|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 21 - 25/2: Tổ chức trong nước mua ròng đột biến nhóm ngân hàng, tâm điểm VPB, MBB, CTG

17:11 | 27/02/2022
Chia sẻ
Trong tuần 21 - 25/2, cổ phiếu của các nhà băng đặc biệt thu hút dòng tiền của các tổ chức trong nước với giá trị mua ròng đạt 804 tỷ đồng, đánh dấu mức cao nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây.

Giữa căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine, thị trường trong nước đã nhiều lần chao đảo theo xu hướng giảm của các thị trường chứng khoán thế giới.

Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 21/2 đến ngày 25/2, VN-Index giảm 5,94 điểm (0,4%) xuống 1.498,89 điểm. Thanh khoản giao dịch bình quân mỗi phiên trên HOSE đạt 26.900 tỷ đồng, tăng 26,3% so với trung bình tuần trước và là mức cao nhất trong vòng 5 tuần trở lại đây. Có phần khởi sắc hơn, HNX-Index tăng 4,55 điểm (1,04%) lên mốc 440,16 điểm.

Dù trải qua một tuần đầy biến động, sắc xanh vẫn chiếm ưu thế hơn trong tuần vừa qua với 13/21 nhóm ngành tăng giá. Trong đó, hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến Nga - Ukraine là ngành dầu khí vởi tỷ lệ tăng 13,3% khi giá dầu thế giới đã có thời điểm chạm mốc 100 USD/thùng.

Cổ phiếu phân bón như LAS, DPM, DCM, BFC,.... cũng giao dịch khởi sắc trước tâm lý lo ngại giá phân thế giới tăng khi các quốc gia cấm vận với Nga và giá khí châu Âu tăng. Nhóm bán lẻ cũng gây chú ý với những cái tên như FRT (+22%), PET (+13,1%)...

Trong tuần qua, khối ngoại chỉ bán ròng nhẹ 14 tỷ đồng trên HOSE. Phản ứng của dòng tiền nước ngoài cho thấy họ không quá lo lắng trước những bất ổn chính trị ngoài Việt Nam. Trong khi đó, nhà đầu tư tổ chức trong nước xuống tiền nâng đỡ thị trường với giá trị vào ròng 151 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ mua ròng 342 tỷ đồng.

Tuần 21 - 25/2: Tổ chức trong nước mua ròng đột biến nhóm ngân hàng, tâm điểm VPB, MBB, CTG - Ảnh 1.

Giao dịch qua kênh khớp lệnh theo nhóm nhà đầu tư. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Cổ phiếu vua tích cực hút tiền, trong khi nhóm BĐS bị bán ròng trở lại

Trong tuần 21 - 25/2, cổ phiếu của các nhà băng đặc biệt thu hút dòng tiền của các tổ chức trong nước với giá trị mua ròng đạt 804 tỷ đồng, đánh dấu mức cao nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây. Đây cũng là nhóm được tổ chức nội gom ròng mạnh nhất trong tuần trước đó, bất chấp áp lực chốt lời từ cá nhân trong nước.

Lực cầu từ tổ chức trong nước cũng lan tỏa sang nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin với giá trị vào ròng gần 146 tỷ đồng, theo sau là thép (60,4 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (41,2 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (38,3 tỷ đồng).

Ngoài ra, dòng tiền tổ chức nội còn chảy vào nhóm bán lẻ với 90 tỷ đồng. Đây là nhóm cổ phiếu được kỳ vọng phục hồi khi Việt Nam dần mở cửa trở lại. Chỉ số dòng tiền của FiinTrade cho thấy dòng tiền vào nhóm bán lẻ so với chính nó đang ở mức cao trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, chỉ số dòng tiền trong mối tương quan với thanh khoản toàn thị trường ở mức dưới trung bình năm.

Điều này cho thấy, tuy dòng tiền vào nhóm tăng nhưng vẫn yếu hơn mức tăng thanh khoản chung của toàn thị trường. Nếu dòng tiền tiếp tục đổ vào nhóm này sẽ là cơ hội để cổ phiếu ngành tăng điểm.

Ở chiều ngược lại, NĐT tổ chức trong nước chuyển hướng bán ròng cổ phiếu nhóm địa ốc với giá trị hơn 279 tỷ đồng. Áp lực bán ra cũng chiếm ưu thế tại nhóm xây dựng & vật liệu (141 tỷ đồng), hóa chất (139 tỷ đồng), điện, nước, xăng dầu khí đốt (84 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (82 tỷ đồng),...

