|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM sau 1 tuần siết chặt giãn cách: Đi chợ hộ quá tải đơn hàng, shipper từ bị cấm sang hoạt động trở lại

19:10 | 30/08/2021
Chia sẻ
Đi chợ hộ, cấm shipper hoạt động rồi cho hoạt động trở lại,... chỉ là hai trong số những chính sách gây chú ý của TP HCM trong 1 tuần đầu tiên tiến hành siết chặt giãn cách xã hội.

Từ ngày 23/8, trong thời gian TP HCM siết chặt giãn cách xã hội, các quận/huyện và TP Thủ Đức đã tiến hành áp dụng hình thức "đi chợ hộ" cho người dân. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn áp dụng, nhiều điểm hạn chế bắt đầu bộc lộ.

Nhu cầu mua sắm của người dân tăng mạnh, trong khi lực lượng nhân viên siêu thị, cán bộ đi chợ hộ ở phường, xã hạn chế đã khiến hệ thống đi chợ hộ liên tục bị gián đoạn. 

Mô hình đi chợ hộ vẫn còn nhiều bất cập

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP HCM, từ 23-28/8 khi áp dụng đi chợ hộ tần suất 1 tuần/lần, thành phố đã đi chợ hộ được 411.922 hộ/508.666 hộ đăng ký, đạt tỷ lệ 84%.

"Đi chợ hộ" lại là câu chuyện chưa từng có trong lịch sử TP HCM. Chính quyền địa phương gọi là "bài toán đa biến", tức mỗi người một ý kiến, mỗi hộ một thói quen tiêu dùng, rất khó hài lòng tất cả. Thành phố hiện có khoảng 2,2 triệu hộ dân, vì vậy, đã nảy sinh nhiều khó khăn, bất cập trong khi thực hiện.

TP HCM sau 1 tuần siết chặt giãn cách: Bất cập mô hình đi chợ hộ, shipper từ bị cấm sang hoạt động trở lại - Ảnh 1.

Xảy ra quá tải khi "đi chợ hộ". (Ảnh: Người Lao Động).

Trong tuần thực hiện đi chợ hộ, tình trạng quá tải đơn hàng thường xuyên diễn ra. Nhân viên các siêu thị phải cắt giảm số lượng, trong khi lượng đơn hàng đổ về không ngừng tăng lên, khiến nhiều nơi không đáp ứng nổi.

Saigon Co.op cho biết siêu thị đang quá tải vì chỉ 10% nhân viên được phép hoạt động. Tại Co.opmart Chu Văn An (quận Bình Thạnh) ngày 25/8 nhận hơn 1.000 đơn hàng nhưng chỉ giao được khoảng 50% do nhân sự không đủ.

Các phường/xã cũng gặp tình trạng tương tự, khi không đủ nhân lực giao hàng. Là cầu nối trung gian giữa siêu thị và người dân nhưng nhiều nơi nhân lực quá mỏng. Điển hình một phường nhận 700 đơn hàng nhưng chỉ có 9 người thì không thể giao hết trong ngày.

Nhiều người dân phản ảnh, dù đã gửi phiếu cho cán bộ phường nhưng đến nay sau 5-6 ngày chờ đợi vẫn chưa thấy hàng về. Tình trạng này xảy ra ở phường 16 (quận 4), phường Tân Thuận Tây (quận 7),...

TP HCM sau 1 tuần siết chặt giãn cách: Đi chợ hộ quá tải đơn hàng, shipper từ bị cấm sang hoạt động trở lại - Ảnh 2.

Mua hàng theo combo vẫn còn nhiều bất cập. (Ảnh minh họa: TTXVN).

Một bất cập khác nữa đến từ những combo hàng thiết yếu. Nhiều khách hàng cho biết họ chỉ muốn đăng ký mua thịt, cá, nhưng vẫn phải trả thêm tiền cho mì gói, nước mắm, gạo... trong combo, dù bản thân không cần dùng đến. Một số người lại nhận xét combo "đi chợ hộ" còn hạn chế chủng loại, chưa đáp ứng hết nhu cầu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu hằng ngày.

Ngoài ra, nhiều người dân cho biết một số combo đang có mức giá chưa phù hợp, gây khó khăn cho người có thu nhập hạn chế, số khác cho rằng cần bổ sung thêm một số mặt hàng thiết yếu như bỉm, sữa, giấy vệ sinh,...

