Ngân hàng Nhà nước có còn dư địa để giảm lãi suất cho vay?
Lãi suất cho vay có tiếp tục giảm?
Đã qua gần 3/4 chặng đường của năm 2020 nhưng tình hình tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng vẫn còn khá "chậm chạp".
Theo số liệu công bố tại họp báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) diễn ra sáng nay, mặc dù thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào nhưng tính đến 16/9, tín dụng toàn ngành tăng 4,81% so với cuối năm 2019.
Đây là con số rất thấp so với cùng kì năm trước, 9 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 8,4%.
Phát biểu tại họp báo, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN cam kết sẵn sàng đáp ứng đủ nguồn vốn cho doanh nghiệp, người dân đủ điều kiện vay vốn. Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục điều tiết thanh khoản hợp lí để ngân hàng có nguồn đáp ứng ngay nhu cầu của người dân.
"NHNN đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng khoảng 14% nhưng do tác động rất lớn của COVID-19 dẫn đến nhu cầu vay vốn của nền kinh tế ở mức rất thấp", Phó Thống đốc chia sẻ.
Về việc giảm lãi suất, Phó Thống đốc cho biết chủ trương của NHNN sẽ cố gắng và phấn đấu để tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Chính vì vậy NHNN sẽ điều hành thanh khoản sao cho các TCTD, hạn chế việc tăng lãi suất huy động để lấy vốn cho vay. Bà khẳng định NHNN sẵn sàng tái cấp vốn để các ngân hàng đủ vốn cho vay.
Trong điều hành chính sách lãi suất, theo tổng hợp từ NHNN, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã có tới 185 lượt giảm lãi suất và tại Việt Nam đã có 4 lượt giảm lãi suất điều hành kể từ cuối năm 2019 cho đến nay.
Nói về khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành, Phó Thống đốc cho biết NHNN sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và sức khoẻ hệ thống ngân hàng để quyết định điều chỉnh các công cụ chính sách tiền tệ trong đó có lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát và an toàn hệ thống.
Việc thúc đẩy giảm lãi suất cho vay trên thị trường cũng đã được nêu rõ trong định hướng điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới của NHNN. Cụ thể, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay tiếp sức cho nền kinh tế, đơn giản hóa qui trình thủ tục nội bộ.
Tuy nhiên, việc tạo điều kiện cho khách hàng vay mới nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng tiêu dùng và cho vay bằng ngoại tệ.
Sẽ sớm thay đổi chính sách cho vay ưu đãi lãi suất 0%
Tăng trưởng tín dụng thấp cũng là một trong những biểu hiện của xu hướng giảm chất lượng tài chính các doanh nghiệp trước tác động của dịch COVID-19. Ngân hàng giảm lãi suất nhưng không giảm điều kiện vay khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận vốn qua kênh này.
Gói hỗ trợ vay vốn 16.000 tỉ đồng với lãi suất 0% cho tới nay mới chỉ có một doanh nghiệp đủ điều kiện vay. Những qui định chung chung như điều kiện "doanh nghiệp gặp khó khăn" là một điều kiện không rõ ràng đối với cả người đi vay và người cho vay.
Theo thông tin từ ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các nền Kinh tế, dự thảo Thông tư mới qui định về gói cho vay ưu đãi sẽ tháo gỡ tất cả những vướng mắc về các điều kiện vay vốn cho doanh nghiệp.
Trong đó, đối tượng doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi dự kiến sẽ được xác định qua điều kiện có doanh thu giảm 20% so với trước khi phát sinh dịch. Ông cũng cho biết việc điều chỉnh này sẽ sớm được công bố trong thời gian tới đây.
Cần có những chính sách quyết liệt hơn
Trước những ảnh hưởng từ dịch COVID-19, có nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ và các cơ quan chức năng Việt Nam cần những chính sách, giải pháp khác quyết liệt hơn. Trên thế giới, Chính phủ các nước đã tiến hành rất nhiều gói giải pháp có qui mô lớn, có nhiều giải pháp đặc biệt.
Chia sẻ về vấn đề này Phó Thống đốc cho biết hiện nay khoảng 90% khách hàng của các TCTD là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), là đối tượng có những hạn chế về tiềm lực tài chính, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh. Bà cho rằng để tăng tín dụng vào các doanh nghiệp này cần các chính sách như bảo lãnh của TCTD cho doanh nghiệp vay vốn.
Theo báo cáo đánh giá về chính sách điều hành của Việt Nam trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, Tổ chức Tiền tệ Thế giới (IMF) nhận định chính sách tiền tệ của Việt Nam là phù hợp, tuy nhiên dư địa của chính sách tiền tệ đang dần thu hẹp, do đó IMF khuyến nghị cần tăng liều lượng hơn từ chính sách tài khoá.
Phó Thống đốc khẳng định NHNN cố gắng hết sức có thể, nguyên tắc là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nhưng đảm bảo an toàn của hệ thống tài chính của các ngân hàng.
"Theo kinh nghiệm từ lịch sử từ trước tới này cho thấy rằng nếu như sự an toàn của hệ thống ngân hàng không được đảm bảo thì sẽ gây một hệ luỵ vô cùng khó khăn cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng", bà nói.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/