Tổng Giám đốc Gemadept: Khoản lãi 2.000 tỷ từ chuyển nhượng Cảng Nam Hải Đình Vũ có thể ghi nhận vào quý III
Sáng ngày 9/6, CTCP Gemadept (Mã: GMD) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Tính đến thời điểm 8 giờ 30 phút, có 123 cổ đông tham dự đại hội, sở hữu 194.075.619 cổ phần chiếm tỷ lệ 64,4% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Kỳ vọng lãi hơn 3.100 tỷ năm nay
Tại đại hội, cổ đông công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu hợp nhất 3.920 tỷ đồng, tương đương kết quả năm ngoái và lợi nhuận trước thuế 1.136 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ.
Theo ông Đỗ Văn Nhân, Chủ tịch HĐQT Gemadept, điều quan trọng với công ty hiện tại là tập trung toàn bộ nguồn lực cho kế hoạch năm 2023. Bởi ở ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, công ty đã phê duyệt kế hoạch 5 năm với với mục tiêu đến năm 2025, lợi nhuận trước thuế tăng 300% so với năm 2020. Và năm 2023 là năm bản lề để thực hiện kế hoạch đầy tham vọng này.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết, theo các chuyên gia, năm 2023 là năm khó khăn nhất trong 10 năm trở lại đây. Khi đặt ra kế hoạch sản xuất kinh doanh năm nay, các doanh nghiệp trong ngành hết sức thận trọng khi với ngành khai thác cảng, kế hoạch đặt ra giảm khoảng 21%; khối logistic giảm 30%; khối shipping giảm 68% so với năm ngoái.
Đối với Gemadept, sau khi xem xét, lãnh đạo doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 1.136 tỷ đồng, có giảm sút so với kết quả năm 2022 nhưng mức giảm nhẹ hơn so với bình quân chung của thị trường.
"Chỉ tiêu kinh doanh này được xây dựng trên một mức nền thị trường rất xấu trong năm 2023. Cho nên, để đạt được mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.136 tỷ đồng là một thách thức và cần sự nỗ lực lớn", ông Nhân nói.
Song, kế hoạch nêu trên chưa bao gồm lợi nhuận từ việc thoái vốn Cảng Nam Hải Đình Vũ (Hải Phòng). Ông Nguyễn Thanh Bình, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty cho biết, còn một số công việc để có thể hoàn tất và ghi nhận lợi nhuận từ việc chuyển nhượng dự án này.
Dự kiến, thương vụ sẽ giúp cho công ty mẹ Gemadept thu về lợi nhuận trên 2.000 tỷ đồng và có thể được ghi nhận vào trong kết quả kinh doanh quý III.
"Dựa trên chỉ tiêu kế hoạch cộng với lợi nhuận từ thoái vốn Cảng Nam Hải Đình Vũ thì lợi nhuận hợp nhất năm nay của công ty kỳ vọng đạt hơn 3.100 tỷ đồng", ông Bình cho biết.
Nói thêm về triển vọng ngành cảng biển, theo ông Bình, thời điểm này vẫn còn khó khăn đến quý III. Nếu nếu tình hình xấu hơn thì phải đến cuối năm nay và sang đầu năm 2024 mới có dấu hiệu phục hồi.
Tuy nhiên, triển vọng của ngành ở Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng. Trong ngắn hạn sẽ khó khăn, nhưng từ năm 2024 sẽ tiếp tục phát triển.
Bên cạnh đó, mặc dù thời điểm khó khăn nhưng công ty không có chủ trương giảm giá dịch vụ để cạnh tranh về khách hàng mà công ty chủ động, linh hoạt trong điều hành để tối ưu hoá.
Việc thoái vốn Cảng Nam Hải Đình Vũ và tập trung vào Cảng Nam Đình Vũ nằm trong kế hoạch tối ưu hoá quy mô để giảm chi phí trên từng đơn vị (unit cost), tối ưu hoá hệ sinh thái và năm nay, xu hướng giá dịch vụ ở Hải Phòng đang tăng.
Muốn thoái vốn Cảng Nam Hải
Ông Bình cũng cho biết, Gemdept dang có kế hoạch thoái vốn khỏi Cảng Nam Hải bởi dự án này đã thực hiện từ năm 2007 và thời điểm hiện tại, vị trí cảng không còn khù hợp trong chiến lược phát triển của công ty.
Về dự án cao su tại Campuchia, hiện công ty duy trì chăm sóc, chỉnh trang lại dự án và hoàn thiện hồ sơ để khi có đối tác thì có thể thực hiện chuyển nhượng ngay.
"Công ty xác định thoái vốn dự án này càng nhanh càng tốt. Gemadept sẽ cố gắng hết sức thoái vốn trong năm nay," ông Bình thông tin.
Có thể chia cổ tức đặc biệt từ thương vụ thoái vốn Cảng Nam Hải Đình Vũ
ĐHĐCĐ công ty cũng đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, tương ứng 2.000 đồng/cổ phiếu.
Hiện tại, Gemadept đang có hơn 301 triệu cổ phiếu đang lưu hành, do đó, số tiền công ty dùng để chia cổ tức năm 2022 là hơn 602 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, vào thời điểm cuối năm, dựa trên kết quả kinh doanh và kế hoạch đầu tư các dự án mà công ty sẽ cân nhắc việc chia cổ tức đặc biệt từ thương vụ thoái vốn Cảng Nam Hải Đình Vũ. Tuy nhiên, theo ông Bình, trong trường hợp thực hiện chia cổ tức đặc biệt thì tỷ lệ sẽ không được cao như năm 2018.
Dòng tiền từ việc chuyển nhượng dự án này còn sẽ được cân nhắc để phát triển các dự án khác, cơ cấu lại các khoản nợ có chi phí cao và M&A các thương vụ trong cùng lĩnh vực hoạt động với Gemadept.
Bên cạnh đó, cổ đông cũng thông qua việc tạm dừng phương án phát hành quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu được ĐHĐCĐ thông qua năm 2022 do điều kiện thị trường chưa thuận lợi để tiếp tục thực hiện phương án.
Công ty sẽ điều chỉnh lại kế hoạch, phương án sử dụng nguồn vốn để đảm bảo phù hợp nhu cầu thực tế của công ty và trình lại ĐHĐCĐ xem xét thông qua phương án mới nếu điều kiện thị trường thuận lợi, phù hợp với nhu cầu vốn sau điều chỉnh.
Theo kế hoạch được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, doanh nghiệp này dự kiến phát hành hơn 100 triệu cổ phiếu với giá 20.000 đồng/cổ phiếu. Qua đó dự kiến thu về 2.009 tỷ đồng để tăng vốn vào các công ty con gồm CTCP Cảng Nam Hải Đình Vũ, CTCP Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link và đầu tư tài sản cố định.
Công ty đã nộp hồ sơ đăng ký phát hành lên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước vào tháng 6/2022, nhưng sau đó đã có nhiều lần bổ sung, sửa đổi. Đến tháng 1/2023, Uỷ ban Chứng khoán thông báo dừng xem xét hồ sơ đăng ký phát hành của công ty vì lý do thủ tục, giấy tờ.