Sản xuất bia từ mẩu vụn bánh mì, cựu quân nhân nghĩ ra tuyệt chiêu để hợp tác với khách sạn 5 sao
Nhiều người nghĩ biến vụn bánh mì thành bia là ý tưởng phi thực tế, song người sáng lập thương hiệu bia Crust Brewing ở Singapore muốn chứng tỏ rằng họ đã sai, theo trang Beverage Daily.
Về mặt lí thuyết, khi một nhân viên tư vấn bảo hiểm xem cách chế biến bia trên YouTube rồi quyết định khởi nghiệp để sản xuất bia thủ công, mọi người có lí do để can ngăn. Mức độ phi lí càng tăng khi họ biết rằng anh ta muốn sản xuất bia từ những mẩu vụn bánh mì.
Song thực tế là Travin Singh, tên anh chàng kia, đã có một công ty sản xuất bia thủ công. Và anh đang hợp tác với một chuỗi tiệm bánh để biến những mẩu bánh mì mà lẽ ra phải nằm ở bãi rác trở thành bia.
"Sản xuất để bảo vệ môi trường là ý tưởng hoàn toàn khả thi nếu bạn tạo ra giá trị cho xã hội và có lợi nhuận", Travin khẳng định.
Từng phục vụ Hải quân Singapore, sau khi rời quân ngũ, Travin trở thành nhân viên tư vấn cho một công ty bảo hiểm. Một trong những sở thích của anh là nghiên cứu cách làm bia. Nhiều lần cựu quân nhân gặp những bài báo nói rằng bột mì là nguyên liệu cổ xưa nhất để sản xuất bia.
Cả bia và bánh mì đều ra đời từ bột mì, nước và men. Song chỉ vài công ty trên thế giới sản xuất bia từ bánh mì. Để tìm hiểu thực tế, Travin tới tận bang California (Mỹ) - nơi anh thăm 11 nhà máy bia thủ công chỉ trong một tháng.
Ban đầu Travin sản xuất vài mẻ bia từ mẩu vụn bánh mì ở nhà và thất bại. Anh tiếp tục học hỏi rồi sản xuất trở lại vào tháng 2 năm ngoái. Lần này chất lượng bia đã khá hơn một chút.
"Chúng tôi thành lập công ty Crust Bread Ale vào tháng 4 năm ngoái, và đưa sản phẩm ra thị trường vào tháng 9", Travin kể.
Hiện tại Crust Bread Ale sản xuất trong nhà máy của hãng bia On Tap và cung cấp cho thị trường 230 lít bia thủ công từ bánh mì mỗi tháng. Công ty thu thập các mẩu bánh mì từ hệ thống tiệm bánh Maison Kayser vào mỗi sáng sớm.
"Nhu cầu đủ lớn để chúng tôi tăng công suất lên 2.000 lít bia mỗi tháng vào năm tới", Travin phát biểu.
Nếu những mẩu bánh mì - bao gồm cả những bánh mì đã hết hạn sử dụng - có nhiều vỏ cứng hơn lõi mềm, bia sẽ có vị ngọt như caramel. Ngược lại, nếu lõi mềm nhiều hơn vỏ cứng, độ ngọt của bia sẽ giảm.
"Vị bia của tôi sẽ không ổn định, nên đương nhiên tôi phải cố gắng để đạt sự ổn định. Lượng bánh mì phế liệu rất lớn nên chúng tôi không phải lo ngại về nguyên liệu", Travin tiết lộ.
Ngoài chuỗi tiệm bánh Maison Kayser, Travin còn muốn thu thập mẩu bánh mì từ các khách sạn 5 sao trong thành phố, vì lượng rác bánh mì mà khách sạn thải ra rất lớn.
"Chiến lược của tôi là hợp tác với các khách sạn để sản xuất bia thủ công mang nhãn hiệu của họ, và cũng sử dụng những mẩu bánh mì mà họ thải ra", Travin nói.
Cuộc thảo luận giữa Travin và một số khách sạn 5 sao đã diễn ra. Các chủ khách sạn tỏ ra hào hứng với ý tưởng của Travin.
"Sự hứng khởi của họ là dấu hiệu cho thấy khả năng hợp tác giữa hai bên khá cao", Travin bình luận.