|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Kết quả quý I khả quan, cổ phiếu dược bứt phá

07:27 | 03/05/2017
Chia sẻ
Báo cáo tài chính quý I/2017 của nhiều doanh nghiệp dược đã công bố cho thấy, lợi nhuận quý đầu năm tăng trưởng tốt và điều này được phản ánh vào giá cổ phiếu. Theo đó, mặc dù đang giao dịch ở mức P/E khá cao so với thị trường, độ nóng của các doanh nghiệp dược trên sàn vẫn chưa hề suy giảm.

Dẫn đầu với mức tăng trưởng ấn tượng là cổ phiếu DHG của CTCP Dược Hậu Giang. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu DHG đã tăng từ 98.000 đồng/CP lên 146.000 đồng/CP, tương ứng tăng tới gần 50%.

Chuỗi tăng giá này của DHG một phần đền từ chủ trương nới room đã thông qua tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên diễn ra vào giữa tháng 4 vừa qua. Mặt khác, hoạt động kinh doanh của DHG tiếp tục cho thấy hiệu quả khi kết thúc quý I/2017, DHG đạt doanh thu thuần 882 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 173 tỷ đồng, tăng lần lượt 8,2% và 14,2% so với cùng kỳ 2016.

Theo lý giải của DHG, có được kết quả khả quan, bên cạnh tăng trưởng ngành nghề kinh doanh cốt lõi, Công ty tiếp tục nhận được ưu đãi thuế tại nhà máy mới (Công ty TNHH MTV Dược phẩm DHG) và nhà máy bao bì (Công ty TNHH MTV In bao bì DHG 1) với tổng số tiền 35,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ là 16,56 tỷ đồng.

Có sự cải thiện mạnh mẽ từ khi có sự tham gia của cổ đông chiến lược nước ngoài là Abbott, kết thúc quý I/2017, CTCP Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC) đạt lợi nhuận sau thuế gần 48 tỷ đồng, tăng hơn 36% so với cùng kỳ 2016 (dù doanh thu giảm nhẹ 4%, đạt 306 tỷ đồng). Nguyên nhân tăng trưởng lợi nhuận được DMC cho biết là do Công ty đã điều chỉnh chính sách bán hàng ở một số nhóm sản phẩm đảm bảo khai thác được lợi thế của DMC trên thị trường.

Mặc dù việc nới room ảnh hưởng đến doanh thu phân phối dược phẩm cho bên thứ 3, nhưng theo DMC, đóng góp vào lợi nhuận của mảng này trong thời gian qua là không đáng kể, trong khi các dòng sản phẩm khác như thiết bị y tế, thực phẩm chức năng…, không bị ảnh hưởng.

“DMC đã chủ động hạn chế phân phối những sản phẩm dược của bên thứ 3 từ trước. Xét trên khía cạnh ‘được-mất’, việc nới room cho cổ đông ngoại là sự trao đổi xứng đáng và thông minh”, lãnh đạo DMC cho hay.

Chiến lược của Abbott tại DMC, được đại diện Abbott khẳng định là chiến lược đầu tư dài hạn, với mục tiêu đưa DMC trở thành đơn vị dẫn đầu thị trường đối với các sản phẩm Generic. Tuy vậy, trước mắt, Abbott chưa có kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu tại DMC (hiện Abbott là cổ đông lớn nhất của DMC khi nắm giữ 51,69% vốn).

Với kết quả lợi nhuận khả quan, cổ phiếu DMC có bứt phá đáng kể từ mức 67.000 đồng/CP của đầu năm, lên hơn 91.000 đồng/CP (giá chốt phiên 28/4), tương ứng tăng khoảng 34%, thậm chí có thời điểm giá cổ phiếu DMC đã tăng lên mức 95.000 đồng/CP.

Tại CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP), nhờ việc mở rộng thị trường đạt hiệu quả, doanh số quý I vừa qua của Công ty đã tăng mạnh. Bên cạnh đó, việc cơ cấu danh mục sản phẩm theo hướng tập trung vào các sản phẩm chủ lực có giá trị và lợi nhuận biên cao giúp lợi nhuận gộp trong kỳ của IMP tăng hơn 21 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả quý I/2017, IMP đạt doanh thu đạt 232 tỷ đồng, tăng 16,5% cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 25 tỷ đồng, tăng 19%. Theo đó, tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu IMP đã tăng khá tốt, từ 55.000 đồng/CP lên 61.400 đồng/CP, tức tăng 11,4%.

Cổ phiếu OPC của CTCP Dược phẩm OPC sau một thời gian tích lũy ở vùng giá 39.000 đồng/CP vào nửa cuối tháng 3/2017, đã bứt phá lên mức 50.000 đồng/CP, trước khi điều chỉnh về mức 46.000 đồng/CP như hiện nay.

Là doanh nghiệp có thị phần khiêm tốn, nên để giữ vững thị phần trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gắt gao của những doanh nghiệp đầu ngành, OPC lựa chọn chiến lược M&A với doanh nghiệp cùng ngành. Theo đó, tháng 10/2016, OPC chính thức trở thành cổ đông chi phối của CTCP Dược Trung ương 25 (UPH) với tỷ lệ sở hữu 51%.

Báo cáo tài chính quý I/2017 cho thấy, OPC đạt 282 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2016; lợi nhuận sau thuế đạt 24 tỷ đồng, tăng 14%. OPC cho biết, kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt là do trong kỳ, Công ty phân phối thêm sản phẩm của UPH, đồng thời ghi nhận thêm doanh thu từ UPH trên báo cáo tài chính hợp nhất.

Theo ông Nguyễn Chí Linh, Tổng giám đốc OPC, đồng thời là Chủ tịch HĐQT UPH, Công ty đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng UPH có thế mạnh khi sở hữu một số sản phẩm đang được cấp “visa” và đội ngũ nhân viên dày dạn kinh nghiệm. Trước mắt, việc OPC tham gia vào UPC là để ổn định và duy trì sản xuất kinh doanh của UPC. Trong thời gian tới, Công ty sẽ đầu tư một nhà máy mới theo tiêu chuẩn GMP PIC/s nhằm đưa hoạt động doanh nghiệp vào quỹ đạo tăng trưởng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Ngọc Nhi