|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

[Video] Cuộc đua vốn của CTCK lớn sau 21 năm: Những đơn vị 'sinh ra ở vạch đích' bị bỏ lại khá xa sau năm tăng trưởng kỷ lục

17:00 | 16/02/2022
Chia sẻ
Năm 2021 đầy ắp những kỷ lục của chứng khoán Việt Nam, đồng thời đánh dấu hoạt động tăng vốn kỷ lục của các công ty chứng khoán nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, đặc biệt về margin. Tổng vốn điều lệ của 79 công ty tăng thêm 35.272 tỷ đồng, gấp 6,5 lần năm 2020.

Ngành chứng khoán tăng vốn kỷ lục năm 2021

Theo dữ liệu thống kê của phóng viên với 79 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường, tổng vốn điều lệ tính đến thời điểm cuối năm 2021 đạt gần 104.079 tỷ đồng, tăng 35.272 tỷ đồng so với năm 2020. Năm 2021 đánh dấu mức tăng kỷ lục của ngành trong 25 năm hoạt động. Giá trị này cao hơn đáng kể mức tăng trong cả giai đoạn 2016 - 2020 (25.187 tỷ đồng).

Năm 2021 có 44/79 công ty chứng khoán tăng vốn điều lệ, trong đó có 16 đơn vị nâng quy mô vốn thêm hơn 1.000 tỷ đồng. Toàn thị trường có 34 công ty đạt vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng, trong khi năm 2020 (26 công ty), 2019 (24) và  2018 (23) và 2017 (15 công ty).

[Video] Cuộc đua vốn của CTCK lớn sau 21 năm: Những đơn vị 'sinh ra ở vạch đích' bị bỏ lại khá xa sau năm tăng trưởng kỷ lục - Ảnh 1.

10 công ty chứng khoán tăng vốn điều lệ nhiều nhất trong năm 2021. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Về bảng xếp hạng, Chứng khoán SSI duy trì vị thế công ty vốn điều lệ lớn nhất với 9.848 tỷ đồng, theo sau là Mirae Asset (6.590 tỷ đồng), VPS (5.700 tỷ đồng).

Phần cuối bảng xếp hạng, Chứng khoán Việt có quy mô nhỏ nhất với 37,5 tỷ đồng. Ngoài ra còn hai đơn vị có vốn dưới 100 tỷ đồng là Chứng khoán HVS Việt Nam và Chứng khoán CV.

Thống kê về giá trị tăng trưởng trong năm, Chứng khoán SSI, VPS và VNDirect là 3 đơn vị dẫn đầu trong ngành với giá trị tăng vốn lần lượt là 3.818 tỷ đồng, 2.200 tỷ đồng và 2.145 tỷ đồng. 

Nhóm nâng quy mô vốn hơn 1.000 tỷ đồng còn có các cái tên khác như Bản Việt, Tân Việt, HSC, ACBS, KB Việt Nam, Sài Gòn - Hà Nội (SHS), KIS Việt Nam, Maybank Kim Eng. 

Với việc CTCK lớn đồng loạt tăng vốn năm vừa qua, bảng xếp hạng các công ty có mức vốn điều lệ hàng đầu không có thay đổi. Video dưới đây mô tả chặng đường tăng vốn trong 21 năm của 15 công ty chứng khoán lớn nhất trên thị trường:

Thay đổi vốn điều lệ của 15 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường kể từ khi thành lập cho đến cuối năm 2021. Video: Lợi Hoàng.

Nhóm công ty không chịu lớn dù sinh ra ở vạch đích

Trở lại với câu chuyện tăng vốn của ngành chứng khoán, xin nhắc lại năm qua được xem là kỷ lục, song nhóm công ty con của các ngân hàng quốc doanh vẫn 'nằm im" bất động. 

Quan sát hoạt động 20 CTCK lớn nhất, duy nhất Chứng khoán Agribank (Agriseco, mã: AGR) không tăng vốn trong năm vừa qua. Từng là đơn vị có mức vốn điều lệ lớn nhất thị trường ngay từ khi thành lập, vốn điều lệ của Agriseco không có nhiều thay đổi trong nhiều năm và tụt hạng khá nhiều trên danh sách.

