Chưa chờ đến cơn sốt đầu tư công, giá xi măng đã có dấu hiệu tăng vì cú sốc năng lượng
Ảnh hưởng gián tiếp lên nhà thầu xây dựng
Thị trường năng lượng thế giới, đặc biệt là ở các mặt hàng khí đốt và than đá, có thể sẽ tiếp tục thắt chặt trong khoảng cuối năm. Tình hình có nguy cơ trầm trọng hơn nếu mùa đông ở châu Âu trở nên lạnh giá hơn và cuộc khủng hoảng thiếu điện của Trung Quốc chưa đến hồi kết.
Các nhà phân tích tại Deutsche Bank cho biết, từ đầu năm đến nay, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng 500%, trong khi ở Mỹ và châu Á thì cao hơn khoảng 150%. Tại châu Âu, giá khí đốt tự nhiên thậm chí tương đương với giá dầu giao dịch quanh mức 190 USD/thùng, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu mà ngành dầu mỏ chưa bao giờ đạt được.
Ở diễn biến khác, để phục hồi nền kinh tế hậu đại dịch COVID-19, chính phủ nhiều nước được dự đoán là sẽ tiếp tục bơm tiền nền kinh tế, nhất là qua kênh đầu tư cơ sở hạ tầng. Do đó, nhu cầu cho các vật liệu xây dựng từ thép, gỗ đến xi măng, gạch đều sẽ đi lên.
Giá khí đốt tăng chóng mặt đã làm tăng chi phí sản xuất của nhiều ngành như chế tạo và giao thông vận tải, nhưng lĩnh vực xây dựng lại không tiêu thụ quá nhiều nhiên liệu hóa thạch.
Dù vậy, điều đó cũng không có nghĩa là các nhà thầu sẽ không chịu ảnh hưởng bởi đà tăng của khí đốt, các chuyên gia phân tích tại tập đoàn tài chính ING lưu ý. Trên thực tế, các nhà cung ứng thép, gạch, bê tông và xi măng sử dụng rất nhiều khí đốt tự nhiên. Chẳng hạn, khí đốt tự nhiên chiếm hơn 30% chi phí sản xuất của một nhà máy gạch.
Khi các nhà máy này không thể gồng gánh thêm phí tổn, giá vật liệu xây dựng nhất định sẽ tăng, từ đó tác động gián tiếp đến nhà thầu xây dựng.
Chưa kể, tồn kho xi măng của Trung Quốc đã ở mức thấp kể từ đầu năm. Chứng khoán VNDirect cho rằng Trung Quốc đang gặp tình trạng thiếu hụt nguồn cung vật liệu xây dựng tạm thời và xu hướng này sẽ tiếp tục ít nhất là cho đến hết quý IV năm nay.
Trong những tháng trở lại đây, để giải quyết vấn nạn thiếu hàng hóa nói chung, Trung Quốc đã tích cực gom hàng, hay nói cách khác là thiếu gì thì gom đó. Với năng lực mua hàng khủng khiếp của mình, Trung Quốc có thể gây khan hiếm nguồn cung trên toàn cầu, và vật liệu xây dựng cũng không ngoại lệ.
Giá xi măng sắp tăng
Theo các chuyên gia tại ING, đà tăng giá trên thị trường bê tông, xi măng và gạch thường chậm hơn các thị trường khác do sự cạnh tranh tương đối thấp. Nguyên nhân bắt nguồn từ các đặc tính của những vật liệu này.
Xi măng hay gạch khá nặng và cồng kềnh, do đó khi vận chuyển khó và tốn kém hơn. Vì vậy, hầu hết thường được giao dịch trên thị trường nội địa và các nhà sản xuất có nhiều quyền kiểm soát giá hơn. Cho nên, mức biến động giá cũng thấp hơn.
ING cho rằng đây là một trong những nguyên nhân khiến giá xi măng, bê tông và gạch chưa tăng phi mã như thép. Song, các nhà thầu sẽ phải chuẩn bị tinh thần cho một đợt tăng mới, điều tích cực duy nhất là đà tăng của xi măng sẽ không diễn ra như vũ bão.
Nhìn chung, giá đầu ra của một dự án và giá đầu vào của vật liệu xây dựng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến hết năm ngoái, giá đầu ra của nhà thầu tăng nhanh hơn giá đầu vào, dẫn đến biên lợi nhuận của nhà thầu cao hơn. Hiện nay, giá vật liệu đang nhanh chóng bắt kịp, với mức tăng trong nửa đầu năm 2021 đang đạt đỉnh so với năm 2004.
Do đó, biên lợi nhuận của các công ty xây dựng vốn đã chịu áp lực từ giá gỗ và kim loại nặng sẽ càng có thể trở nên eo hẹp hơn khi giá xi măng tăng lên. Doanh nghiệp hiện dễ rơi vào cảnh thua lỗ với các dự án mới do biên lợi nhuận trong lĩnh vực xây dựng rất mỏng, thường chỉ khoảng 2 - 4%.
Để đối phó với tình trạng biến động giá, các nhà phân tích tại ING khuyến nghị nhà thầu nên theo dõi sát diễn biến giá vật liệu xây dựng và sử dụng chính sách phòng ngừa rủi ro để giảm thiểu thiệt hại.