Top 5 nhà kinh tế Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại
Thật khó để mô tả trọn vẹn bộ mặt kinh tế Mỹ nói riêng và cả thế giới nói chung đã thay đổi ra sao trong 100 năm qua. Sau cuộc Đại suy thoái, học thuyết kinh tế Keynesian hậu chiến nổi lên như một trường phái thống trị hệ thống tư tưởng kinh tế đương thời nhưng chỉ sau 10 năm đã bị thế chỗ bởi chủ nghĩa kinh tế học tự do laissez-faire - hiện cũng đang trải qua một cuộc khủng hoảng trầm trọng.
Đằng sau những thay đổi mang tính cách mạng này là các nhà kinh tế đã góp phần định hình nước Mỹ hiện đại và xây dựng nền tư tưởng kinh tế toàn cầu. Tạp chí World Finance đã chọn lọc top 5 chuyên gia có tác động đáng kể nhất mọi thời đại dưới đây.
Milton Friedman
Milton Friedman được xem là một trong những nhà tư tưởng kinh tế quan trọng nhất của thế kỷ 20 và là người khởi xướng chính sách kinh tế laissez-faire. Ông đề cao chủ nghĩa tiền tệ thị trường tự do với niềm tin rằng tổng cung tiền trong một nền kinh tế là yếu tố chính quyết định tăng trưởng.
Milton Friedman - Ảnh: World Finance
Các lí thuyết của ông về thị trường tự do đã phản đối trực tiếp mô hình thống trị của chủ nghĩa kinh tế học Keynes vốn cho rằng chính sách tài khóa quan trọng hơn chính sách tiền tệ và do đó, chi tiêu của chính phủ nên kiểm soát sự biến động của chu kì kinh doanh.
Ngược lại, Friedman tin rằng sự can thiệp thô bạo như vậy chắc chắn đã dẫn đến thâm hụt lớn, nợ xấu và lãi suất cao.
"Một cuộc khủng hoảng lớn như hầu hết các giai đoạn thất nghiệp nghiêm trọng khác được tạo ra bởi sự quản lí sai lầm của chính phủ thay vì bất ổn vốn có của nền kinh tế tư nhân", Friedman viết trong cuốn sách Capitalism and Freedom.
Ông tin rằng thị trường nên được tự do và chính sách tiền tệ nên là bàng cụ duy trì nguồn cung tiền ổn định, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng tự nhiên. Từ đó, ông chính là cha đẻ của khái niệm thị trường tự do - mô hình kinh tế phổ biến nhất trên toàn thế giới ngày nay.
Alan Greenspan
Trong nhiệm kì 19 năm giữ cương vị chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Alan Greenspan đã làm nên một trong những thời kì kinh tế thịnh vượng nhất lịch sử Mỹ và được truyền thông gọi là "phù thủy kinh tế". Mong muốn tiêu diệt lạm phát, Greenspan tập trung chủ yếu vào việc hạ lãi suất và kiểm soát giá cả để hạn chế nguy cơ suy thoái.
Alan Greenspan - Ảnh: World Finance
Ngày nay, di sản vĩ đại của ông là điều còn gây tranh cãi. Các chính sách tiền tệ do Greenspan thực hiện trong nhiệm kì của mình được cho là yếu tố quan trọng gây nên cuộc khủng hoảng kinh tế thảm khốc năm 2008.
Áp dụng chiến lược cắt giảm lãi suất trong suốt những năm 2000, nhiều chuyên gia cho rằng ông đã khuyến khích các hoạt động cho vay vô trách nhiệm, góp phần vào bong bóng nhà đất và cuối cùng, gây ra cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn năm 2007.
Greenspan miễn cưỡng nhận trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng nhưng thừa nhận các sự kiện năm 2008 đã phơi bày lỗ hổng lớn trong hệ tư tưởng bãi bỏ quy định vốn được ông ủng hộ mạnh mẽ.
"Những người ngồi đây từng tin tưởng rằng lãi suất cá nhân từ các tổ chức cho vay có thể bảo vệ vốn cho cổ đông (đặc biệt là bản thân tôi) đang trải qua một cú sốc lớn từ sự hoài nghi", ông phát biểu trong một phiên họp quốc hội năm 2008.
