Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 11
Nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phiếu mà không cần đủ tiền trong tài khoản
Tại Thông tư số 68 ngày 18/9 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán, có hiệu lực thi hành từ ngày 2/11, Bộ Tài chính nêu rõ, giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.
Theo đó, công ty chứng khoán thực hiện đánh giá rủi ro thanh toán của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức để xác định mức tiền phải có khi đặt lệnh mua cổ phiếu (nếu có) theo thỏa thuận giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức hoặc đại diện theo ủy quyền của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức không thanh toán đủ tiền cho giao dịch mua cổ phiếu, nghĩa vụ thanh toán giao dịch thiếu tiền được chuyển cho công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức đặt lệnh thông qua tài khoản tự doanh.
Ngoài ra, Thông tư này cũng quy định công ty chứng khoán được chuyển quyền sở hữu ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán hoặc bán thỏa thuận trên hệ thống giao dịch chứng khoán đối với số cổ phiếu đã chuyển về tài khoản tự doanh của mình cho nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức thiếu tiền thanh toán giao dịch mua cổ phiếu chậm nhất vào ngày giao dịch liền kề.
Các khoản lỗ, lãi và chi phí khác phát sinh khi thực hiện giao dịch được thực hiện theo thỏa thuận giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư tổ chức nước ngoài hoặc đại diện theo ủy quyền của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.
Ngân hàng lưu ký nơi nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức mở tài khoản lưu ký chứng khoán chịu trách nhiệm thanh toán giao dịch thiếu tiền và các chi phí phát sinh (nếu có) trong trường hợp xác nhận sai số dư tiền gửi của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức với công ty chứng khoán dẫn tới thiếu tiền thanh toán giao dịch mua cổ phiếu.
Quản lý, sử dụng các khoản thu của ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước
Ngày 1/10, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 70 quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý của các chủ đầu tư, ban quản lý sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11.
Theo đó, nguồn thu quản lý dự án giữa chủ đầu tư và ban quản lý dự án đối với dự án được giao quản lý gồm:
Thứ nhất, thu từ chi phí của dự án được giao quản lý, bao gồm: Nguồn trích chi phí quản lý dự án và nguồn thu khác từ dự án được giao quản lý.
Thứ hai, thu hợp pháp khác của chủ đầu tư, ban quản lý dự án theo quy định, bao gồm: Thu từ hoạt động tư vấn cho các dự án khác và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, ngân sách Nhà nước cấp (nếu có).
Việc phân chia nguồn thu quản lý dự án giữa chủ đầu tư và ban quản lý dự án đối với dự án được giao quản lý sẽ căn cứ vào nội dung, khối lượng công việc, trách nhiệm giữa chủ đầu tư và ban quản lý dự án.
Thủ trưởng đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư quyết định bằng văn bản tỷ lệ phân chia khoản thu quản lý dự án giữa chủ đầu tư và ban quản lý dự án (nếu có) và chịu trách nhiệm về nội dung này.
Về tài khoản giao dịch, Bộ Tài chính quy định, đối với nguồn thu từ chi phí của dự án được giao quản lý, các khoản thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí và các khoản khác của ngân sách Nhà nước (nếu có) theo quy định, chủ đầu tư, ban quản lý dự án mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nơi thuận tiện giao dịch để quản lý.
Đối với nguồn thu không thuộc dự án được giao quản lý, các Quỹ được trích lập theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập: Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án được mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để quản lý.
Quy định về mức lãi suất đối với tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Ngày 30/9, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hai thông tư quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 20/11.
Cụ thể, Thông tư số 46 quy định tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tiền gửi bằng USD không vượt quá mức lãi suất tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ đối với tiền gửi của tổ chức và tiền gửi của cá nhân.
Tại Thông tư số 48 quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng VND, Ngân hàng Nhà nước quy định các tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tiền gửi bằng VND của tổ chức và cá nhân không vượt quá mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn dưới một tháng, tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới 6 tháng trong từng thời kỳ và đối với từng loại hình tổ chức tín dụng.
Tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tiền gửi bằng VND đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên của tổ chức và cá nhân trên cơ sở cung cầu vốn thị trường.
Lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND và USD quy định tại hai thông tư này bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức, áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ và các phương thức trả lãi khác được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng niêm yết công khai lãi suất tiền gửi bằng VND và USD tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng và đăng tải trên trang thông tin điện tử (nếu có) của tổ chức tín dụng.
Khi nhận tiền gửi, các tổ chức tín dụng không được thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức không đúng với quy định của pháp luật, như: bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác.