'Bánh mì bóng đêm' gây sốt giới trẻ có gì đặc biệt?
Bánh mì "bóng đêm" gây bão
Mới đây, hàng nghìn người trên mạng xã hội chia sẻ những bức hình chụp một loại bánh mì mới, do một cửa hàng tại Quảng Ninh sáng tạo.
Không giống màu vàng xuộm của bánh mì bình thường, "bánh mì bóng đêm" sở hữu màu đen bóng như màu than, từ trong ruột tới ngoài vỏ.
Nhờ màu sắc độc đáo, bánh mì bóng đêm thu hút sự chú ý của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Khi biết thông tin về loại bánh độc đáo, nhiều khách du lịch hoặc người địa phương khác đã lập tức đến cửa hàng ở Quảng Ninh thưởng thức và trải nghiệm.
Cũng chính vì vẻ bề ngoài đặc biệt có màu đen sẫm, dân mạng đã đặt tên cho loại bánh mì mới này là bánh mì "bóng đêm".
Bánh mì "bóng đêm" gây sốt cộng đồng mạng có màu đen từ vỏ tới ruột. Ảnh: banhmimo.
Xuất hiện chỉ trong thời gian ngắn, "bánh mì bóng đêm" đã nhanh chóng trở thành món ăn đặc sản mà nhiều người muốn nếm thử khi đến Hạ Long.
Bạn Nguyễn Kim Chi, cư trú tại TP Hạ Long, bình luận: "Vàng thử lửa thử than, thơm ngon giòn rụn tới miếng cuối cùng. Đến Hạ Long mọi người nhớ thưởng thức nhé".
Một tài khoản Facebook khác có tên là Thuỳ An để lại bình luận: "Về Hội An thì có bánh mì Phượng, đến Hạ Long thì có bánh mì bóng đêm".
Đa số lời nhận xét trên mạng xã hội đều cho rằng loại bánh mì đen có hương vị khá ngon, thơm, màu sắc lạ mắt, địa điểm bán có thiết kế đẹp và nhân viên nhiệt tình. "Cứ phát huy thế nhé, sẽ luôn ủng hộ quán", người dùng có tài khoản Hùng Trương chia sẻ.
Tương tự như những loại bánh mì khác, bánh mì "bóng đêm" có các loại nhân như chả mực, chả cua bể, xíu mại tôm, gà nướng, bò nướng phomai, heo quay. Giá dao động trong khoảng từ 25.000 - 45.000 đồng/chiếc, tuỳ loại nhân.
Bánh mì "bóng đêm" được làm ra như thế nào?
Anh Trần Khắc Tuấn, một người đàn ông 35 tuổi tại Hòn Gai, Hạ Long sáng tạo bánh mì Bóng đêm. Tiệm bánh mì đen đầu tiên của Tuấn khai trương vào trung tuần tháng 6, tại TP Hạ Long, Quảng Ninh.
Đến nay, thương hiệu bánh mì đen đã sở hữu hai cơ sở, đều ở TP Hạ Long. Anh Tuấn chia sẻ rằng bánh mì đen ra đời từ cảm hứng về vùng đất mỏ quê hương anh. "Chúng tôi mong muốn hễ ai tới Quảng Ninh, ăn bánh mì là nhớ về đất mỏ", anh Tuấn nói.
Để sáng tạo ra loại bánh mì đen, anh Tuấn cùng những người bạn đã nghiên cứu trong một năm và thử nghiệm 4 lần.
"Với chúng tôi, nó không chỉ là bánh mì mà nó còn là niềm tự hào, niềm kiêu hãnh khi nghĩ về quê hương", chủ nhân của loại bánh mì đặc biệt chia sẻ.
Giống các loại bánh mì bình thường khác,nguyên liệu chính của bánh mì "bóng đêm" vẫn là bột mì. Mật mực và tinh than tre tạo ra màu đen tuyền lạ mắt của bánh.
Bí quyết quan trọng nhất, theo anh Tuấn, là công thức pha trộn để có màu đen vừa phải, không quá đậm, không quá nhạt.
Nhờ cách làm sáng tạo, sản phẩm độc đáo, mỗi ngày hai cơ sở của anh Tuấn bán trung bình khoảng từ 300 - 500 bánh mì đen.
Trước bánh mì "bóng đêm", người tiêu dùng Việt Nam cũng từng có cơ hội thưởng thức loại bánh mì thanh long (với nguyên liệu là ruột trái thanh long) do ông "vua bánh mì" Kao Siêu Lực sáng tạo. Giới truyền thông trong nước và quốc tế rầm rộ đưa tin về bánh mì thanh long trong nửa đầu năm nay.
Là món ăn đường phố, trong những năm gần đây bánh mì trở thành một món ẩm thực đặc biệt của riêng Việt Nam, thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.
Vào cuối tháng 3/2020 vừa qua, Google đã vinh danh bánh mì Việt Nam trên trang chủ của hơn 10 quốc gia, bao gồm Việt Nam, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Áo, Thụy Sĩ, Singapore, Pháp.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử "gã khổng lồ" trong lĩnh vực công nghệ của Mỹ thiết kế Doodle nhằm kỉ niệm 9 năm ngày mà từ "banh mi" xuất hiện trong từ điển danh tiếng Oxford.
Tại Việt Nam, mỗi vùng miền thường gắn với một đặc sản bánh mì khác nhau. Có thể dễ dàng kể tên như: bánh mì thịt nướng Sài Gòn, bánh mì chảo Hà Nội, Bánh mì cay Hải Phòng, bánh mì Phượng Hội An, bánh mì xíu mại Đà Lạt, bánh mì chả cá Nha Trang, bánh mì Xíu Huế,…
Từ lâu, bánh mì đã không còn chỉ là một món ăn đơn thuần, mà đã trở thành một nét ẩm thực đậm chất Việt Nam.
Do đó, hồi đầu năm nay, khi hai du khách người Hàn Quốc lên tiếng "chê" bánh mì Việt Nam, đã phải hứng chịu không ít những phản ứng gay gắt từ cộng đồng người Việt trong và ngoài nước.