Gần 7 tỷ USD cho vay margin đang nằm ở những công ty chứng khoán nào?
Tăng trưởng margin kỷ lục trong quý IV/2021
Theo ghi nhận, các công ty chứng khoán lớn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cho vay ký quỹ trong quý IV/2021 sau khi hoàn tất tăng vốn điều lệ. Kết quả là, tổng dư nợ margin đã có quý tăng trưởng kỷ lục. Thống kê cho thấy, 20 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường cho nhà đầu tư vay thêm 26.220 tỷ đồng trong quý cuối năm ngoái.
Tại ngày 31/12/2021, tổng dư nợ margin tại 20 công ty chứng khoán được theo dõi đạt 153.464 tỷ đồng (tương đương hơn 6,7 tỷ USD). Giá trị này gấp đôi thời điểm cuối năm 2020 (76.494 tỷ đồng) và gấp 3 lần cuối năm 2019 (48.197 tỷ đồng).
Quan sát theo từng quý, dư nợ margin liên tục tăng trưởng khi thị trường chứng khoán Việt Nam tạo đáy hồi phục và tăng mạnh kể từ đầu quý II/2020.
Khi dịch COVID-19 bùng nổ trên toàn cầu, tâm lý nhà đầu tư hoảng loạn và bán tháo cổ phiếu khiến margin có quý duy nhất giảm trong quý I/2020. Tại 20 công ty, giá trị cho vay hạ từ 48.197 tỷ đồng xuống còn 41.451 tỷ đồng, tương đương mức giảm 6.746 tỷ đồng.
Sau khi tâm lý nhà đầu tư ổn định trở lại, nhu cầu vay margin bắt đầu tăng, đẩy lên cao hơn vào quý IV/2020. Kể từ đó, tăng trưởng cho vay ký quỹ thường xuyên duy trì trên mức 15.000 tỷ đồng, đỉnh điểm quý cuối năm ngoái, mức tăng trưởng lên đến 26.220 tỷ đồng.
Những công ty chứng khoán nào đang cho vay nhiều nhất?
Về giá trị cho vay theo từng công ty, Chứng khoán SSI (Mã: SSI) dẫn đầu về dư nợ cho vay margin trên thị trường. Tại ngày 31/12/2021, giá trị margin của SSI là 22.746 tỷ đồng, tăng 13.734 tỷ đồng so với cuối năm 2020. SSI là công ty giữ "ngôi vương" tăng trưởng cho vay ký quỹ năm vừa qua nhờ tăng vốn điều lệ và đẩy mạnh huy động vốn quốc tế.
Đứng thứ hai về cho vay margin trên thị trường chứng khoán Việt Nam là Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) với dư nợ 15.440 tỷ đồng, tăng 5.079 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhóm tăng trưởng margin mạnh nhất trong năm vừa qua không có sự góp mặt của công ty chứng khoán Hàn Quốc này.
Ngoài Chứng khoán SSI, hai đơn vị tăng trưởng margin trên 10.000 tỷ đồng năm qua có Chứng khoán Techcom (TCBS) và VNDirect (Mã: VND), lần lượt là 10.651 tỷ đồng và 10.114 tỷ đồng. Dư nợ cho vay của hai đơn vị thời điểm cuối năm 2021 là 14.678 tỷ đồng và 14.418 tỷ đồng.
Mặc dù dần đầu thị phần môi giới trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Chứng khoán VPS không nằm trong nhóm đẩy mạnh cho vay margin nhất thị trường. Dư nợ ký quỹ của VPS tại ngày 31/12/2021 là 8.977 tỷ đồng, xếp sau Chứng khoán HSC (13.690 tỷ đồng).
Nhóm đẩy mạnh cho vay ký quỹ với giá trị trên 2.000 tỷ đồng năm qua còn có một số công ty chứng khoán như Chứng khoán Bản Việt (Mã: VCI) (tăng cho vay margin 7.516 tỷ đồng), KIS Việt Nam (2.402 tỷ đồng), MBS (2.402 tỷ đồng), Sài Gòn - Hà Nội (3.084 tỷ đồng), MayBank Kim Eng (2.053 tỷ đồng). Các công ty chứng khoán này đều tăng vốn điều lệ trong năm 2021.
Các đơn vị ghi nhận giá trị cho vay ký quỹ tăng trưởng trên 1.000 tỷ đồng năm 2021 có KB Việt Nam, Tân Việt, Yuanta Việt Nam, Phú Hưng và BSC. Chứng khoán Bảo Việt (BVSC, mã: BVS) là đơn vị duy nhất có mức tăng margin dưới 1.000 tỷ đồng năm qua.