Vòng lặp khủng hoảng của các thị trường mới nổi sẽ lây lan đến các nền kinh tế khác
Dòng vốn khổng lồ đã đổ vào các thị trường mới nổi
Từ năm 2009 đến nay, tổng giá trị dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài rót vào các tài sản tài chính tại các thị trường mới nổi, gồm cho vay, chứng khoán nợ và chứng khoán vốn, bình quân khoảng 1 nghìn tỷ USD mỗi năm, dù con số này luôn biến động mạnh. Tổng lượng vốn đang lưu hành cũng xấp xỉ khoảng 50% GDP ở các nền kinh tế phát triển. Động lực chính dẫn dắt lượng thanh khoản dồi dào như trên đến từ chính sách tiền tệ nới lỏng của các ngân hàng trung ương tại các quốc gia phát triển, và sự hấp dẫn ở lợi nhuận cao hơn tại các nền kinh tế mới nổi.
Mặc dù đã cắt giảm, nhưng giá trị cho vay ngân hàng xuyên biên giới vẫn chiếm khoảng một nửa dòng vốn này. Đặc biệt, các ngân hàng của Anh, châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc càng trở nên dễ bị tổn thương hơn. Cụ thể các ngân hàng như HSBC và Standard Chartered rót vốn khá nhiều vào các thị trường mới nổi, trong khi các ngân hàng Tây Ban Nha đầu tư mạnh vào Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Mỹ. Rủi ro của Trung Quốc lại nằm ở các khoản vay đối với những quốc gia nằm trong sáng kiến chiến lược “Một vành đai – một con đường” của nước này. Các nhà đầu tư khác tạo nên phần lớn của dòng vốn còn lại.
Trong trường hợp đầu tiên, các khoản vay và các khoản đầu tư thua lỗ sẽ làm giảm sự giàu có của các quốc gia phát triển. Điều này sẽ khiến các chủ nợ buộc phải cắt giảm cho vay đối với các thị trường mới nổi dù không bị ảnh hưởng, cũng như các nền kinh tế phát triển khác, để tìm cách tái cấu trúc lại dòng vốn và rủi ro cho danh mục đầu tư và cho vay.
Và trong bối cảnh các nền kinh tế mới nổi lâm vào khủng hoảng, dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng sẽ nhanh chóng tháo chạy, nhất là khi giai đoạn trước đây các nhà đầu tư mua vào cổ phiếu tại các thị trường này chỉ nhằm để đa dạng hóa danh mục đầu tư mà không chú trọng phân tích chi tiết về cổ phiếu và thị trường. Vì vậy, các nhà đầu tư này có thể nhanh chóng thoát ra khi các tiêu đề truyền thông bắt đầu đề cập đến rủi ro của những thị trường mới nổi. Hệ quả là sau đó sẽ buộc các quỹ phải thanh lý danh mục đầu tư để ưu tiên nắm giữ tiền mặt. Tiếp theo là xếp hạng tín nhiệm của quốc gia đó có thể bị hạ xuống và làm định giá thị trường cũng đi xuống, dẫn đến các chỉ số chứng khoán càng nhanh chóng đảo chiều và thúc đẩy các nhà đầu tư càng bán ra mạnh hơn.
Không giống như các ngân hàng, các nhà đầu tư không thể chịu đựng được việc tái cơ cấu nợ diễn ra trong một thời gian dài, nên họ phải nhanh chóng phản ứng bán ra ngay và tất toán vị thế khi thị trường bắt đầu đối mặt với rủi ro đi xuống.
Các nước phát triển cũng khó tránh khỏi tác động
Trong các cuộc khủng hoảng thị trường mới nổi trước đây, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF đã giúp thực thi các quyền tài sản, mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư và người cho vay nước ngoài. Lần này, để phù hợp với các chính sách đã thay đổi của mình, IMF có thể cho phép kiểm soát vốn theo một hình thức khác. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến giá trị tài sản và hạn chế ảnh hưởng, can thiệp của nhà đầu tư vào quyết định của các quỹ một khi tình trạng vỡ nợ xảy ra.
Những yếu tố này càng khiến hoạt động thanh lý tài sản càng được đẩy mạnh sớm hơn, đẩy giá tài sản và tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi rớt xuống thấp hơn và làm trầm trọng thêm tổn thất và đẩy nhanh tốc độ lây lan.
Những hiệu ứng phụ cũng khá quan trọng. Sự biến động và tương quan giữa giá tài sản và tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi đã tăng sức ảnh hưởng. Khoảng 40 phần trăm tài sản của các nền kinh tế phát triển và mức biến động trung bình của thị trường ngoại hối là đến từ sự tác động bởi diễn biến ở các thị trường mới nổi đang trong giai đoạn khủng hoảng. Trong môi trường đẩy rủi ro như thế, dòng vốn sẽ tìm cách chạy về các thị trường phát triển.
Do tính thanh khoản của một số tài sản và tiền tệ tại các thị trường mới nổi luôn đòi hỏi phải được phòng ngừa rủi ro, theo đó các nhà đầu tư phải bán các tài sản thanh khoản có liên quan để quản lý rủi ro. Những thay đổi giá gần đây của đồng đô la Úc, cổ phiếu tài nguyên và hàng hóa đã phản ánh điều này, khi các nhà đầu tư buộc phải bán ra để bù đáp cho những thiệt hại từ danh mục đầu tư ở các thị trường mới nổi. Và điều này về lâu dài cũng sẽ ảnh hưởng ngày càng lớn hơn đến các lớp tài sản khác tại các nền kinh tế mạnh hơn.
Trong khi lý thuyết cho thấy rằng định giá của tài sản hiện tại sẽ dựa trên dòng tiền trong tương lai, thì thực tế là tất cả các định giá cũng chỉ có tính tương đối và phải dựa trên so sánh giữa các thị trường. Vì vậy, khi giá tài sản điều chỉnh ở các thị trường mới nổi, việc đánh giá song song ở các nền kinh tế phát triển là điều không thể tránh khỏi. Điều này hiểu một cách đơn giản là nếu định giá cổ phiếu của các thị trường mới nổi điều chỉnh giảm xuống, thì giá các cổ phiếu ở thị trường phát triển không thể nào duy trì ở mức cao quá mức mãi được.
Vì vậy, nếu thị trường mới nổi gặp căng thẳng, thì các nền kinh tế phát triển cũng phải đối mặt với thắt chặt tín dụng, khiến thanh khoản tiếp tục bị cắt giảm thêm và gây ra các cú sốc cho các thị trường tài sản.
Bộ trưởng Tài chính Mexico là Jose Angel Gurria đã mô tả về sự lây lan tài chính từ cuôc khủng hoảng của nền kinh tế Nga vào năm 1998 đến các nền kinh tế khác là một minh chứng rõ nét nhất.
Và ngày nay, các nhà đầu tư trong các nền kinh tế phát triển nên bắt đầu lo ngại về các khoản tiết kiệm của mình liệu sẽ bị ảnh hưởng như thế nào giữa những rắc rối của các thị trường mới nổi ngày càng tăng lên.