Tuần 21 - 25/2: Tổ chức trong nước mua ròng đột biến nhóm ngân hàng, tâm điểm VPB, MBB, CTG - Ảnh 2.

Giao dịch khớp lệnh của tổ chức nội theo nhóm ngành trong tuần 21 - 25/2. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tổ chức nội gom mạnh VPB, chốt lời DPM khi giá cổ phiếu chạm đỉnh lịch sử

Tuần 21 - 25/2: Tổ chức trong nước mua ròng đột biến nhóm ngân hàng, tâm điểm VPB, MBB, CTG - Ảnh 3.

Cổ phiếu VPB của VPBank dẫn đầu Top mua ròng tuần qua với giá trị 448,2 tỷ đồng. (Ảnh: Thu Thảo).

Như đã đề cập bên trên, cổ phiếu "vua" nằm trong danh mục ưu tiên giải ngân tuần qua của tổ chức trong nước với giá trị đột biến, theo đó trong Top5 mã được mua ròng, có tới 3 đại diện đến từ các nhà băng.

Giao dịch cụ thể theo từng mã, cổ phiếu VPB của VPBank dẫn đầu với giá trị 448,2 tỷ đồng. VPB là cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index tuần qua với mức đóng góp 2,6 điểm. Với 4/5 phiên tăng điểm, thị giá mã này bật tăng 6,4% trong 1 tuần, đóng cửa phiên thứ Sáu tại 38.200 đồng/cp. Trong phiên cuối tuần, thanh khoản của VPB lên tới 50 triệu đơn vị khớp lệnh, gấp đôi mức trung bình 10 phiên gần nhất.

Ngoài ra, tổ chức nội còn mua ròng một số cổ phiếu ngân hàng khác như MBB và CTG với giá trị vào ròng dưới trăm tỷ đồng. Hoạt động mua ròng còn diễn ra tại FPT (149,6 tỷ đồng) và DXG (144 tỷ đồng).

Liên quan đến giao dịch cổ phiếu DXG, ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh vừa đăng ký mua hơn 20,7 triệu cổ phiếu DXG. Trong đó, 725.700 cổ phiếu mua theo chương trình ESOP với giá 10.000 đồng/cp.

Bên cạnh đó, ông Thìn muốn gom thêm 20 triệu cổ phiếu DXG theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Thời gian giao dịch từ ngày 28/2 đến ngày 29/3. Ước tính theo thị giá hiện tại của DXG là 43.200 đồng/cp, ước tính ông Thìn phải chi gần 900 tỷ đồng để thực hiện giao dịch trên.

Tuần 21 - 25/2: Tổ chức trong nước mua ròng đột biến nhóm ngân hàng, tâm điểm VPB, MBB, CTG - Ảnh 4.

Top10 cổ phiếu NĐT tổ chức trong nước mua/bán ròng khớp lệnh trong tuần 21 - 25/2 (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tại chiều bán ra, cổ phiếu DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP chịu áp lực xả lớn nhất từ các tổ chức nội tuần vừa qua. Cụ thể, mã này bị bán ròng 146 tỷ đồng bất chấp những tín hiệu khởi sắc trên thị trường.

Với 2 phiên tăng hết biên độ, giá cổ phiếu DPM có nhịp tăng 9,7% lên 53.900 đồng/cp, động thái chốt lời của tổ chức trong nước diễn ra khi thị giá mã này giao dịch quanh vùng đỉnh lịch sử.

Trong báo cáo mới đây của Chứng khoán Agribank (Agriseco), nếu căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang, khối lượng xuất khẩu phân bón của Nga này chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và nhiều khả năng sẽ đẩy giá nhóm hóa chất và phân bón tăng cao. Theo đó, DPM là một trong các doanh nghiệp được hưởng lợi nhờ kỳ vọng sản lượng xuất khẩu phân bón tăng cùng giá bán tiếp tục duy trì ở mức cao.

Kế đến, các cổ phiếu TDM, DC4 ghi nhận giá trị bán ròng lần lượt là 98,7 tỷ và 84,4 tỷ đồng. Cùng chiều, hai mã bất động sản là NVL và KBC cũng bị rút ròng với giá trị thấp hơn.

Thu Thảo