Trả lời họp báo hôm 29/8 về việc “đi chợ hộ” còn nhiều bất cập, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, thời gian đầu công tác triển khai còn lúng túng do việc triển khai một công việc mới, không có sự chuẩn bị từ trước và phải huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau.

“Vì thực hiện trên một quy mô lớn nên sẽ có những vấn đề bất cập xảy ra. Việc duy trì được nguồn hàng phong phú, dồi dào và đáp ứng yêu cầu như bình thường sẽ rất khó khăn trong lúc này”, ông Phương nói.

Shipper "hoa mắt" với lệnh chạy, không chạy, rồi lại chạy

Trước thời điểm 23/8, shipper được phép hoạt động nhưng không quá 18h. Tuy nhiên, khi TP HCM thực hiện quy định "ai ở đâu ở yên đó" từ ngày 23/8, shipper công nghệ phải tạm ngưng hoạt động tại TP Thủ Đức và 7 quận/huyện vùng đỏ (8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn). Đối với các quận, huyện còn lại, shipper chỉ hoạt động trong quận, không chạy liên quận và có dấu hiệu nhận diện riêng theo quy định.

Đến khi mô hình "đi chợ hộ" trở nên quá tải và cần thêm lực lượng hỗ trợ, ngày 28/8, Sở Công Thương kiến nghị UBND TP HCM cho phép 25.000 shipper công nghệ giao hàng liên quận cho người dân.

TP HCM sau 1 tuần siết chặt giãn cách: Bất cập mô hình đi chợ hộ, shipper từ bị cấm sang hoạt động trở lại - Ảnh 3.

Shipper đã được lưu thông ở 8 quận, huyện vùng đỏ. (Ảnh: Trần Vũ).

Tuy nhiên, khi lưu thông ở 8 quận, huyện vùng đỏ, các shipper phải đảm bảo đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin và được test nhanh hàng ngày (mẫu gộp 3) từ 5 đến 6h. Việc này được thực hiện, giám sát bởi lực lượng quân y ở các trạm y tế lưu động. Trong 8 quận, huyện này, các shipper sẽ chạy trong phường.

Với số lượng 25.000 shipper công nghệ giao hàng hóa đến người dân. Tính trung bình mỗi shipper giao được 20-25 đơn hàng/ngày, theo đó có khoảng 500.000 - 625.000 hộ gia đình được phục vụ mỗi ngày bởi lực lượng này.

Ngoài ra, UBND TP thống nhất giao Công an TP cấp bổ sung cho Sở Công Thương khoảng 20.000 giấy đi đường của các nhân viên hệ thống bán lẻ để bổ sung thêm các lực lượng chuẩn bị đơn hàng và thực hiện các gói combo, đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân.

Lực lượng này cũng phải đảm bảo tiêm ít nhất một mũi vắc xin, xét nghiệm 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thời gian thực hiện nội dung chỉ đạo nêu trên bắt đầu từ ngày 30/8 đến khi có thông báo mới.

Loay hoay với giấy đi đường

Khi TP HCM siết chặt giãn cách xã hội theo nguyên tắc "ai ở đâu yên đó" từ ngày 23/8, chỉ một số nhóm công việc được phép ra đường và giấy thông hành do Công an TP HCM ký, đóng dấu. Giấy đi đường được cấp hạn chế nên vừa qua một số đơn vị, doanh nghiệp cho biết bị ảnh hưởng trong quá trình hoạt động.

TP HCM sau 1 tuần siết chặt giãn cách: Bất cập mô hình đi chợ hộ, shipper từ bị cấm sang hoạt động trở lại - Ảnh 4.

Giấy đi đường liên tục thay đổi quy định trong thời gian ngắn. (Ảnh: Thanh Niên).

Hàng trăm doanh nghiệp và những đối tượng cần phải ra đường liên tục loay hoay vì mẫu giấy đi đường sau 2 ngày được cấp lại có thay đổi, phải làm thủ tục lại từ đầu.

Trước đó, đơn vị có thể tự cấp giấy đi đường, sau đó được yêu cầu đổi theo mẫu (ghi rõ thuộc nhóm đối tượng nào). Và rồi lại đổi lần nữa theo mẫu do Công an TP HCM cấp.

Đến ngày 29/8, dù đã có giấy đi đường, người dân vẫn phải thực hiện khai báo di chuyển nội địa. Đa số người dân chưa khai báo trước ở nhà mà chờ đến chốt mới khai nên loay hoay mất nhiều thời gian, khiến cho nhiều chốt kiếm soát xảy ra tình trạng ùn ứ.

Sơn Thạnh