TKV mở gói thầu nhập khẩu than hơn 1.000 tỷ đồng khi thế giới đang trong cơn sốt năng lượng
Theo Petrotimes, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa công bố lựa chọn nhà thầu gói thầu mua than nhập khẩu từ quý IVvới tổng mức đầu tư 1.062 tỷ đồng.
Gói thầu mua than nhập khẩu này vốn từ vay thương mại và các nguồn hợp pháp khác của TKV.
Trị giá gói thầu có thể được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu, nếu thấy cần thiết. Nhà thầu được lựa chọn theo hình thức đấu thầu rộng rãi, quốc tế không sơ tuyển, không qua mạng, phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ.
Từ đầu năm đến nay, giá than thế giới trung bình tăng mạnh 110% so với cùng kỳ năm 2020 và 75% so với đầu năm, lập kỷ lục cao nhất trong lịch sử.
Trong nước, chính sách giá than chịu sự quản lý chặt chẽ nên hầu hết doanh nghiệp ngành than nội địa chưa được hưởng lợi từ "cơn sốt" giá hiện tại.
Mới đây, Công ty Chứng khoán SSI cho biết 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu của TKV đạt 94.600 tỷ đồng, tăng 2%/năm và sản lượng than tiêu thụ chỉ đạt gần 30 triệu tấn, giảm 1,3%/năm do tình hình giãn cách xã hội kéo dài.
Cùng với đó, huy động nhiệt điện giảm sút vì sản lượng điện tái tạo tăng mạnh. Trong khi đó, chi phí sản xuất than trong nước đang tăng cao.
Hiện tại, 2 đơn vị sản xuất trong nước là TKV và Tổng công ty Đông Bắc phải nhập khẩu khoảng 20-25% lượng than từ Australia và Indonesia để trộn với than trong nước đáp ứng nhu cầu nội địa.
Đây là yêu cầu bắt buộc do công nghệ của các nhà máy điện mới quy định về chất lượng than về mức nhiệt, tro xỉ sau khi đốt.
Sang năm 2022, nhóm phân tích của SSI cho rằng ngành than sẽ có nhiều dấu hiệu tích cực khi giá than trong nước dự kiến điều chỉnh 10-15% do chi phí sản xuất than của TKV và Tổng công ty Đông Bắc đã tăng cao trong năm 2021 và nhu cầu từ nhiệt điện bắt đầu phục hồi trở lại khi giãn cách xã hội được nới lỏng.
Trên cơ sở đó các doanh nghiệp khai thác than cũng sẽ bắt đầu được hưởng lợi khi đàm phán lại giá bán mới cho TKV trong năm 2022.
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 9, nhập khẩu than của Việt Nam đạt 2,1 triệu tấn, tương đương 319 triệu USD, giảm 44% về lượng và giảm 35% về giá trị so với tháng 8.
Lũy kế 9 tháng, nhập khẩu than đạt 29,5 triệu tấn, tương đương gần 3,1 tỷ USD, giảm 32% về lượng và không biến đổi nhiều về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Theo SSI, giá than nhập khẩu của Việt Nam tăng đồng pha với giá than thế giới, với mức tăng trung bình 83% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm.
Với giá than tăng mạnh, các ngành công nghiệp ở nước ta sẽ bị ảnh hưởng chính bao gồm nhiệt điện, xi măng, luyện kim và phân bón.
Trong đó, bởi giá than thế giới tăng đột biến so với than trong nước, các ngành có tỷ lệ than nhập trên tổng than sử dụng trong ngành cao như xi măng, chiếm 66%, sắt thép chiếm 88%, phân bón 74% sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Còn nhiệt điện ít bị ảnh hưởng hơn do tỷ lệ than nhập mới chỉ chiếm 24% tổng than sử dụng và Chính phủ cũng ưu tiên nguồn than trong nước cho nhiệt điện.
Ngành than là ngành chịu tác động trực tiếp từ cơn sốt than, nhưng chính sách giá than chịu sự quản lý chặt của Chính phủ nên hầu hết ngành than chưa được hưởng lợi từ cơn sốt than hiện tại.