|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thủ phủ than oằn mình chống lũ, cuộc khủng hoảng thiếu điện của Trung Quốc chưa có điểm dừng

14:34 | 12/10/2021
Chia sẻ
Tỉnh sản xuất than lớn nhất tại Trung Quốc đang gồng mình chống lũ lớn. Điều này đang đe dọa nguồn cung than vốn đã bị kéo căng của đất nước tỷ dân giữa thời điểm cả nước bị thiếu điện nghiêm trọng.

Lũ lớn ở thủ phủ than

Hôm 10/10, giới chức tỉnh Sơn Tây - thủ phủ than của Trung Quốc, cho biết hơn 1,75 triệu người tại 11 thành phố trong tỉnh đã bị ảnh hưởng bởi mưa lớn và lũ lụt. Ít nhất 17.000 ngôi nhà bị sập và gần 200.000 ha đất nông nghiệp bị phá hủy. Theo các nhà chức trách, ít nhất 6 người đã thiệt mạng.

Sạt lở đất và lũ lụt ở tỉnh Thiểm Tây gần đó cũng khiến ít nhất 70.000 người phải di tản và 12 người thiệt mạng, Washington Post đưa tin.

Thủ phủ than oằn mình chống lũ, cuộc khủng hoảng thiếu điện của Trung Quốc chưa có điểm dừng - Ảnh 1.

Lực lượng cứu hộ sửa một cây cầu bị hư hại bởi lũ lụt tại thành phố Du Thứ, tỉnh Sơn Tây. (Ảnh: Getty Images).

Mưa lớn bắt đầu từ cuối tháng 9 và đã giảm bớt vào cuối tuần trước nhưng vẫn gây lở đất và lũ lụt nghiêm trọng. Các quan chức địa phương khuyến cáo người dân, nhà máy, trường học và hầm mỏ nên cảnh giác.

Một số video từ tỉnh Sơn Tây cho thấy nhiều ngôi làng cùng đất nông nghiệp bị nhấn chìm trong nước, gia súc chết trôi nổi và người dân phải sơ tán khỏi nơi ở với đồ đạc được bọc trong túi nilon.

Ông Pao Hua-an, trưởng làng Jingping ở tỉnh Sơn Tây, cho hay: "Đội của chúng tôi phải di tản dân làng cả ngày lẫn đêm. Toàn bộ làng hiện đều trong tình trạng ngập lụt, mực nước cao tới 3 m".

Các nhóm tình nguyên viên địa phương đang cập nhật danh sách hơn 50 khu vực cần giúp đỡ. Tại thành phố Vận Thành, những người dân bị mắc kẹt đang chờ được giải cứu đã xây dựng một con đập riêng và canh đập theo từng ca trực.

Thủ phủ than oằn mình chống lũ, cuộc khủng hoảng thiếu điện của Trung Quốc chưa có điểm dừng - Ảnh 2.

Người dân thành phố Vận Thành, tỉnh Sơn Tây tự xây một con đập ngăn lũ. (Ảnh: Getty Images).

Đợt lũ lớn này là thảm họa thiên nhiên mới nhất ở đất nước tỷ dân sau những trận mưa kỷ lục vào mùa hè năm nay ở tỉnh Hà Nam, khiến hơn 300 người thiệt mạng. Vụ việc còn chứng tỏ Trung Quốc đang phải chịu rủi ro lớn từ vấn nạn biến đổi khí hậu.

Thiên tai ngay thời điểm ngặt nghèo

Mưa lớn kèm lũ lụt xảy ra ngay tại thời điểm Trung Quốc đang phải dốc sức giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu điện trên toàn quốc. Một trong các nguyên nhân khiến Trung Quốc thiếu điện như hiện tại là nguồn cung than sụt giảm trong khi giá than tăng nóng.

Tính đến ngày 8/10, 60 mỏ than của tỉnh Sơn Tây đã bị đình chỉ hoạt động và 372 mỏ khác phải tạm dừng hoạt động, theo thông báo của chính quyền địa phương. Điều này được dự báo là sẽ làm trầm trọng thêm cú sốc năng lượng của Trung Quốc.

Thủ phủ than oằn mình chống lũ, cuộc khủng hoảng thiếu điện của Trung Quốc chưa có điểm dừng - Ảnh 3.

Quan chức tỉnh Sơn Tây đang chịu áp lực phải ổn định nguồn cung than trong nước. Năm ngoái, Sơn Tây sản xuất được khoảng 1,06 tỷ tấn than, chiếm hơn 25% tổng sản lượng của toàn Trung Quốc.

Hôm 10/10 vừa qua, Phó Thống đốc tỉnh Sơn Tây Wang Yixin đã kêu gọi các công ty nhà nước trong tỉnh phải "đảm bảo an ninh năng lượng" và cung ứng đủ than "bất kể hoàn cảnh nào".

Các chuyên gia phân tích của Citic Securities cho biết, ngay cả khi Bắc Kinh nỗ lực xoa dịu tình hình, Trung Quốc vẫn có thể thiếu khoảng 30 - 40 triệu tấn than trong quý IV.

Nếu vậy, mức tiêu thụ điện năng của các lĩnh vực công nghiệp tại Trung Quốc có thể sụt giảm 10 - 15% trong hai tháng cuối năm, khiến hoạt động của các ngành thâm dụng năng lượng nhất như thép, hóa chất, xi măng lao dốc đến 30%, UBS Group cảnh báo.

Cũng trong tuần trước, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã cho phép giá điện tăng tới 20% so với mức chuẩn. Các nhà phân tích tại Tianfeng Securities lưu ý rằng điều này có thể làm lạm phát chung tăng khoảng 0,91%.

Thủ phủ than oằn mình chống lũ, cuộc khủng hoảng thiếu điện của Trung Quốc chưa có điểm dừng - Ảnh 4.

Hôm 11/10, giá than giao sau trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Trịnh Châu đã bật tăng 12%, đóng cửa ở mức hơn 1.408 nhân dân tệ/tấn. Giá giao ngay thậm chí còn cao hơn khi loại than đá hàm lượng calo 5.500 kcal/kg ở thành phố Tần Hoàng Đảo (tỉnh Hà Bắc) chạm mốc 1.900 nhân dân tệ/tấn.

Bloomberg dẫn lời nhà phân tích Feng Dongbin của công ty thương mại China Coal Resource dự đoán giá than giao ngay thậm chí có thể đạt đỉnh 2.000 nhân dân tệ/tấn trước khi lùi về 1.000 nhân dân tệ/tấn trong quý I năm sau.

Khả Nhân