|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhìn cách VPBank 'chơi lớn' lần trở lại mảng chứng khoán để thấy đại gia nội thay đổi cục diện ngành chóng vánh thế nào

21:15 | 15/02/2022
Chia sẻ
Năm 2021, ngành chứng khoán tăng vốn điều lệ cao kỷ lục với tổng giá trị lên tới 35.272 tỷ đồng, các công ty nội chiếm ưu thế trong cuộc đua tăng vốn. Sang đến 2022, cuộc đua tăng vốn thêm gay cấn khi SSI và VNDirect đều muốn đưa quy mô vượt 10.000 tỷ đồng hay cách VPBank chơi lớn khi bơm hơn 8.600 tỷ đồng tăng vốn.

Qua thời của các công ty chứng khoán Hàn Quốc

Thị trường chứng khoán Việt Nam từng trải qua thời kỳ "nhà nhà, người người" thành lập công ty chứng khoán. Thời điểm 2006 - 2008, gần như ngân hàng, tập đoàn, tổng công ty lớn đều thành lập công ty chứng khoán.

Khi thị trường bước vào chu kỳ giảm sâu, các công ty chứng khoán bộc lộ nhiều yếu điểm, tình hình tài chính yếu kém, nợ xấu tăng cao, tình thế buộc phải cơ cấu lại ngành. Kể từ đó, việc thành lập công ty chứng khoán trở nên khó hơn.

Khi việc thành lập mới không mấy dễ dàng, những giấy phép hoạt động công ty chứng khoán được săn lùng. Đội ngũ môi giới, M&A đổ xô đi "tìm mua vỏ công ty chứng khoán".

Giai đoạn 2014 - 2019, các tổ chức Hàn Quốc đồng loạt mua lại CTCK nội. Chỉ sau một thời gian ngắn, 4 công ty lớn nhất tại Hàn Quốc đã hiện diện tại Việt Nam gồm Mirae Asset, NH Securities and Investment, KB Securities và Korea Investment and Securities.

Ngoài ra còn có một số cái tên "xứ kim chi" như Shinhan Investment Corportion, Chứng khoán và Đầu tư Hanwha, Tập đoàn tài chính JB Financial Group.

Nhìn cách VPBank 'chơi lớn' lần trở lại mảng chứng khoán để thấy đại gia nội thay đổi cục diện ngành chóng vánh thế nào - Ảnh 1.

Thay đổi vốn điều lệ của các công ty chứng khoán Hàn Quốc. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Sau khi đổi chủ và khoác lên mình cái tên mới, các CTCK ngoại đồng loạt tăng vốn lên hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi thời điểm đó, các CTCK trong nước phân hóa mạnh, chỉ nhóm dẫn đầu như các đơn vị tư nhân SSI, VDDirect tăng đều đặn vốn. Nhóm công ty con của các ngân hàng "dậm chân tại chỗ" dù "sinh ra ở vạch đích" khi thị trường sơ khởi.

Động thái bơm hàng nghìn tỷ đồng từ nhóm công ty Hàn Quốc giai đoạn 2016 – 2019 phà hơi nóng vào toàn ngành chứng khoán. Tưởng chừng chứng khoán Việt Nam sẽ chỉ là sân chơi của nhóm ngoại khi các công ty đẩy mạnh cho vay margin nhờ lợi thế vốn lớn, hay cách cạnh tranh giảm phí giao dịch.

Hoạt động tăng vốn của nhóm công ty Hàn Quốc liên tục kéo dài đến năm 2021. Theo thống kê của phóng viên, kể từ năm 2016, tổng vốn điều lệ của 6 công ty Hàn Quốc tăng thêm 15.583 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng bình quân 48,57%/năm.

Đến thời của các đại gia mới nổi trong nước

Song, khi dịch COVID-19 xảy đến đầu năm 2020, thị trường bất ngờ lao dốc. Giới đầu tư nghĩ đến kịch bản rủi ro nhiều hơn khi CTCK cho vay nhiều. Nhưng thị trường tạo đáy và tăng mạnh kể từ quý II/2020, bức tranh chứng khoán thay đổi hoàn toàn chuyển tông màu từ xám xịt, dần sáng hơn và không quá khi nói đã phát triển rực rỡ.

Như kịch bản không một ai nghĩ đến là COVID-19 bất ngờ xuất hiện làm kinh tế toàn cầu đảo lộn. Câu chuyện ngành chứng khoán cũng đầy bất ngờ như vậy.

Thị trường bùng nổ thời đại dịch thu hút hàng triệu tài khoản chứng khoán mới. Hệ quả là, các CTCK được săn lùng và làn sóng M&A lần này đến từ các "ông lớn" trong nước. Chỉ trong hơn 1 năm, hàng loạt thương vụ mua lại được công bố.

