Chuyện 'Vua bánh mì' rủ nữ giám đốc BSA cùng lo việc đưa bánh mì tri ân tới bác sĩ, y tá chống dịch COVID-19
Sau một thời gian thử nghiệm công thức, ông Kao Siêu Lực (người mang biệt danh "Vua bánh mì") đã công bố loại bánh mang tên "bánh mì dinh dưỡng" để tặng riêng cho các y tá, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch COVID-19.
Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao , giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Kinh doanh - vừa chia sẻ trên Facebook về việc tiếp nhận 3.000 ổ bánh mì dinh dưỡng đặc biệt từ ông Kao Siêu Lực.
"Chị Hạnh, tôi nghĩ kỹ rồi. Giờ là lúc phải xúm nhau lo, được chút nào hay chút ấy, cho các y bác sĩ, nhân viên y tế và các nhân viên phục vụ. Cả tuần qua, tôi dừng công việc, tính toán, chế biến loại bánh mì này", bà Hạnh kể lại lời của ông Lực.
Ông Lực nhờ bà Hạnh gửi mẻ bánh đầu tiên, gồm 3.000 ổ bánh mì đen, tới các bác sĩ để họ ăn thử và nhận xét để ông cải tiến chất lượng. Với tên gọi "bánh mì dinh dưỡng", mỗi ổ có đầy đủ chất để thay một bữa ăn. Bác sĩ có thể ăn ngay sau khi phẫu thuật hay đang trên ca trực. Thành phần bên trong bánh mì gồm hạt óc chó, nho khô, phô mai, khoai lang Nhật sấy dẻo và mè đen.
Vì bánh mì có bao bì hút chân không nên vẫn giữ nguyên chất lượng sau một tuần, và sau 3 tháng trong tủ lạnh, theo lời ông Lực nói với bà Hạnh.
Chị Kao Huy Minh - con gái ông Kao Siêu Lực, mỗi ổ bánh mì có chi phí khoảng 90.000-100.000 đồng.
"Tôi có đề nghị ông điều chỉnh hàm lượng nguyên liệu để giảm bớt chi phí, bởi riêng thành phần óc chó trong mỗi ổ hiện tại đã lên đến 22.000 đồng. Nhưng ông nhất định không đồng ý. Ông bảo phải cung cấp đủ dưỡng chất cho y bác sĩ, để họ có sức khỏe chăm sóc cho cộng đồng", chị Minh kể.
Cũng theo bà Kim Hạnh, sau khi nói chuyện với ông Kao Siêu Lực, bà đã gọi điện khắp nơi, từ Bộ Y tế, Ban chỉ đạo chống dịch thành phố, Hội Lương thực TP.TP.HCM đến Mặt trận Tổ Quốc TP (nơi tiếp nhận phẩm vật), để hoàn thành sự nhờ cậy của ông Kao Siêu Lực.
Bà Hạnh nhận định rằng trong tương lai, việc tặng bánh này của ông Kao Siêu Lực có thể sẽ trở thành một xu hướng mới trong cộng đồng, khiến nhiều người làm trong những ngành khác nhau tự trực tiếp tặng những nhu yếu phẩm cần thiết cho các y bác sỹ ở tuyến đầu chống dịch, như những gì ông đã làm được với bánh mì thanh long.
Trước đó, khi nông sản Việt Nam gặp khó vì tình trạng hạn chế giao thương với Trung Quốc, thay vì bỏ tiền túi để "giải cứu", ông Kao Siêu Lực đã nghĩ đến cách làm bền vững hơn. Chỉ sau 3 ngày, ông tạo ra chiếc bánh mì thanh long, rồi baguette thanh long, bánh mì khoai môn thanh long và bánh mì phô mai thanh long.
Sáng kiến của ông Kao Siêu Lực đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều sản phẩm hỗ trợ nông sản khác như pizza thanh long, bánh tráng thanh long, bún dưa hấu.