Cùng với Agriseco, nhiều đơn vị là công ty con của các ngân hàng quốc doanh giữ nguyên vốn điều lệ năm vừa qua như BSC (công ty con BIDV), VietinBank Securities (công ty con của VietinBank), VCBS (công ty con của VietcomBank). Hay một đơn vị có gốc nhà nước là Chứng khoán Bảo Việt (công ty con Tập đoàn Bảo Việt) cũng giữ nguyên quy mô 722,3 tỷ đồng trong nhiều năm.

Theo quan sát của người viết, các công ty chứng khoán như Agriseco, BSC, VietinBank Securities, VCBS từng thống trị bảng xếp hạng ngay từ khi thành lập, thời điểm đó thị trường chứng khoán Việt Nam còn sơ khởi. Trong giai đoạn đó, các đơn vị như SSI, VNDirect, Rồng Việt vẫn chỉ là những "bé hạt tiêu" của ngành.

Nhưng nếu so sánh với hiện tại, những "bé hạt tiêu" ngày đó đổi vai trở thành những gã khổng lồ trong ngành, trong khi những công ty nhà nước vẫn chỉ là những doanh nghiệp không chịu lớn.

[Video] Cuộc đua vốn của CTCK lớn sau 21 năm: Những đơn vị 'sinh ra ở vạch đích' bị bỏ lại khá xa sau năm tăng trưởng kỷ lục - Ảnh 3.

Thay đổi vốn điều lệ của các công ty chứng khoán liên quan đến các ngân hàng. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Ngân hàng tư nhân đồng loạt tăng vốn công ty chứng khoán 

Đối lập với nhóm quốc doanh, nhóm ngân hàng tư nhân không chịu đứng ngoài cuộc đua tăng vốn công ty chứng khoán. Rõ ràng rằng đầu tư chứng khoán đang nổi lên là một kênh thời thượng thu hút hàng triệu tài khoản mới, với mảng ghép không thể thiếu trong hệ sinh thái tài chính, việc tăng vốn các công ty chứng khoán là điều kiện tất yếu. 

Theo quan sát, nhóm CTCK liên quan đến các ngân hàng như ACB, MBBank, TPBank, HDBank, Ngân hàng An Bình, SHB đều tăng vốn mạnh trong năm qua. Ngoại lệ, Chứng khoán Techcombank (TCBS), Chứng khoán Liên Việt, SBS không nâng vốn điều lệ của mình.

Động thái đáng chú ý nhất, VPBank mới đây thông báo kế hoạch khủng khi tăng vốn công ty chứng khoán từ gần 269 tỷ đồng lên 8.920 tỷ đồng, vươn lên đứng vị trí á quân về vốn trong ngành. 

[Video] Cuộc đua vốn của CTCK lớn sau 21 năm: Những đơn vị 'sinh ra ở vạch đích' bị bỏ lại khá xa sau năm tăng trưởng kỷ lục - Ảnh 4.

Thay đổi vốn điều lệ của các công ty chứng khoán ngoại. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Điểm nhấn từ các thương vụ đổi chủ, nhóm ngoại tiếp tục hành trình tăng vốn

Bên cạnh nhóm CTCK lớn và liên quan các ngân hàng, những thương vụ tăng vốn sau khi đổi chủ đổi tên trở thành điểm nhấn năm vừa qua. Như đã đề cập trong bài viết trước đó, các công ty sau khi về với chủ mới đã nâng vốn điều lệ lên hàng nghìn tỷ đồng như KS Securities, DSC, DNSE.

Về phần các công ty chứng khoán ngoại, mặc dù không quá nổi bật nhưng có thể nói nhóm này vẫn theo bám sát cuộc đua tăng vốn của ngành. Những công ty nâng vốn điều lệ thêm hàng nghìn tỷ đồng có Mirae Asset (Việt Nam), KIS Việt Nam, KB Việt Nam, Shinhan. 

Sang năm 2022, cuộc đua tăng vốn hứa hẹn gay cấn khi nhiều đơn vị đã lên phương án ngay từ cuối năm 2021 và chạy đà sớm ngay từ những ngày đầu năm.

Lợi Hoàng

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.