|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

BCTC công ty chứng khoán đẹp hơn sau 1 năm về tay đại gia: Tài sản nghìn tỷ, lãi gấp trăm lần, sạch quá khứ thua lỗ

15:35 | 09/02/2022
Chia sẻ
Hậu đổi chủ về tay các đại gia, các công ty chứng khoán từ những "bé hạt tiêu" trên thị trường trở thành những công ty có quy mô vừa với tài sản hàng nghìn tỷ đồng, mức lãi hàng trăm tỷ, thậm chí đã xóa hết lỗ lũy kế trước đó.

Đại gia bất động sản, ngân hàng sau năm nhộn nhịp "sắm" công ty chứng khoán

Qua làn sóng các "ông lớn" ngoại từ Hàn Quốc, Đài Loan săn lùng giấy phép công ty chứng khoán, thị trường chứng khoán Việt Nam lại nhộn nhịp với các thương vụ mua bán sáp nhập của các đại gia trong nước năm vừa qua. 

Theo xu hướng thức thời, các ông lớn đều "sắm" cho mình một công ty chứng khoán để hoàn thiện hệ sinh thái bao gồm chứng khoán - ngân hàng - bất động sản - thương mại.

Điểm lại một số thương vụ điển hình, nhóm Sunshine đã hoàn tất thương vụ thâu tóm Công ty Chứng khoán Việt Nam Gateway (trước đó là Chứng khoán Tầm Nhìn thành lập năm 2006). Sau đó, công ty được đổi tên thành Chứng khoán KS. 

Thời điểm cuối năm 2021, thành viên của Sunshine Group - Tập đoàn KSFinance đã nhận chuyển nhượng cổ phần và nắm giữ gần 51% vốn điều lệ của Chứng khoán KS.

BCTC công ty chứng khoán đẹp hơn sau 1 năm về tay đại gia: Tài sản nghìn tỷ, lãi gấp trăm lần, sạch quá khứ thua lỗ - Ảnh 1.

Giao diện của các công ty chứng khoán "lột xác" sau một năm đổi chủ. Ảnh: Website KS Securities.

Cũng giống như Sunshine Group, một công ty đa ngành là Bamboo Capital cũng tham gia thương vụ thâu tóm Chứng khoán Thủ đô vào tháng 9 năm ngoái. Công ty con do Bamboo Capital nắm giữ 99% vốn - Bamboo Financial nắm giữ 20% cổ phần của Chứng khoán Thủ đô, còn lại là các cá nhân.

Nếu như hai thương vụ trên được công bố thông tin một cách rõ ràng, việc chuyển nhượng cổ phần tại Chứng khoán Đà Nẵng lại chỉ được thị trường đồn đoán có liên quan đến Tập đoàn Thành Công dựa trên sự móc lối từ loạt động thái. 

Đơn cử, Chứng khoán Đà Nẵng đổi tên thành Chứng khoán DSC sau đó chuyển trụ sở ra địa chỉ Thành Công Building, 80 Dịch Vọng Hậu (Q.Cầu Giấy, Hà Nội). Một trong những nhà đầu tư chiến lược của Chứng khoán DSC là CTCP Đầu tư NTP, cũng có trụ sở tại đây. 

Sau khi hoàn tất tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng vào quý III năm ngoái, Đầu tư NTP nắm giữ 70% vốn của Chứng khoán DSC. Theo tìm hiểu, lĩnh vực hoạt động chính của Đầu tư NTP là kinh doanh bất động sản. Ông Nguyễn Đức Anh sinh năm 1995 là cổ đông chiến lược sở hữu 98% vốn góp, tương ứng 922,18 tỷ đồng. Doanh nhân 9x này sau đó được bầu là Chủ tịch HĐQT của DSC.

BCTC công ty chứng khoán đẹp hơn sau 1 năm về tay đại gia: Tài sản nghìn tỷ, lãi gấp trăm lần, sạch quá khứ thua lỗ - Ảnh 2.

VPBank chính thức trở lại mảng chứng khoán sau khi hoàn tất thâu tóm Chứng khoán ASC. Ảnh: Hoàng Linh.

Khác với ba cái tên trên, Chứng khoán Tiên Phong và Chứng khoán ASC lại liên quan chặt đến hai ngân hàng là TPBank và VPBank. Phải nói rằng, Chứng khoán Phương Đông (ORS) đã "lột xác" sau khi đổi chủ, đổi tên thành Chứng khoán Tiên Phong (TPS). 

Khoác trên mình bộ nhận diện thương hiệu đậm sắc tím giống như TPBank, cổ phiếu ORS có mức tăng gấp hơn 3 lần trong năm ngoái. Đồng thời, công ty cũng hoàn tất việc tăng vốn lên quy mô 2.000 tỷ đồng và niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE. Từ "bé hạt tiêu", TPS lọt Top20 công ty chứng khoán có quy mô lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thời gian gần đây, thị trường đón nhận thông tin chính thức đánh dấu sự trở lại mảng chứng khoán của VPBank (Mã: VPB) sau khi bán đi Chứng khoán VPS trước đó. Theo đó, VPBank thông qua nghị quyết về việc mua/nhận chuyển nhượng 97,42% cổ phần tại CTCP Chứng khoán ASC.

