|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tổng tài sản hệ thống ngân hàng 'bốc hơi' gần 10.000 tỉ đồng trong tháng 7

16:35 | 25/09/2020
Chia sẻ
Thống kê mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến 31/7, tổng tài sản có của toàn hệ thống đạt hơn 12,8 triệu tỉ đồng, giảm nhẹ 0,01% so với cuối tháng 6, tương đương giảm 10.000 tỉ đồng.

Tổng tài sản các ngân hàng giảm trong tháng 7

Theo cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến ngày 31/7, tổng tài sản có của toàn hệ thống đạt hơn 12,8 triệu tỉ đồng, tăng 2,01% so với cuối năm trước, tuy nhiên lại giảm nhẹ gần 10.000 tỉ đồng so với cuối tháng trước.

Trong đó, tổng tài sản có của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV, CB Bank, PG Bank, Ocean Bank) đạt hơn 5,3 triệu tỉ đồng, chiếm 41,7% toàn hệ thống và giảm 1,44% so với cuối năm ngoái. 

Cùng vời đó, nhóm công ty tài chính, cho thuê tài chính cũng giảm nhẹ 0,1% xuống mức 205.047 tỉ đồng. 

Trái ngược với đó là sự tăng trưởng tài sản của nhóm ngân hàng TMCP,  tăng hơn 4%, đạt hơn 5,4 triệu tỉ đồng. Tại nhóm ngân hàng liên doanh nước ngoài, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản đạt 6,6% lên hơn 1,4 triệu tỉ đồng.

Ngoài ra, một số loại hình TCTD khác như Ngân hàng Chính sách xã hội, Quĩ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Hợp tác xã đều có mức tăng trưởng trên 7% trong những tháng đầu năm.

Tổng tài sản có hệ thống ngân hàng giảm nhẹ trong tháng 7 - Ảnh 1.

(Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Xét về vốn điều lệ, tổng vốn điều lệ toàn hệ thống các TCTD tăng 1,98% so với đầu năm lên 624.417 tỉ đồng. Trong đó, nhóm các ngân hàng thương mại (TMNN), Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Hợp tác xã gần như không có sự thay đổi. Nhóm ngân hàng TMCP có tổng vốn điều lệ lớn nhất với 290.106 tỉ đồng, tăng 1,9%.

Trong 7 tháng đầu năm, tỉ lệ cho vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức 25,88%. Trong đó, tỉ lệ này tại nhóm ngân hàng TMNN, ngân hàng TMCP, công ty tài chính, Ngân hàng Hợp tác xã lần lượt là 29,94%; 28,21%; 34,22% và 16,33%.

Về tỉ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi, nhóm ngân hàng TMNN đứng đầu với 82,2%. Tỉ lệ này tại nhóm ngân hàng TMCP, công ty tài chính, Ngân hàng Hợp tác xã lần lượt là 72,03%; 37,24% và 50,78%.

Bên cạnh đó, thống kê của NHNN cũng chỉ ra tính đến 30/7, vốn tự có của nhóm ngân hàng áp dụng Thông tư 41 đạt 815.305 tỉ đồng, tỉ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức 11,55%. 

Tại nhóm ngân hàng áp dụng Thông tư 22, số vốn tự có là 266.195 tỉ đồng, CAR ở mức 10,52%. 

Với nhóm TCTD áp dụng Thông tư 36/2014, số vốn tự có đạt 41.522 tỉ đồng, tăng 14,16% so với đầu năm, CAR ở mức 20,25%.

Tổng tài sản có hệ thống ngân hàng giảm nhẹ trong tháng 7 - Ảnh 2.

(Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

ROA toàn hệ thống đạt 0,25%

Xét về khả năng sinh lời của các ngân hàng, thống kê đến hết quí I/2020, tỉ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) trung bình của toàn hệ thống đạt 0,25%. 

Trong đó, ROA của nhóm công ty tài chính, cho thuê đứng đầu với 0,77%. Xếp sau đó là Ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng liên doanh, nước ngoài và quĩ tín dụng nhân dân với ROA cùng ở mức 0,31%.

Trong khi đó, ROA của nhóm ngân hàng TMCP ở mức 0,27%. Xếp cuối cùng là nhóm ngân hàng TMNN và Ngân hàng Hợp tác xã với tỉ lệ lần lượt là 0,19% và 0,16%.

Đối với chỉ tiêu tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), trung bình toàn hệ thống đạt 3,09%. Trong đó, nhóm quĩ tín dụng nhân dân đạt cao nhất với 4,78%, tiếp đến là các công ty tài chính, cho thuê với mức 3,83%.

Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Hợp tác xã có ROE thấp nhất hệ thống, lần lượt ở mức 1,6% và 1,41%.

Tổng tài sản có hệ thống ngân hàng giảm nhẹ trong tháng 7 - Ảnh 3.

(Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).


Lê Huy

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.