|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

MKP liên tục trần sau tin sản xuất thuốc trị COVID-19, loạt cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng mạnh, sóng dược phẩm có đến?

20:58 | 21/02/2022
Chia sẻ
Theo nhận định của Chứng khoán SSI, cổ phiếu của các công ty dược phẩm tiếp tục là nhóm ngành phòng thủ hấp dẫn trong thời kỳ dịch bệnh bất ổn.

Trong hai phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu MKP của Công ty cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar "tím lịm" ngay từ khi mở cửa với thanh khoản gần như không đáng kể. Với biên độ giao dịch lên tới 15% trên thị trường UPCoM, thị giá MKP đã tăng gần 30% chỉ sau hai phiên, hiện dừng chân tại mốc 56.400 đồng/cp.

Theo quan sát, mặc dù thanh khoản khớp lệnh trung bình chưa đến 10.000 cổ phiếu, khối lượng dư mua giá trần mã này lên đến hàng trăm nghìn đơn vị. Đà tăng của MKP được hỗ trợ trong bối cảnh Hóa - Dược phẩm Mekophar là 1 trong 3 công ty Việt Nam sản xuất thuốc trị COVID-19 được Bộ Y tế cấp phép lưu hành chiều 17/2 với thuốc Movinavir hàm lượng 200 mg.

 - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu MKP trong khoảng 4 tháng trở lại đây. (Nguồn: VNDirect).

Mặc dù không tăng kịch trần, sắc xanh cũng hiện diện trên nhiều cổ phiếu nhóm y tế, dược phẩm quy mô nhỏ khác trong phiên hôm nay như CDP (+7,6%), VMD (+6,2%), DDN (+5,3%), DVN (+4,1%), DP3 (+3,8%), DBT (+3,2%) hay LDP (+3%),..

Diễn biến trái chiều, một số cổ phiếu vốn hóa lớn trong ngành dược phẩm như DHG, IMP, DHT giao dịch không mấy khởi sắc với sắc đỏ phủ bóng.

Mặc dù còn quá sớm để khẳng định cổ phiếu ngành dược sẽ "tạo sóng" trở lại nhưng trong bối cảnh dòng tiền liên tục luân chuyển giữa các nhóm ngành với tâm lý chốt lời nhanh thì ngành dược, một trong các nhóm cổ phiếu phòng thủ trên thị trường đang nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư.

Cổ phiếu dược sớm nở, tối tàn?

Giai đoạn đầu của năm COVID thứ nhất, cổ phiếu ngành dược được kỳ vọng tăng trưởng vượt bậc dựa trên luận điểm tâm lý lo sợ của người dân sẽ làm gia tăng chi phí cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe, thuốc men.

Thực tế chỉ ra hầu hết các doạnh nghiệp dược phẩm đã "ăn nên làm ra" trong quý đầu năm 2020. Theo đó, cổ phiếu ngành này đã được đánh thức sau thời gian dài ngủ quên. Tuy nhiên, đà tăng sau đó không kéo dài và hầu hết các mã đều quay đầu giảm.

Đến tháng 6/2021, cổ phiếu dược phẩm lại lần nữa làm nóng thị trường sau thông tin 3 đơn vị trên sàn nằm trong danh sách 36 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh, xuất nhập khẩu và bảo quản vắc xin COVID-19.

Mặc dù chỉ có 3 đơn vị nằm trong trong danh sách trên là CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Thành phố Hồ Chí Minh (Mã: YTC), Dược phẩm Trung ương CPC1 (Mã: DP1) và Dược phẩm Bến Tre (Bepharco, mã: DBT) nhưng nhiều cổ phiếu dược phẩm "tí hon" khác cũng được "thơm lây" với chuỗi tăng bốc đầu nhiều phiên liên tục như DDN, CDP, DVN.

Tuy nhiên kịch bản cũ đã lặp lại với việc cổ phiếu dược phẩm tăng nhanh sau đó giảm lũ lượt lao dốc.

Triển vọng nào cho cổ phiếu dược phẩm trong năm 2022?

Báo cáo triển vọng ngành dược phẩm của Chứng khoán SSI cho thấy lợi nhuận của các công ty chăm sóc sức khỏe có thể tăng trưởng mạnh trong năm 2022, với giá các dịch vụ khám chữa bệnh và thuốc men dự kiến tăng nhẹ.

Theo nhóm phân tích, nhu cầu chăm sóc sức khỏe sẽ phục hồi và tăng trưởng 13% so với cùng kỳ trong năm 2022, ước tính chi tiêu y tế trong nước sẽ trở lại mức bình thường trong năm 2022, khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng.

"Tác động từ dịch COVID-19 sẽ ít nghiêm trọng hơn hoặc thậm chí mang lại một số lợi ích tích cực. Với 70% dân số Việt Nam đã được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi, trong khi các biến thể COVID-19 mới có thể ít nguy hiểm hơn với tỷ lệ nhập viện thấp hơn.

Khối phân tích SSI cho rằng nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong năm 2022 sẽ sớm vượt qua mức trước dịch COVID, với số lượt đến thăm khám tại bệnh viện hồi phục về mức bình thường và nhóm dược phẩm sẽ có thêm phần doanh thu đáng kể từ các dòng thuốc hạ sốt và vitamin (được sử dụng thường xuyên để điều trị các triệu chứng COVID nhẹ).

Đặc biệt, nhiều công ty dược Việt Nam đã nhận công thức sản xuất thuốc điều trị COVID (do Pfizer và MSD chuyển giao) và có thể sớm thương mại hóa trong năm 2022.

Công ty chứng khoán ước tính lợi nhuận của các công ty chăm sóc sức khỏe tăng 15% so với cùng kỳ, nhờ doanh thu tăng trưởng 12% và tăng giá dự kiến từ 4 - 6% đối với cả thuốc và các dịch vụ y tế. Việc tăng giá là tất yếu do các công ty dược phẩm đã phải ứng phó với việc giá nguyên liệu (API) tăng cao, trong khi các bệnh viện phải đối mặt với nhiều chi phí hoạt động đắt đỏ trong hai năm qua khi đại dịch bùng phát.

Nhóm các công ty dược phẩm có thể ghi nhận tăng trưởng cao trong cả năm 2022. Trong đó, kết quả kinh doanh có thể tích cực ngay trong nửa đầu năm 2022 khi người dân dự trữ thuốc cho biến thể Omicron mới.

Với mức tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm 2022, nhóm phân tích của Chứng khoán SSI cho rằng ngành chăm sóc sức khỏe sẽ có cơ hội tăng giá khá tích cực. Đặc biệt, cổ phiếu của các công ty dược phẩm tiếp tục là nhóm ngành phòng thủ hấp dẫn trong thời kỳ dịch bệnh bất ổn.

Thu Thảo