Janet Yellen
Janet Yellen - Ảnh: World Finance
Thậm chí ngày nay, trường phái kinh tế học chủ yếu vẫn nằm trong tay nam giới. Kể từ đầu những năm 2000, tỉ lệ phụ nữ theo học ngành kinh tế ở Mỹ ngày càng giảm. Tuy nhiên, lịch sử vẫn đánh dấu những thay đổi tích cực về quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực vĩ mô này và một trong số đó là sự nghiệp của Janet Yellen.
Năm 2014, Yellen trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, khiến bà trở thành nhà kinh tế quyền lực nhất thế giới lúc bấy giờ.
Cùng năm đó, tạp chí Forbes tôn vinh bà là người phụ nữ quyền lực thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Thủ tướng Đức Angela Merkel. Năm 2016, Bloomberg đưa bà vào danh sách những người có tầm ảnh hưởng nhất trong năm.
Trong vai trò mới, Yellen coi việc giảm tỉ lệ thất nghiệp là quan tâm hàng đầu cũng như là con đường duy nhất để kiềm chế rủi ro lạm phát. Nhiệm kì của bà cũng là thời kì tỉ lệ việc làm tại Mỹ tăng cao nhất.
Theo The Washington Post, số liệu thất nghiệp tại Mỹ đạt mức khả quan nhất kể từ năm 1948 trong nhiệm kì Yellen giữ ghế Chủ tịch Fed. Bà cũng là một trong những nhà kinh tế có nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới.
Irving Fisher
Với những nghiên cứu có chiều sâu, Irving Fisher đã đóng góp rất lớn cho nền tảng của kinh tế tài chính hiện đại. Trong Từ điển kinh tế Palgrave năm 1987, James Tobin đã gọi ông là nhà kinh tế toán học đầu tiên của Mỹ.
Irving Fisher (phải) - Ảnh: World Finance
Nhiều học thuyết của Fisher đã trở thành nền tảng cho kinh tế học hiện đại. Nghiên cứu về mối liên hệ giữa thay đổi nguồn cung tiền và mức giá là yếu tố góp phần vào cơ sở vận hành hệ thống tiền tệ ngày nay.
Fisher cũng là người đầu tiên xây dựng đề cương và khung lí thuyết cho vốn và thu nhập vẫn được áp dụng đến ngày nay. Ông định nghĩa giá trị của vốn là giá trị hiện tại của dòng thu nhập (thuần) do tài sản tạo ra.
Ngoài ra, Fisher là nhà kinh tế học tiên phong phân biệt lãi suất thực và danh nghĩa. Học thuyết của ông về mối quan hệ này, được gọi là Hiệu ứng Fisher, vẫn được các ngân hàng và tổ chức tài chính hiện đại áp dụng để phân tích nguồn cung và giao dịch tiền tệ quốc tế.
Alice Rivlin
Trong hành trình trở thành chuyên gia hàng đầu về chính sách ngân khố Mỹ, Alice Rivlin đã phải đối mặt với vô số trở ngại về giới tính. Năm 1952, đơn xin cấp bằng sau đại học chuyên ngành hành chính bàng của bà bị từ chối vì là phụ nữ ở độ tuổi kết hôn.
Tuy nhiên, điều này đã không ngăn bà giành được vị trí cao quý trong ngành kinh tế. Bà từng là giám đốc sáng lập của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) và là nữ giám đốc đầu tiên của Văn phòng Quản lí và Ngân sách, được bổ nhiệm dưới thời Tổng thống Mỹ Bill Clinton.
Alice Rivlin (phải) và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton - Ảnh: World Finance
Tổ chức CBO do bà sáng lập thực hiện các phân tích phi đảng phái về nhiều vấn đề ngân sách và kinh tế. Trong đó, Rivlin đóng vai trò trung tâm đưa cơ quan này thành tổ chức quyền lực và được kính trọng, ủng hộ cho tư duy kinh tế tự do được duy trì xuyên suốt sự nghiệp của bà.
Rivlin cũng tập trung vào chính sách tài khóa và các vấn đề ngân sách liên bang trong thời gian làm việc tại Viện Brookings.
Tưởng niệm trong tang lễ của bà vào ngày 14/5/2019, đại diện viện Brookings phát biểu: "Tầm hiểu biết và khả năng độc đáo của bà Rivlin đã xây dựng cầu nối giữa các đảng phái chính trị, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành chính sách kinh tế Mỹ trong hơn nửa thế kỉ qua".