|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hàng loạt điểm nhấn mới xuất hiện trên thị trường bánh mì Việt

15:22 | 26/06/2020
Chia sẻ
Bánh mì là một trong những món ăn mà người Việt Nam ưa chuộng với lượng tiêu thụ cực lớn, đặc biệt trên các ứng dụng.

Bánh mì là một trong những món ăn tương đối đặc trưng tại Việt Nam. Trước đây, khi muốn diễn tả bánh mì, người nước ngoài vẫn sử dụng từ "Vietnamese sandwich" hoặc "Vietnamese baguette".

Phải đến năm 2011, từ "bánh mì" mới trở thành một từ trong từ điển của Oxford. Tháng 3 năm nay, Google đã kỉ niệm sự kiện trên trang chủ bằng hình ảnh bánh mì kèm lời chúc "Celebrating Banh Mi" (Chúc mừng bánh mì). Thông điệp xuất hiện tại hơn 10 quốc gia khác nhau bao gồm Việt Nam, Canada, Singapore, Mỹ.

Mặc dù là một "sản phẩm" đặc thù tại Việt Nam, lượng tiêu thụ bánh mì của người Việt rất lớn. Theo khảo sát của ứng dụng Go-Viet vào tháng 3/2020, khách hàng đã đặt 4,5 triệu ổ bánh mì trên nền tảng. Thống kê diễn ra ở thời điểm Go-Food mới xuất hiện ở TP HCM 16 tháng và ở Hà Nội 12 tháng.

Người Việt tiêu thụ bánh mì mạnh, nhiều chuỗi tạo điểm nhấn - Ảnh 1.

TTC Group tập trung vào mảng F&B với chuỗi bánh mì Anh Mập. Ảnh: Bánh Mì Anh Mập.

Một báo cáo khác của Qandme chỉ ra rằng Go-Food không phải là nền tảng giao đồ ăn phổ biến nhất tại Việt Nam và vẫn xếp sau GrabFood và Now. Thực tế ấy cho thấy nhu cầu tiêu thụ bánh mì nội địa vẫn rất cao.

Mới đây, TTC Group đã triển khai mở chuỗi bánh mì với thương hiệu Anh Mập. Hiện tại, chuỗi có 5 cửa hàng tại TP HCM, Đà Lạt, Phan Thiết và Cần Thơ. Đa số cửa hàng tận dụng mặt bằng của TTC để kinh doanh, góp phần xây dựng hệ sinh thái F&B.

Ông Nguyễn Thế Vinh - Chủ tịch TTC Hospitality, nói bánh mì Anh Mập có đặc điểm nổi bật là "handmade" (tự chế). Thương hiệu cũng bắt đầu xuất hiện trên các ứng dụng giao đồ ăn.

Việc tận dụng nguồn tài nguyên có sẵn giúp TTC Group có lợi thế khi xâm nhập thị trường F&B, ngành chịu ảnh hưởng rất nhiều trong thời gian dịch bệnh.

Trước đó, một chuỗi bánh mì khác ở TP HCM cũng thu hút sự chú ý của truyền thông là tiệm bánh PewPew. Vốn là một streamer đời đầu với lượng người hâm mộ lên đến hàng triệu, nhưng Hoàng Văn Khoa (tên thật của PewPew) vẫn quyết định khởi nghiệp bằng tiệm bánh mì.

Người Việt tiêu thụ bánh mì mạnh, nhiều chuỗi tạo điểm nhấn - Ảnh 2.

Bánh mì thanh long của Việt Nam xuất hiện trên tờ Business Insider. Ảnh: Business Insider.

Hiên tại, PewPew tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh bằng cách bán thêm xôi và một số sản phẩm khác ở chuối cửa hàng. Danh tiếng từ việc làm streamer và sự tham gia các hoạt động truyền thông, gameshow (Mảnh ghép tình yêu, ghép đôi với Trâm Anh) của Khoa giúp cho tên tuổi chuỗi cửa hàng bánh mì lan tỏa dễ dàng hơn.

Không chỉ tạo dấu ấn và điểm nhấn tới người dùng trong nước, một vài cửa hàng bánh mì thậm chí đã gây tiếng vang trên truyền thông quốc tế. Hồi tháng 2/2020, tờ Business Insider có viết bài về bánh mì thanh long của Việt Nam. Bánh mì xuất hiện khi trào lưu "giải cứu thanh long" hình thành.

Phóng viên Business Insider cho rằng bánh mì thanh long ngay lập tức tạo hiệu ứng mạnh khi xuất hiện. Thậm chí nhiều người còn nhận xét sản phẩm "giống như một tác phẩm nghệ thuật trên Instagram".

Tiểu Phượng