Trên thị trường cũng đang xuất hiện thông tin Chứng khoán ASC sẽ đổi tên thành VPBank Securities. Đại đội cổ đông tổ chức vào ngày 14/2 tới đây cũng bàn về việc tăng vốn của công ty, sau khi nâng quy mô vốn điều lệ lên 200 tỷ vào tháng 9 năm ngoái.

Không chỉ với các tổ chức, trong năm qua thị trường ghi nhận thương vụ thâu tóm Chứng khoán Đại Nam của ông Nguyễn Hoàng Giang, cựu Tổng Giám đốc của Chứng khoán VNDirect (Mã: VND). Cũng như các công ty khác, Đại Nam đổi tên sau đổi chủ với cái tên mới là Chứng khoán DNSE. 

Tháng 7/2021, DNSE hoàn tất tăng vốn tăng vốn từ 160 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra cuối tháng 12 vừa qua, DNSE thông qua phương án phát hành 200 triệu cổ phiếu, tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính đẹp lên trông thấy sau khi đổi chủ

Như đã nêu trên, một công thức "làm đẹp" chung của các công ty sau khi đổi chủ đó là đổi tên, tăng vốn, phát triển các mảng hoạt động kinh doanh. Trước đó là thay đổi loạt nhân sự, lãnh đạo cấp cao cho đến website của công ty, sản phẩm tài chính. Song, bước chuyển mình về tài chính là rõ nét theo hướng tích cực hơn sau thương vụ M&A.

Quan sát báo cáo tài chính quý IV của 6 công ty chứng khoán, bảng cân đối kế toán của các công ty đã "đẹp lên trông thấy". Sau khi tăng vốn điều lệ lên hàng nghìn tỷ đồng, tổng tài sản của các đơn vị tăng mạnh.

Các công ty chứng khoán đổi vận sau 1 năm về tay đại gia: Tài sản nghìn tỷ, lãi gấp trăm lần, xóa quá khứ thua lỗ - Ảnh 1.

Thống kê tổng tài sản của các công ty chứng khoán. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Tại ngày 31/12/2021, Chứng khoán Tiên Phong có tổng tài sản đạt 4.767 tỷ đồng, tăng 2.568 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm và gấp gần 15 lần cuối năm 2019. Ba công ty chứng khoán khác là DNSE, DSC và KS Securities cũng tăng tổng tài sản lên lần lượt là 2.315 tỷ đồng, 1.809 tỷ đồng và 1.499 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với 1 năm trước đó.

Trong năm 2021, Chứng khoán ASC cũng tăng tổng tài sản từ 34 tỷ đồng lên 280 tỷ đồng. Hay tài sản của Chứng khoán Thủ đô từ 124 tỷ đồng lên 347 tỷ đồng.

Dù vậy, sự thay đổi được xem như đáng ghi nhận nhất phải kể đến kết quả kinh doanh. Tận dụng lợi thế thuận lợi của thị trường và tiềm lực tài chính dồi dào hơn, doanh thu hoạt động và lợi nhuận sau thuế của các công ty đều tăng trưởng mạnh bằng lần năm qua.

Các công ty chứng khoán đổi vận sau 1 năm về tay đại gia: Tài sản nghìn tỷ, lãi gấp trăm lần, xóa quá khứ thua lỗ - Ảnh 2.

Thống kê doanh thu hoạt động của các công ty chứng khoán. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Tổng doanh thu hoạt động năm 2021 của Chứng khoán Tiên Phong gấp 3,5 lần, đạt 1.346 tỷ đồng. Đáng chú ý nhất, doanh thu hoạt động của KS Securities gấp 72 lần năm liền kế trước, đạt 605 tỷ đồng. Hai mảng môi giới chứng khoán và lưu ý đóng góp chính cho doanh thu của KS Securities. 

Theo thống kê của phóng viên, 4 đơn vị khác cũng ghi nhận doanh thu hoạt động tăng trưởng mạnh, như DNSE và Thủ đô vượt 100 tỷ đồng.

Các công ty chứng khoán đổi vận sau 1 năm về tay đại gia: Tài sản nghìn tỷ, lãi gấp trăm lần, xóa quá khứ thua lỗ - Ảnh 3.

Thống kê LNST của các công ty chứng khoán. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Nhờ doanh thu tăng trưởng mạnh, lợi nhuận của các công ty đột biến trong năm 2021. KS Securities báo lãi khủng gần 283 tỷ đồng trong khi năm 2020 lỗ 1,7 tỷ đồng. Chứng khoán ASC cũng thoái lỗ với mức lợi nhuận năm 2021 là 6,5 tỷ đồng. Chứng khoán Tiên Phong gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận trăm tỷ với 214,4 tỷ đồng năm qua.

Với số lãi khủng năm vừa qua, hai công ty chứng khoán đã thoát khỏi quá khứ thua lỗ khi đã xóa lỗ lũy kế dưới thời công ty cũ như KS Securities, Chứng khoán Thủ đô.

Lợi Hoàng