Quốc hội tiếp tục bàn chính sách đưa ngành dược thành công nghiệp mũi nhọn
Báo cáo tiếp thu giải trình ý kiến đại biểu từ kỳ họp trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết một số đại biểu đề nghị có ưu đãi đủ mạnh, trọng tâm, trọng điểm, để khắc phục khó khăn trong phát triển ngành dược. Luật sửa đổi cần đảm bảo hài hòa giữa thu hút đầu tư nước ngoài với sự phát triển doanh nghiệp nội địa, bảo đảm an ninh y tế.
Thường vụ đã chỉnh lý dự luật theo hướng cho phép áp dụng ưu đãi đầu tư, hưởng hỗ trợ từ các quỹ công nghệ, khoa học, đầu tư mạo hiểm quốc gia vào nhiều hoạt động phát triển dược phẩm. Các hoạt động được hưởng ưu đãi gồm nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm lâm sàng; chuyển giao công nghệ; sản xuất và thương mại hóa thuốc mới, vaccine, sinh phẩm, thuốc công nghệ cao, thuốc cổ truyền dưới dạng bào chế hiện đại; thành lập, phát triển các trung tâm thử nghiệm lâm sàng trong phát triển thuốc mới.
Ngoài ra, dự luật cho phép kết hợp đầu tư ngân sách nhà nước với huy động các nguồn lực khác cho phát triển công nghiệp sản xuất vaccine, sinh phẩm, thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền, phát hiện, bảo tồn và ứng dụng khoa học, công nghệ trong nghiên cứu, phát triển nguồn gen dược liệu quý, hiếm, đặc hữu.
Quản lý chặt việc bán thuốc online
Một số đại biểu không đồng tình và đề nghị đánh giá kỹ tác động về chính sách bán thuốc qua sàn thương mại điện tử. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng việc luật hóa quy định này là cần thiết nhằm điều chỉnh vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn, còn khoảng trống pháp lý. Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Anh cho phép kinh doanh thuốc theo cách này.
Tuy nhiên thuốc là một mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người sử dụng nên Thường vụ Quốc hội sẽ siết chặt điều kiện bán online. Cụ thể, các cơ sở muốn kinh doanh thuốc online phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện và đáp ứng tiêu chuẩn về kỹ thuật, cơ sở vật chất, nhân sự, địa điểm.
Hoạt động mua bán thuốc online chỉ được phép thực hiện thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website có chức năng đặt hàng trực tuyến để xác định được pháp nhân chịu trách nhiệm.
Thuốc được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử phải là thuốc không kê đơn, không bán thuốc thuộc Danh mục hạn chế bán lẻ và thuốc phải kiểm soát đặc biệt. Trường hợp cách ly y tế khi có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, bệnh nhân được phép mua thuốc kê đơn.
Yêu cầu minh bạch giá thuốc
Một số đại biểu đề nghị quản lý ở cấp độ cao hơn việc kê khai giá đối với thuốc độc quyền, có thể dưới dạng khung giá, có giá tối thiểu, giá tối đa. Bên cạnh kê khai giá, dự luật cần làm rõ vấn đề hiệp thương giá, đàm phán giá và phải thực hiện theo quy định của pháp luật về giá, đấu thầu.
Ủy ban Thường vụ Quốc nhận định giá thuốc cần có sự vào cuộc và điều tiết của Nhà nước để thuốc đến tay người dân có chất lượng với giá hợp lý. Vì vậy, dự luật yêu cầu kê khai giá thuốc trước khi lưu hành trên thị trường và kê khai lại khi thay đổi giá. Việc này nhằm hạn chế việc tăng giá bán buôn thuốc qua mỗi khâu trung gian, từ cơ sở sản xuất đến cơ sở kinh doanh dược và người tiêu dùng.
Dự luật cũng cụ thể về quy trình, cách thức công bố giá bán buôn thuốc dự kiến và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Cơ quan của Bộ Y tế có quyền kiến nghị cơ chế kiểm soát khi phát hiện cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc công bố giá bán cao bất hợp lý.
Dự kiến ngày 21/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Cũng trong sáng 22/10, Quốc hội nghe báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027.
Buổi chiều, Bộ trưởng Công an thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Dữ liệu, Ủy ban Quốc phòng và An ninh báo cáo thẩm tra. Sau đó, đại biểu thảo luận ở hội trường về dự Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).