|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

'Đừng nghĩ hoa nở mà ngỡ xuân về': Sản lượng than cải thiện nhưng cuộc khủng hoảng thiếu điện của châu Á còn lâu mới dứt

15:11 | 15/10/2021
Chia sẻ
Cú sốc thiếu than tại Trung Quốc và Ấn Độ đã bắt đầu dịu bớt, nhưng chỉ bấy nhiêu thì chưa đủ để ngăn chặn cuộc khủng hoảng thiếu điện trong mùa đông năm nay.

Đừng nghĩ hoa nở…

Theo Bloomberg, Trung Quốc - nước sản xuất than đá lớn nhất thế giới, có thể tăng sản lượng thêm 100 triệu tấn trong quý IV. Sản lượng hàng tháng hiện đã cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 18 triệu tấn.

Giới chức địa phương đã loại bỏ một số rào cản về hành chính để giúp doanh nghiệp khai khoáng tăng thêm nguồn cung, thanh tra Sun Qingguo của Cục An toàn Hầm mỏ Quốc gia Trung Quốc thông tin.

Tuần này, trong chuyến thăm đến một cơ sở sản xuất thiết bị gia dụng tại tỉnh Quảng Đông, Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường đã cam kết sẽ đảm bảo nguồn cung ứng điện cho các nhà máy.

Chưa kể, chính phủ Trung Quốc còn cho phép doanh nghiệp khai thác than vượt hạn ngạch thường niên, trong khi các công ty sản xuất điện có thể tăng giá điện bán ra. Bắc Kinh cũng tiến tới hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng nhiên liệu hóa thạch và tăng nhập khẩu dầu diesel.

 

'Đừng nghĩ hoa nở mà ngỡ xuân về': Sản lượng than cải thiện nhưng cuộc khủng hoảng thiếu điện của châu Á còn lâu mới dứt - Ảnh 1.

 

Ở diễn biến khác, dự trữ than ở Ấn Độ đang cải thiện dần sau hơn ba tuần liên tục trồi sụt. Còn Indonesia, quốc gia xuất khẩu than hàng đầu, cuối cùng cũng đang phục hồi sản lượng sau khi việc khai thác bị đình trệ vì mưa lớn kéo dài.

Các công ty khai thác tại Indonesia đang dần bắt kịp nhu cầu. Theo ông Sunindyo Suryo Herdadi, quan chức cấp cao tại Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia, đất nước Đông Nam Á dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu khai thác 625 triệu tấn than trong năm nay.

…mà ngỡ xuân về

Bloomberg nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Ấn Độ đang hai nước tiêu thụ nhiều nhiên liệu hóa thạch nhất hành tinh khi cả hai sử dụng gần 2/3 nguồn cung than đá toàn cầu.

Theo chuyên gia Natalie Biggs của Wood Mackenzie, ngay cả khi hoạt động khai thác khởi sắc, tổng sản lượng than toàn thế giới vẫn sẽ nằm dưới mức của năm 2019. Chưa kể, nhu cầu tiêu thụ than đang bùng nổ chưa từng có.

'Đừng nghĩ hoa nở mà ngỡ xuân về': Sản lượng than cải thiện nhưng cuộc khủng hoảng thiếu điện của châu Á còn lâu mới dứt - Ảnh 2.

Tàu kéo và sà lan vận chuyển than trên sông Mahakam ở Samarinda, Indonesia. (Ảnh: Bloomberg).

Các lĩnh vực công nghiệp quan trọng trên khắp châu Á, từ sản xuất thép đến chế biến hóa chất, sẽ phải tiếp tục đối mặt với tình trạng gián đoạn nguồn cung điện trong suốt mùa đông năm nay.

Bà Biggs cảnh báo: "Các thị trường châu Á hầu như không thể cải thiện nguồn cung năng lượng trong mùa đông tới. Nếu nhiệt độ ở Bắc bán cầu lạnh hơn bình thường, tương tự như năm ngoái, chúng ta có thể chứng kiến tình trạng thiếu hụt nguồn điện nghiêm trọng ở một số lĩnh vực".

Dù việc ra sức bổ sung nguồn cung than bằng mọi giá có thể giúp Trung Quốc sưởi ấm cho người dân và duy trì hoạt động kinh tế trơn tru trong mùa đông tới, các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng sẽ phải hạn chế tiêu thụ điện. Theo UBS Group, sản lượng của các ngành như thép và xi măng có thể mất 30% vào cuối năm nay.

Bà Lara Dong, trưởng bộ phận nghiên cứu về năng lượng tái tạo tại IHS Markit, cho hay: "Tại Trung Quốc, thiếu hụt năng lượng vẫn là một nguy cơ rõ nét trong mùa đông năm nay và Bắc Kinh ắt hẳn sẽ phân bổ mức tiêu thụ điện như một trong các biện pháp chính để giải quyết vấn đề".

Ít nhất 10 ngân hàng lớn trên thế giới đã hạ dự báo triển vọng kinh tế Trung Quốc năm 2021 do cú sốc mà "bom nợ" Evergrande gây ra cho thị trường bất động sản cũng như do cuộc khủng hoảng thiếu điện. Một số cái tên tiêu biểu như Morgan Stanley, Bank of America, Deutsche Bank, Goldman Sachs,...

 

Ở Ấn Độ, dù dự trữ than của các nhà máy phát điện đã cải thiện, một số bang lớn vẫn chứng kiến vấn nạn mất điện kéo dài và giá điện giao ngay trong tuần này đã leo vọt lên mức cao nhất trong 12 năm qua.

Coal India (Ấn Độ) - công ty khai thác than hàng đầu thế giới, đã tạm thời ngừng giao than cho hàng loạt khách hàng trong nước, ngoại trừ các nhà máy nhiệt điện. Nhiều doanh nghiệp luyện nhôm đã lên tiếng phàn nàn vì bị cắt nguồn cung than đá.

"Cho đến khi nguồn cung hoàn toàn ổn định, chúng ta có thể gặp tình trạng mất điện ở một số nơi, trong khi khách hàng ở các địa phương khác có thể phải trả nhiều tiền hơn cho hóa đơn tiền điện", ông Pranav Master - Giám đốc phụ trách mảng tư vấn cơ sở hạ tầng tại công ty xếp hạng tín nhiệm Crisil từng cảnh báo.

Giá tiền điện nhảy vọt nhiều khả năng có thể gây hại đến tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc của Ấn Độ. Theo một khảo sát của Bloomberg, nền kinh tế này được dự báo sẽ tăng trưởng 9,4% trong năm tài khóa 2021, là tốc độ nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn trên toàn cầu.

Yên Khê