể coi là Cẩm nang sống chung an toàn với dịch và việc tổ chức thực hiện cần khẩn trương, nhất quán ở tất cả các ngành, địa phương và các cấp chính quyền.

Ông Lộc cũng khuyến nghị, quá trình thực hiện cần tuyệt đối không "đẻ thêm" các giấy phép con, điều kiện kinh doanh mới, không cho phép có bất cứ các quy trình phê duyệt, cấp phép nào. 

Trách nhiệm của các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp là gương mẫu tuân thủ và phổ biến, quán triệt hướng dẫn này đến người dân và doanh nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng lực tuân thủ cho họ, chứ không phải đặt ra quy trình phê duyệt, cấp phép, xin - cho đối với các phương án tuân thủ của người dân và doanh nghiệp.

VCCI và cộng đồng doanh nghiệp đều đánh giá rất cao việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh. Mặc dù các chính sách đưa ra thể hiện rõ quan điểm, định hướng và mang ý nghĩa bao trùm, tổng thể, song chưa đề cập tới các giải pháp cụ thể để triển khai trong thực tế.

Ông Lộc cho biết thêm, qua tổng hợp ý kiến và phản ánh từ đa số doanh nghiệp trong nhiều ngành, lĩnh vực, việc tiếp cận Nghị quyết 105/NQ-CP cũng như nhiều gói giải pháp khác đã ban hành còn rất nhiều khó khăn do các tiêu chí còn cao, quy trình, thủ tục còn phức tạp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng chuyển sang trạng thái kinh doanh an toàn, sống chung với COVID-19, thực hiện mục tiêu kép, ông Lộc kiến nghị bổ sung thêm các lực lượng kinh tế tham gia vào Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID và đổi tên thành "Ban chỉ đạo quốc gia  phòng chống COVID và phục hồi kinh tế" do Thủ tướng Chính phủ làm Tổng Tư lệnh. 

Đồng thời, thống nhất mô hình triển khai này ở các địa phương để bảo đảm mỗi quyết định ở cấp Trung ương hay địa phương đều được xem xét thấu đáo ở cả góc độ kinh tế và y tế...

Ngọc Quỳnh