|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Toan tính của thương nhân khi chọn chữ 'bánh mì' hay 'bánh mỳ' để quảng cáo

15:29 | 02/10/2020
Chia sẻ
Trong khi phần lớn thương hiệu mạnh chọn từ khóa "bánh mỳ" để quảng cáo, những thương hiệu yếu lại chọn từ khóa "bánh mì".

Bán hàng trên App giao đồ ăn cực kỳ phù hợp với các món ăn có thể đóng gói gọn nhẹ, tiện lợi và dễ giao hàng. Mình review thị trường bánh mỳ vì có khá nhiều học viên đã học và sắp học đang bán bánh mỳ trên các App giao đồ ăn.

Là người sáng lập chuỗi quán pizza mang tên Pizza Home, Hoàng Tùng nhận định những món ăn có thể đóng gói gọn rất phù hợp với chiến lược bán hàng qua ứng dụng (app). Bánh mì là một trong số đó. 

Trên thực tế, theo nhận định của Tùng, đây là loại sản phẩm có sức hút lớn trên các ứng dụng giao món, với mức giá phổ biến 25-40 nghìn đồng. Nếu người bán tạo combo bánh mì với đồ uống, họ có thể bán với mức giá 30-50 nghìn đồng.

Đặc biệt, Tùng nhấn mạnh rằng khả năng khách hàng mua nhiều bánh mì rất cao, nghĩa là họ sẽ mua nhiều bánh trong cùng một lần. Ngoài ra, với những người có nhu cầu ăn nhanh vào buổi trưa, khả năng họ mua bánh mì rất lớn.

Chuyện chọn 'bánh mì' hay 'bánh mỳ' để quảng cáo - Ảnh 1.

Hoàng Tùng, giám đốc điều hành chuỗi Pizza Home, nhận định bánh mì là một trong những loại thực phẩm rất phù hợp để bán trên các app giao món. (Ảnh: Hoàng Tùng)

Khi gõ từ khóa "bánh mỳ" hoặc "bánh mì", người mua sẽ thấy kết quả khác nhau, và mức độ hiện diện của các thương hiệu của khác nhau.

Với từ "bánh mỳ", kết quả tìm thông tin hiển thị nhiều thương hiệu mạnh của các chuỗi - như Dân Tổ, Bami King, Savor Xôi. Những thương hiệu ấy đều có đánh giá tốt, điểm "sao" cao, hình ảnh chuyên nghiệp.

Mức độ cạnh tranh với từ khóa "bánh mì" có vẻ thấp hơn, theo nhận định của Tùng, với các thương hiệu như "Bánh mì Phố Cổ", "Kim Oanh", "Bánh mì Bơ Mật Ong & Thịt xiên". Đây là những thương hiệu có độ mạnh chưa lớn, phạm vi phủ chưa rộng, hình ảnh không hấp dẫn.

Quan điểm của Tùng là: Những người bắt đầu kinh doanh bánh mì nên chọn từ khóa "bánh mì" khi quảng cáo để cạnh tranh trên mặt trận tìm kiếm với mấy thương hiệu yếu, vận hành chưa bài bản.

Trong trường hợp mức độ cạnh tranh đối với cả hai từ "bánh mỳ" và "bánh mì" ngang nhau, Tùng cho rằng chiến thuật của người bán nên tập trung vào tối ưu sản phẩm thay vì chọn từ khóa.

Chẳng hạn, khi bánh mì than tre (hay bánh mì đen) thu hút sự chú ý của giới truyền thông và cộng đồng mạng, Tùng quyết định thêm bánh mì than tre vào thực đơn của Pizza Home. 

Toan tính của thương nhân khi chọn chữ 'bánh mì' hay 'bánh mỳ' để quảng cáo - Ảnh 2.

Từ khóa "bánh mì" có mức độ cạnh tranh thấp hơn do phần lớn thương hiệu chưa nổi tiếng chọn từ khóa này. (Ảnh: Bánh mì Zòn)

Khi chọn từ hóa, Tùng chọn "bánh mỳ than tre" thay vì "bánh mỳ đen" do từ khóa "bánh mỳ đen" sẽ trùng với bánh mì đen của Nga đang rất phổ biến trên nhiều ứng dụng giao món ăn. Ngược lại, với từ "bánh mỳ than tre", sản phẩm của Pizza Home có cơ hội lọt vào nhóm kết quả tìm kiếm đầu tiên cao hơn.

Mọi người đều thấy bánh mì than tre của Pizza Home ở nhóm kết quả đầu tiên khi họ tìm trên Google, Facebook và các app, dù tên Pizza Home không liên quan tới bánh mì. Ngay cả khi Pizza Home đã ngừng bán bánh mì than tre, tình hình vẫn không thay đổi.

"Từ khóa đó sẽ giúp gian hàng thu hút thêm lượt truy cập, và có lẽ nhiều người truy cập sẽ mua bánh pizza, bánh kẹp thịt, mì spaghetti thay vì chọn bánh mì than tre", Tùng lập luận.

Sức tiêu thụ bánh mì của người Việt rất lớn. Theo khảo sát của ứng dụng Go-Viet vào tháng 3/2020, khách hàng đã đặt 4,5 triệu ổ bánh mì trên nền tảng. Khảo sát diễn ra khi Go-Food mới xuất hiện ở TP HCM 16 tháng và ở Hà Nội 12 tháng.

Một báo cáo khác của Qandme chỉ ra rằng Go-Food không phải là nền tảng giao đồ ăn phổ biến nhất tại Việt Nam và vẫn xếp sau GrabFood và Now. Thực tế ấy cho thấy nhu cầu tiêu thụ bánh mì nội địa vẫn rất cao.

Không chỉ tạo dấu ấn và điểm nhấn tới người dùng trong nước, một vài cửa hàng bánh mì thậm chí đã gây tiếng vang trên truyền thông quốc tế. Hồi tháng 2/2020, tờ Business Insider có viết bài về bánh mì thanh long của Việt Nam. Bánh mì xuất hiện khi trào lưu "giải cứu thanh long" hình thành.

Năm 2011, từ "bánh mì" trở thành một từ trong từ điển của Oxford. Hồi tháng 3 năm nay, Google đã kỉ niệm sự kiện trên trang chủ bằng hình ảnh bánh mì kèm lời chúc "Celebrating Banh Mi" (Chúc mừng bánh mì). Thông điệp xuất hiện tại hơn 10 quốc gia khác nhau bao gồm Việt Nam, Canada, Singapore, Mỹ.

Nhạc Phong

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.