Bán 'bánh mì bóng đêm', ông chủ chuỗi quán pizza cố gắng đưa sản phẩm tới số đông chứ không cầu lãi
Sau khi trào lưu mua bánh mì đen nở rộ ở tỉnh Quảng Ninh, chuỗi Pizza Home đã bán sản phẩm tương tự ở Hà Nội từ ngày 21/7. Giá bán lẻ là 9.000 đồng/chiếc, còn giá bán buôn với số lượng trên 30 bánh là 7.000 đồng/chiếc.
Hoàng Tùng, giám đốc Pizza Home, kể rằng ý tưởng sản xuất bánh mì đen đến từ sự tò mò vì đây là sản phẩm ở tỉnh Quảng Ninh mà công chúng quan tâm.
Sau khi nghiên cứu về nguyên liệu làm bánh, Tùng cũng thấy bánh không chỉ có màu đen đặc trưng rất độc đáo nhờ tinh bột than tre, loại nguyên liệu đến từ Nhật Bản, rất có lợi cho sức khỏe. Tinh bột than tre cũng là nguyên liệu trong một số món ăn kiêng và ăn Keto.
Vì vậy, Tùng mua bột về để làm thử. Sau 3 mẻ bánh, cùng với quá trình điều chỉnh nguyên liệu, công thức, thời gian ủ bột và nướng, mẻ bánh mì đen than tre đầu tiên đã ra đời.
"Ngay sau khi tôi đăng trên trang cá nhân, rất nhiều bạn bè và khách hàng đặt hàng", Tùng kể.
Ban đầu, vì muốn thăm dò thị trường nên Pizza Home chỉ sản xuất với số lượng giới hạn 50 bánh/ngày. Mọi người mua hết 50 bánh sau khi Tùng đăng sản phẩm lên Facebook, cho thấy nhu cầu đối với bánh khá cao.
"Một số cửa hàng bánh mì khác cũng nhập sản phẩm về để bán buôn, nên sau đó chúng tôi tăng số lượng và đang tiêu thụ trung bình ở mức 100 bánh /ngày", Tùng nói.
Tinh bột than che là thành phần có mức chi phí cao nhất trong nguyên liệu để làm bánh mì đen và cao hơn so với bột làm bánh mì thường. Thời gian ủ men, nướng và thử nghiệm bánh mì đen cũng lâu hơn.
Do đó, chi phí thực phẩm và công sức dành cho bánh mì đen cao hơn so với bánh mì thường. Nhưng đây là sản phẩm có lợi cho sức khỏe nên Tùng không ưu tiên lợi nhuận, mà chỉ muốn càng nhiều người dùng bánh mì đen càng tốt.
"Quan điểm từ trước đến nay của tôi khi làm kinh doanh luôn vậy. Tôi chỉ mong bán sản phẩm có thể đến số đông hơn là tạo ra sản phẩm với biên lợi nhuận cao", Tùng thổ lộ.
Sự đón nhận của người tiêu dùng đói với bánh mì tinh than tre đã giúp Pizza Home tìm ra một hướng mới: Kết hợp các sản phẩm truyền thống của Việt nam với các loại nguyên liệu cao cấp và độc đáo trên thế giới, để tạo ra những sản phẩm đậm chất Việt nam nhưng có giá trị cao.
"Việc kinh doanh bánh mì đen cũng cho tôi thấy tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu sản phẩm mới. Công ty nhỏ, nguồn lực càng eo hẹp thì chúng ta càng không nên cạnh tranh bằng giá cả hay bằng đầu tư mặt bằng hoành tráng, mà nên cạnh tranh bằng việc tạo ra những sản phẩm mới với giá trị mới. Khi khách hàng chấp nhận sản phẩm mới của công ty nhỏ, đó là hướng đi bền vững nhất", Tùng bình luận.
Trong khủng hoảng COVID-19, nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng doanh nghiệp vẫn nên đẩy mạnh tiếp thị khi dịch COVID-19 lây lan? Hoàng Tùng nhận định đây là câu hỏi khó.
Quan điểm của giám đốc Pizza Home là doanh nghiệp không nên kích hoạt một chiến dịch tiếp thị nếu chúng ta không có một sản phẩm đủ đặc sắc. Anh học quan điểm này từ chuyên gia hàng đầu về quản trị hiện đại là Peter Drucker. Theo ông, sáng tạo và tiếp thị phải song hành.
Nếu chỉ tiếp thị dựa trên sản phẩm không đặc sắc, doanh nghiệp sẽ rất khó đẩy, đặc biệt ở cấp độ chiến dịch. Thế nên doanh nghiệp nên cải tiến sản phẩm trước khi đẩy tiếp thị để đạt hiệu quả cao", Hoàng Tùng lập luận.
Bản thân Hoàng Tùng luôn cố gắng tập trung vào việc tạo ra một sản phẩm có tính đột biến trước khi thực hiện hoạt động tiếp thị.
"Ví dụ, Pizza Home là chuỗi nhà hàng đầu tiên phát khẩu trang miễn phí cho mọi người (từ ngày mùng 3 Tết) ngay khi đại dịch mới bắt đầu. Chúng tôi cũng là chuỗi đầu tiên tạo ra sản phẩm Pizza Thanh Long trong thời điểm mọi người nỗ lực giải cứu thanh long ruột đỏ. Và gần đây, bánh Burger Corona đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông thế giới", Hoàng Tùng nói.