Top 10 tăng giảm tuần 21 - 25/2: Cổ phiếu dược và phân bón nổi sóng, có mã tăng 260% sau 2 tuần
Cổ phiếu dược đua nhau tăng giá, họ Louis trở lại ngoạn mục trên sàn HOSE
Trong bối cảnh số ca nhiễm liên lục tăng mạnh và lập kỷ lục mới, thông tin liên quan đến việc cấp phép sản xuất và phân phối thuốc trị COVID-19 như liều "doping" khiến các cổ phiếu ngành dược đua nhau tăng giá.
Điển hình nhất là cổ phiếu VMD của Y Dược Vimedimex khi đứng đầu danh sách tăng giá trên sàn HOSE với tỷ lệ tăng 38,72%. Cùng với sự thăng hoa của thị giá, thanh khoản của mã này cũng cải thiện đáng kể so với giai đoạn trước đó, trung bình đạt gần 100.000 đơn vị khớp lệnh/phiên.
Ngoài ra, cổ phiếu FRT của FPT Retail cũng tăng mạnh 22% tuần qua và thiết lập đỉnh mới tại 125.000 đồng/cp. Theo ghi nhận, dòng tiền cũng đổ vào một số cổ phiếu vốn hoá nhỏ cùng ngành như DDN, DBT, LDP, MKP,...
Trở lại giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam hồi tháng 6/2021, các doanh nghiệp ngành dược cũng được kỳ vọng tăng trưởng vượt bậc và cổ phiếu nhóm này được đánh thức sau thời gian dài ngủ quên. Tuy nhiên, đà tăng sau đó không kéo dài, thậm chí cổ phiếu VMD còn "trồng mô hình cây thông" khiến nhiều NĐT lỡ đua lệnh đành ngậm ngùi ôm lỗ.
Trên góc nhìn chuyên gia, ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI nhận định các cổ phiếu ngành dược đã chạm giá mục tiêu nên không còn hấp dẫn. Biên lợi nhuận trong việc bán thuốc COVID-19 rất thấp, thậm chí các doanh nghiệp bán với mức lãi bằng 0.
Với đà tăng sớm nở tối tàn, vẫn còn quá sớm để khẳng định cổ phiếu ngành dược có thể tạo sóng trở lại nếu chỉ dựa trên kỳ vọng doanh thu phân phối thuốc. NĐT nên cân nhắc đầu tư vào cổ phiếu ngành này, tránh ham theo dòng tiền để rồi phải đu đỉnh.
Sàn HOSE còn chứng kiến sự trở lại ngoạn mục của nhóm cổ phiếu họ Louis đã từng chiếm sóng một thời với chuỗi tăng trần, giảm sàn chỉ trong thời gian ngắn. Cụ thể, cổ phiếu AGM tăng trần tới 4/5 phiên trong tuần, tương ứng tỷ lệ 39%. Cùng hệ sinh thái, thị giá mã TGG cũng tăng tới 18,5%.
Trái với giai đoạn trước đó, NĐT không còn hứng thú, thậm chí thờ ơ với những cổ phiếu đầu cơ này, được thể hiện qua thanh khoản của các mã này gần như không cải thiện. Có lẽ những bài học nhãn tiền như lời cảnh tỉnh những NĐT lỡ FOMO theo sóng đầu cơ trong giai đoạn cuối năm 2021.
Về chiều giảm, cổ phiếu VIX đứng đầu danh sách với tỷ lệ giảm 18%. Tuy nhiên, đà giảm của mã này không liên quan đến tình hình doanh nghiệp hay thông tin tiêu cực mà chỉ đơn giản là giá cổ phiếu được điều chỉnh sau khi công ty thực hiện chào bán cổ phiếu tăng vốn điều lệ.
Thực tế, mã VIX và cổ phiếu ngành chứng khoán nói chung có tuần giao dịch khá tích cực cả về giá và thanh khoản. Riêng mã VIX đã tăng hơn 6% tuần qua.
Trước nguy cơ bị huỷ niêm yết, cổ phiếu HAG vẫn nối tiếp đà giảm từ tuần trước và mất 7% giá trị. Hiện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có thông tin chính thức về việc huỷ niêm yết. Cổ đông HAG đang trong trạng thái "đứng ngồi không yên", thậm chí nộp "đơn kêu cứu" để được bảo vệ lợi ích.
Các cổ phiếu khác thuộc top giảm trên sàn HOSE đều ghi nhận tỷ lệ không quá 20%, có thể kể đến CLW, TNC, TTB, CCI....
Cổ phiếu phân bón chiếm sóng sàn HNX
Danh sách tăng giá trên sàn HNX xuất hiện nhiều đại diện của cổ phiếu phân bón. Cụ thể, cổ phiếu PMB tăng giá 44,81% trong tuần qua với 4 phiên tăng kịch trần liên tiếp. Kết phiên 25/2, giá cổ phiếu PMB ở 22.300 đồng/cp, mức đỉnh kể từ khi niêm yết đầu tháng 10/2015.
Nhiều mã cùng ngành cũng đang trên đà tiến lên đỉnh cao mới như PCE (tỷ lệ tăng 39%), PSE (36%), PMP (33%) và PSW (31%).
Biến biến khởi sắc của cổ phiếu phân bón xuất phát từ diễn biến tích cực giá phân bón thế giới trước những lo ảnh ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Theo Bloomberg, giá phân bón đang tăng vọt do lo ngại xung đột Nga – Ukraine sẽ khiến nguồn cung toàn cầu mặt hàng này giảm mạnh. Giá phân ure phân đạm phổ biến ở New Orleans vào ngày 24/2 tăng lên 700 USD/tấn so với 560 USD/tấn hồi đầu tuần, tăng 25%.
Một số nhóm ngành khác cũng góp mặt vào top tăng giá như công nghệ (SMT - 59%), du lịch (PDC - 57,5%), xây dựng (HUT - 32%) hay dầu khí (PVC - 32%).
Tại chiều giảm, các cổ phiếu giao dịch với biên độ không quá lớn, cao nhất là BST với 17%. Hầu hết các mã này đều có chung đặc điểm là thanh khoản thấp, thậm chí không có giao dịch và đứng giá tham chiếu nhiều phiên.
UPCoM: XMD tăng 260% chỉ trong 2 tuần
Cổ phiếu đáng chú ý nhất trên thị trường UPCoM là XMD với chuỗi 11 phiên tăng trần từ tuần trước đó. Kết phiên cuối tuần, mã này dừng tại 9.400 đồng/cp, tương ứng mức tăng hơn 260% kể ngày 11/2.
Theo ghi nhận, mã này đã đứng giá tham chiếu kể từ năm 2017 tới nay và mất thanh khoản. Trong giai đoạn tăng mạnh hai tuần trở lại đây, khối lượng giao dịch của cổ phiếu XMD cũng chỉ đạt 100 - 200 đơn vị khớp lệnh/phiên. Do đó, NĐT chỉ có thể đứng ngoài nhìn đà tăng giá
Nhiều cái tên lạ mặt khác cũng tăng mạnh trên thị trường UPCoM như HLS (70%), CID (52%), KTC (51%), BKH (50%)...
Dẫn đầu chiều giảm giá là cổ phiếu HCI khi bốc hơi gần 40% giá trị tuần qua chỉ bằng một phiên giảm sàn ngày 24/2. Các phiên còn lại, mã này gần như không có giao dịch và thay đổi về giá.
Một số cổ phiếu khác trên thị trường UPCoM với tỷ lệ giảm dưới 30% như VBH, CTW, GTD, SBR, VWS...