Đơn cử, Sunshine Group mua Chứng khoán Việt Nam Gateway sau đó đổi tên thành Chứng khoán KS (KS Securities). Chứng khoán Đà Nẵng cũng đổi tên thành Chứng khoán DSC với tin đồn đổi chủ liên quan đến nhóm Thành Công. Hay thương vụ mua lại Chứng khoán Đại Nam và đổi tên thành DNSE của cựu CEO VNDirect – Nguyễn Hoàng Giang.

Sóng M&A lần này không thể không nhắc đến dấu ấn của các ngân hàng khi chứng khoán như mảnh ghép lấp đầy hệ sinh thái. Chứng khoán Phương Đông (ORS) về với TPBank. Đầu năm 2022, VPBank chính thức trở lại mảng chứng khoán sau khi hoàn tất thương vụ thâu tóm Chứng khoán ASC.

Trong quá khứ, ngân hàng này từng bán đi Chứng khoán VPS. Tại đại hội đồng cổ đông vừa kết thúc, ASC sẽ đổi tên thành Chứng khoán VPBank (VPBank Securities).

Nhìn cách VPBank 'chơi lớn' lần trở lại mảng chứng khoán để thấy đại gia nội thay đổi cục diện ngành chóng vánh thế nào - Ảnh 2.

Thay đổi vốn điều lệ của các công ty chứng khoán sau khi đổi chủ. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Giống như làn sóng trước đó, các công ty chứng khoán cũng đổi tên sau đổi chủ và đồng loạt tăng vốn. Cả 4 công ty gồm Chứng khoán Tiên Phong (TPS), DSC, DNSE và KS Securities đều nâng quy mô vốn lên hàng nghìn tỷ đồng sau khi được sang tay.

Tuy nhiên, kế hoạch mới đây của VPBank Securities được thị trường chú ý hơn cả. Công ty này sẽ tăng vốn điều lệ đột biến từ gần 269 tỷ đồng lên 8.920 tỷ đồng. Đây là kỷ lục về mức tăng vốn điều lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

"Cách chơi" lớn của các công ty đầu ngành

Như đã đề cập, năm 2021 đánh dấu sự tăng trưởng kỷ lục về vốn điều lệ của các công ty chứng khoán. Theo dữ liệu của người viết, tổng vốn điều lệ của ngành chứng khoán (79 công ty) tăng thêm 35.272 tỷ đồng trong năm 2021, đạt 104.079 tỷ đồng, trong khi mức tăng trong cả 4 năm trước đó chỉ là 25.187 tỷ đồng.

Phải nói rằng, nhóm nội đã chiếm ưu thế trong cuộc đua tăng vốn năm qua. 10 CTCK tăng vốn mạnh nhất trên thị trường năm 2021 có duy nhất đại diện Hàn Quốc là KB Việt Nam. Ba công ty có mức tăng vốn lớn nhất với trên 2.000 tỷ đồng có Chứng khoán SSI (3.818 tỷ đồng), VPS (2.200 tỷ đồng) và VNDirect (2.145 tỷ đồng).

Cuối năm 2021, thị trường không khỏi bất ngờ khi những "ông lớn" trong nước như SSI, VNDirect, VIX, SHS tiếp tục kế hoạch tăng vốn khủng. Thậm chí mục tiêu đưa vốn điều lệ 14.921 tỷ đồng của Chứng khoán SSI vượt xa các ngân hàng tầm trung ở Việt Nam.

Dù vậy, việc rót thêm hơn 8.600 tỷ đồng vào công ty chứng khoán của VPBank lần này vẫn được xem là "cách chơi lớn" trong lần trở lại. Còn với toàn ngành, thương vụ này một lần nữa khẳng định sự độc tôn trong cuộc đua tăng vốn của nhóm công ty nội.

Sơ bộ kế hoạch tăng vốn của 6 CTCK nội (SSI, VNDirect, VPBank Securities, SHS, VIX, DNSE) là 29.639 tỷ đồng năm 2022, tương đương 84% giá trị tăng vốn toàn ngành chứng khoán năm 2021 (dữ liệu của 79 công ty). Nếu các thương vụ hoàn tất, bản đồ ngành chứng khoán sẽ được vẽ lại khi Top3 công ty lớn nhất đều trong tay nhóm nội.

Nhìn cách VPBank 'chơi lớn' lần trở lại mảng chứng khoán để thấy đại gia nội thay đổi cục diện ngành chóng vánh thế nào - Ảnh 3.

Vốn điều lệ của 20 công ty chứng khoán lớn nhất sau khi tăng. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Lợi Hoàng

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).